Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Cẩn thận với chiêu thức cướp vặt cuối năm

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Mới đây, lúc đang trông coi tiệm tạp hóa ngay nhà của mình, chị T. (một người bà con họ hàng với tôi ở Q.9, TP.HCM) thấy một vị khách đi chiếc Air Blade tấp vào gọi “Chị cho 2 thùng bia Tiger”. Chị T. cẩn thận hỏi vị khách là “Tiger xanh hay bạc?” thì được đáp lại rằng “loại nào cũng được”. Chị T. mang bia ra xe theo yêu cầu và lúc chị đang định tính tiền thì vị khách như chợt nhớ ra: “À quên! Chị cho thêm mấy chai nước ngọt”. Tưởng bán được thêm ít hàng nữa nhưng không ngờ, khi chị quay vào để lấy nước ngọt theo yêu cầu thì vị khách rồ ga bỏ chạy trước sự bất lực của chị. Sự việc diễn ra quá nhanh nên chị T. cũng không kịp kêu lên được tiếng nào. Định thần lại thì chị T. mới nhận ra là mình bị cướp mất 2 thùng bia. “Bán tạp hóa tại nhà đã hơn 10 năm nay rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi bắt gặp tình huống này”, chị T. cho biết. Vì giá trị của 2 thùng bia không lớn lắm nên chị T. cũng chỉ xem đó là một bài học kinh nghiệm trong bán hàng chứ không trình báo cơ quan công an.

Câu chuyện của chị T. làm tôi nhớ lại một trường hợp tương tự đã xảy ra cách đây mấy tháng của chị N. (là chị của bạn tôi, ngụ Gò Vấp, TP.HCM). Vẫn chiêu trò mua thêm hàng tương tự như chị T. đã gặp, nhưng khi chị N. đang khom người lấy thêm hàng theo yêu cầu của “khách” thì chị giật mình bởi tiếng rồ ga của tên cướp nên chị chộp được chiếc tay thắng xe của tên cướp. Hành động của chị N. làm tên cướp mất thăng bằng, kéo chị N. ngã ra đường và do bị loạng choạng tay lái nên tên cướp đã làm rơi thùng bia xuống. Tuy chị N. không bị mất bia và tên cướp cũng thoát được nhưng chị đã bị trầy xước chân tay.

Qua 2 trường hợp của chị T. và chị N., có thể thấy rằng, hiện nay bọn cướp đang hướng đến đối tượng là những cửa hàng tạp hóa của các gia đình để hành động. Trước khi hành động, chúng thường tiến hành quan sát, đặc biệt là chúng rất chú ý đến những cửa hàng mà người bán hàng là phụ nữ, sử dụng chiêu thức gọi một mặt hàng trước và khi mặt hàng đó đã được người bán đặt lên xe rồi thì chúng gọi tiếp mặt hàng thứ 2. Tâm lý chung của người bán hàng giao đủ hàng rồi lấy tiền một thể nên khi họ chưa kịp thu tiền mặt hàng trước, đang trở vào lấy mặt hàng thứ 2 theo yêu cầu thì những tên cướp rồ ga bỏ chạy. Do giá trị hàng hóa bị cướp không lớn nên nạn nhân thường không truy đuổi hoặc báo công an.

Tình trạng “cướp vặt” như trên có thể đã xuất hiện từ lâu nhưng do tính chất “chưa nghiêm trọng” của nó nên nạn nhân không tố giác. Tuy nhiên, mức độ phổ biến của nó thì đã đến hồi báo động và nó có thể phát triển đến mức nguy hiểm như các vụ cướp ở các cửa hàng, siêu thị tiện lợi ở TP.HCM trong thời gian gần đây. Những tên cướp thường lựa chọn những khung giờ vắng, ít người qua lại, những cửa hàng mà người bán hàng là phụ nữ, những nơi an ninh không chặt hoặc có sơ hở… để ra tay. Thông qua những câu chuyện trên, các tiệm tạp hóa nói riêng và người dân nói chung cần nêu cao cảnh giác với chiêu thức “cướp vặt” này.

Yên Hòa

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)