Hôm nay (1-8), các trường ĐH trong cả nước bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1. Theo ghi nhận của Giáo dục TP.HCM, nhiều trường do lo ngại thiếu nguồn tuyển nên dù ở tốp trên vẫn chỉ nhận hồ sơ từ điểm sàn.
Học sinh Trường THPT Lương Văn Can (TP.HCM) xem điểm thi THPT quốc gia 2016 trên mạng. Ảnh: Anh Khôi |
Nguồn tuyển “trông vào” cụm thi ĐH
Năm 2016, cả nước có gần 890.000 thí sinh đăng ký dự thi ở hai cụm thi ĐH và địa phương. Trong số này có 68% thí sinh thi ở cụm ĐH (59% thí sinh vừa xét tốt nghiệp vừa xét tuyển sinh ĐH và 9% xét tuyển sinh ĐH), tương đương khoảng 600.000 thí sinh dự thi. Kết quả kỳ thi vừa rồi cho thấy cả nước có 559.429 thí sinh có tổng điểm 3 môn từ điểm sàn trở lên (chia theo 5 khối thi truyền thống). Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, năm nay các trường ĐH lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển khoảng 320.000 chỉ tiêu. Như vậy, chỉ tiêu chiếm hơn 50% tổng số thí sinh.
Nắm được tình hình này, nhiều trường ĐH đưa ra điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển từ mức điểm sàn hoặc trên sàn 2-3 điểm. Là trường thuộc tốp trên về đào tạo kinh tế nhưng ĐH Kinh tế Quốc dân xét tuyển từ 17 điểm. Trong khi đó, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội nhận xét tuyển ở mức 18 điểm; ĐH Luật Hà Nội thì nhận hồ sơ xét tuyển từ điểm sàn (trong khi điểm trúng tuyển vào trường năm 2015 không có ngành nào dưới 20 điểm)… Còn tại ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, ông Vũ Văn Hóa (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cũng cho biết trường sẽ nhận xét tuyển từ điểm sàn của bộ. Theo ông Hóa, với các trường ĐH tốp trên, điểm sàn không có ý nghĩa nhưng với các trường tốp giữa và tốp dưới điều này rất quan trọng. “Sáng 28-7, khi họp Hội đồng điểm sàn của Bộ GD-ĐT, tôi có đề xuất phương án nên có 3 mức điểm sàn cho các trường tốp trên, tốp giữa và tốp dưới để thuận lợi cho thí sinh đăng ký và cho các trường tuyển sinh. Nhưng ý kiến của các trường ĐH khác đều thống nhất một mức điểm sàn là 15. Như thế sẽ rất bất lợi cho thí sinh khi nộp vào những trường tốp trên nếu họ quy định nhận hồ sơ xét tuyển cũng chỉ lấy từ sàn vì các em hy vọng có cơ hội”, ông Hóa cho hay.
Một chuyên gia tuyển sinh ở một trường ĐH phía Bắc phân tích: “Bộ GD-ĐT cho biết trong tổng số chỉ tiêu tuyển sinh ĐH có 100.000 chỉ tiêu xét bằng học bạ. Nhưng tôi tin rằng, số thí sinh đến xét tuyển bằng học bạ không nhiều vì các em có định hướng khác. Chính vì vậy, đa phần đều “trông vào” nguồn tuyển ở cụm thi ĐH”.
Lưu ý khi xét tuyển trực tuyến
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết từ chiều 28-7, Bộ GD-ĐT chính thức cho phép thí sinh được đăng ký thử trực tuyến vào phần mềm tuyển sinh chung (http://thisinh.thithptquocgia.edu.vn) đến hết ngày 31-7. Từ ngày 1-8, thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển chính thức. Thời gian đăng ký tuyển sinh trực tuyến sẽ kết thúc trước thời gian quy định chung 1 ngày, vào ngày 11-8. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra một số lưu ý đối với thí sinh khi đăng ký xét tuyển như sau: Để đăng ký trực tuyến thí sinh cần đăng nhập vào hệ thống thông qua mã truy cập đã được cung cấp khi thí sinh đăng ký dự thi và số chứng minh nhân dân (đã đăng ký trong phiếu đăng ký dự thi). Ngoài ra, để nhận mã xác thực (mã OTP) khi đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh phải có số điện thoại di động đã được đăng ký trong hệ thống. Thí sinh nào sử dụng hình thức đăng ký xét tuyển trực tuyến chưa đăng ký số điện thoại di động hoặc có nguyện vọng đổi số điện thoại di động, cần về điểm tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi nộp đơn đề nghị để đăng ký hoặc thay đổi số điện thoại di động. Mỗi thí sinh chỉ có 1 phiếu báo điểm kết quả thi cho cả 3 đợt xét tuyển.
Từ ngày 12 đến 14-8 các trường sẽ xét tuyển và công bố điểm chuẩn. Từ ngày 14 đến 19-8, thí sinh phải nộp phiếu chứng nhận kết quả về trường trúng tuyển. Nếu quá thời gian này, thí sinh không nộp coi như không học.
Thiên Lam
Bình luận (0)