Hướng nghiệp - Tuyển sinhTư vấn tuyển sinh

Cần thẳng thắn để tìm giải pháp tốt hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Đề thi khó hay dễ, đó không phải vấn đề cần tranh luận! Kỳ thi THPT quốc gia những năm gần đây, gộp chung 2 kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh ĐH, là nỗ lực của Bộ GD-ĐT trong việc tìm giải pháp tốt hơn trong việc thi cử.

Thí sinh xem lại đề trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Y.Hoa

Lý do đầu tiên là giảm áp lực cho thí sinh, giảm chi phí tổ chức các kỳ thi, giảm lo lắng từ phía phụ huynh và xã hội. Đồng thời thay đổi phương án tuyển sinh, cho phép thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký, giúp các trường ĐH tuyển được thí sinh cao điểm, và các thí sinh có điểm cao cũng có thêm cơ hội vào ĐH. Đây cũng là một suy nghĩ nhân văn, có lợi cho thí sinh. Tuy nhiên, phương án tuyển sinh này bộc lộ bất cập ngay từ năm đầu thử nghiệm. Tâm lý của phụ huynh nói riêng, và xã hội nói chung coi việc đậu tốt nghiệp quan trọng hơn, vì đây là cửa ngõ để bước vào ĐH và bước vào đời. Điều đó khiến một vài sở GD-ĐT coi nhẹ công tác coi thi, tạo thuận lợi để thí sinh đạt điểm thi tốt hơn. Và nhiều thí sinh khi đã có số điểm cao nhờ may mắn, cùng với những điểm cộng ưu tiên, đều chọn những trường top đầu để nộp hồ sơ. Điều tất yếu khi cung vượt quá cầu là phải đánh rớt cả thí sinh đạt 29,25 điểm khi chỉ tiêu tuyển sinh mỗi trường có hạn. Thay vì thừa nhận điểm yếu của công tác tuyển sinh, thì Bộ GD-ĐT lại đưa ra giải pháp hạn chế điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Có phải đây là giải pháp tình thế hay là giải pháp tối ưu?

Điệp khúc “Được mùa mất giá” đã được xử lý bằng biện pháp “ép giá”. Đề thi dài với nhiều câu hỏi khó, là nhận định chung của đa số thí sinh sau các buổi thi. Nhiều thầy cô giáo, và các chuyên gia cũng đưa ra nhận định tương tự, không thể giải quyết hết các câu hỏi của đề thi trong thời gian quy định. Đề khó hay dễ không phải là mấu chốt của vấn đề. Tôi cho rằng Ban ra đề thi đã làm rất tốt công tác của mình, đáp ứng tất cả các yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đề ra. Theo đó, đề thi có tính phân loại tốt, để phục vụ cho công tác tuyển sinh. Tôi cũng cho rằng thí sinh có đạt bao nhiêu điểm 10 không quan trọng, mà quan trọng Bộ GD-ĐT đã định hướng đầu ra như thế nào? Vai trò của Bộ GD-ĐT là kiểm định, đánh giá chất lượng việc dạy và học của 3 năm THPT, thông qua kỳ thi tốt nghiệp. Còn việc tuyển sinh là nhiệm vụ của các trường ĐH. Gộp 2 kỳ thi làm 1 để Bộ GD-ĐT danh chính ngôn thuận “tuyển sinh giùm” cho các trường ĐH, nhưng kết quả này không được các trường hoan nghênh.

Điều gì cần thiết cho giáo dục hiện nay?

Thứ nhất, tách riêng kỳ thi tốt nghiệp THPT và kỳ thi tuyển sinh ĐH. Bộ GD-ĐT cần phải tin tưởng các đơn vị đào tạo dưới quyền quản lý của mình. Nếu Bộ GD-ĐT vẫn giữ thế độc quyền ra đề thi tuyển sinh thì chính bộ phải xem lại công tác quản lý. Bộ GD-ĐT có thể thực hiện phương án xét tốt nghiệp, hoặc giao cho các sở GD-ĐT chịu trách nhiệm xét tốt nghiệp, thông qua việc xét học bạ, hoặc tổ chức một kỳ thi tập trung để đánh giá khách quan, công bằng. Điều này chẳng khó khăn, chẳng xa lạ, vì nhiều phòng GD-ĐT vẫn thường xuyên ra đề tập trung kiểm tra định kỳ cho các trường.

Thứ hai, đổi mới giáo dục không chỉ là đổi mới sách giáo khoa. Bộ GD-ĐT cần đề ra một triết lý giáo dục, mang tính thời đại, hướng đến quyền lợi người học. Điều cần thiết đầu tiên là ổn định giáo dục. Năm 2008, Bộ GD-ĐT thay đổi sách giáo khoa thành 2 bộ cơ bản và nâng cao, theo hướng phân hóa trình độ học sinh, để phân luồng nguồn nhân lực. Sau 10 năm thực hiện, chưa có một hội thảo chính thức nào đánh giá những gì đạt được, thừa nhận những sai lầm trong định hướng, và tác động xã hội ra sao?

Dự kiến năm 2020 lại tiếp tục thay đổi sách giáo khoa theo hướng tích hợp. Nhưng cũng chưa có một nghiên cứu, kiểm định khoa học nào để tin tưởng sự thành công của lần thay đổi này! Việc chuyển từ hình thức thi tự luận sang hình thức thi trắc nghiệm, nhưng Bộ GD-ĐT chưa chuẩn bị đầy đủ ngân hàng câu hỏi đạt chuẩn, chưa tập huấn cho giáo viên, chưa thay đổi nội dung chương trình phù hợp…, đã dẫn đến rất nhiều bất cập như hiện nay. Nếu “kết tội” bằng cảm nhận cá nhân thì khó thuyết phục!

Theo GS. Đỗ Đức Thái (Chủ nhiệm Khoa Toán – Tin, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội), tuy có nhiều ý kiến băn khoăn về tác động xấu của thi trắc nghiệm môn toán, nhưng minh chứng rõ ràng, có đo đạc, có số liệu thì chưa ai làm, và cũng chưa kịp làm, bởi lứa sinh viên đầu tiên trúng tuyển ĐH bằng kết quả thi trắc nghiệm môn toán chưa kết thúc năm học đầu tiên. “Nếu kết tội cho thi toán trắc nghiệm mà chỉ bằng cảm nhận cá nhân của các thầy trong quá trình làm việc với sinh viên thì đúng là khó thuyết phục người khác. Vì thế rất nên có một cuộc khảo sát, nhưng bằng những công cụ tinh tế, dựa vào khoa học giáo dục, để đo đạc mối tương quan giữa chất lượng sinh viên với việc thi trắc nghiệm môn toán”, GS. Thái đề xuất.

Cũng theo GS. Thái, có một vấn đề cũng cần được lưu tâm, mà điều này ảnh hưởng lớn tới chất lượng đầu vào của sinh viên các trường ĐH, đó chính là chất lượng đề thi. Cơ sở để có nhiều người ủng hộ việc thi toán trắc nghiệm là về mặt lý thuyết, đề thi trắc nghiệm có thể phân loại, đánh giá được người học. Nhưng từ lý thuyết đến việc soạn ra được một đề thi trắc nghiệm đạt được yêu cầu này là một khoảng cách rất lớn. “Ví dụ với đề thi chính thức môn toán kỳ thi THPT quốc gia 2017, ngay cả đối với những người chấp nhận thi trắc nghiệm là tốt thì họ cũng thấy nó được soạn không theo được tiêu chí của một đề trắc nghiệm. Đề mẫu 2018 cũng hao hao như thế”, GS. Thái nói.

Lâm Vũ Công Chính
(Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)