Năm 2010 đã gần hết nhưng lời hứa giáo viên (GV) được sống bằng lương vẫn như một bài toán chưa có lời giải.
Tăng hơn hai lần?
Tại kỳ họp QH lần thứ 7, khóa XII, diễn ra vào tháng 6.2010, GS Nguyễn Minh Thuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục – Thanh thiếu niên – Nhi đồng của QH đã chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, khi đó vẫn kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về lời hứa này. Trả lời bằng văn bản, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho hay: So với năm 2006, đến nay (2010), lương GV đã tăng gấp 2,1 lần, vào khoảng 2,5 – 4 triệu đồng/tháng, cao hơn so với các ngành khác.
Phải có giải pháp để nhà giáo nhận lương đúng với công sức và vị trí của mình – Ảnh: Đ.N.T
Tuy nhiên, ông Nhân cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Với nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng, mức lương này vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi tăng thu nhập thực tế cho GV, nhất là khi có con nhỏ, đời sống của một bộ phận nhà giáo vẫn gặp không ít khó khăn".
"Con số này thật khó chấp nhận vì ở một nước mà nhiều thứ được quy ra vàng thì mức lương năm 2006 (lúc giá vàng 1,1 triệu đồng/chỉ) đến năm 2010 (vàng 3,5 triệu đồng/chỉ) là… thụt lùi" Một giáo viên |
Ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính (Bộ GD-ĐT) phân tích: “Lạm phát từ sau năm 2006 đến năm 2009 là 44,6%. Như vậy, thu nhập thực tế của GV đã tăng 1,44 lần”. Ông Ngữ nói: “Một GV tốt nghiệp đại học (ĐH) ra trường năm 2010 có mức lương là 2,306 triệu đồng/tháng. Nếu ở thời điểm năm 2006 thì GV này có mức lương là 1,105 triệu đồng/tháng”.
Ông Ngữ nêu ví dụ, ở các tỉnh miền núi, khu vực đặc biệt khó khăn, một công chức có trình độ cao đẳng (CĐ) được hưởng mức lương hệ số 2,1 và phụ cấp khu vực là 0,7 thì chỉ được 1.820.000 đồng/tháng, nhưng một GV bậc CĐ cũng làm việc tại khu vực đó sẽ có thêm phụ cấp đứng lớp, phụ cấp thu hút, cộng lại cũng gần 3 triệu đồng. Mức sống của GV vào năm 2010 được cải thiện đáng kể so với năm 2006 và cao hơn so với công chức, viên chức của các ngành khác.
Hụt hơi vì tăng giá
Các nhà giáo lại chưa “tâm phục” với cách lý giải trên. Một nhà giáo lên tiếng: “Con số này thật khó chấp nhận vì ở một nước mà nhiều thứ được quy ra vàng thì mức lương năm 2006 (lúc giá vàng 1,1 triệu đồng/chỉ) đến năm 2010 (vàng 3,5 triệu đồng/chỉ) là… thụt lùi”. Không chỉ so với vàng mà so với thịt, cá, xăng dầu, mắm muối… những thực phẩm thiết yếu hằng ngày, thì mức tăng trên cũng chưa thấm vào đâu. Nhà giáo này có thâm niên giảng dạy bậc ĐH 33 năm nhưng tổng lương chưa đến 4 triệu đồng. Vậy những giảng viên khác có thâm niên khoảng 5-7 năm lấy đâu ra mức lương cao hơn 2,5 triệu đồng?
Phụ cấp thâm niên sẽ thay đổi? Theo dự thảo Nghị định về phụ cấp thâm niên mà Bộ GD-ĐT công bố mới đây, đang được Chính phủ xem xét, nhà giáo có thời gian làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập đủ 5 năm (60 tháng liên tục hoặc gián đoạn) trở lên sẽ được tính hưởng phụ cấp thâm niên. Mức phụ cấp thâm niên được tính hưởng bằng 5%, từ năm thứ sáu trở đi (đủ 12 tháng) mỗi năm được tính thêm 1%. |
GS Đỗ Đức Thái, trường ĐH Sư phạm Hà Nội tâm tư: “Một giảng viên trẻ ở khoa chúng tôi nhận mức lương khoảng 1,8 triệu đồng. Tất cả các thu nhập cộng lại mới được 2 triệu đồng/tháng. Thuê một phòng trọ trong dãy nhà cấp 4 cũng mất ngót nghét 1 triệu, còn lại chừng 1 triệu để chi phí cho toàn bộ sinh hoạt. Họ buộc phải làm thêm để kiếm sống nên dễ bị phân tâm, không thể dành thời gian, tâm sức cho nghiên cứu khoa học, giảng dạy được”.
Giải pháp nào?
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Đặng Như Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH, cho rằng: “Lời hứa sống được bằng lương là một khái niệm quá chung chung và khó thẩm định! Sống được bằng lương hay không còn phải tùy thuộc vào mức sống. Cuộc sống ở mỗi địa phương khác nhau, với cùng một mức lương nhưng ở Hà Nội và TP.HCM có thể gặp rất nhiều khó khăn, trong khi ở nơi khác lại tạm đủ”. Theo ông Lợi, nên thay đổi cách trả lương theo hướng phù hợp với giá trị lao động bỏ ra, gắn với kết quả lao động thì mới ổn. Chứ như hiện nay dù GV dạy tốt hay không thì mức lương “cứ tăng theo thời gian”.
Còn ông Nguyễn Văn Ngữ thì khẳng định: “Trong 5 năm tới, Nhà nước sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách tăng lương cơ bản cho GV và sẽ có những cơ chế khuyến khích đội ngũ nhà giáo nâng cao trình độ, chất lượng giảng dạy để nâng cao thu nhập, đời sống của GV sẽ tốt hơn”.
Tuệ Nguyễn / TNO
Bình luận (0)