Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) để tạo hệ thống mới, tốt hơn chứ không phải là sự khai tử đối với khu vực DNNN. Việc tái cấu trúc sẽ ảnh hưởng tích cực và tiêu cực đến tư tưởng, nhận thức, lợi ích của nhiều chủ thể nhưng sẽ tạo một cuộc cách mạng, tạo sự đột phá, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nếu chúng ta quyết tâm triệt để. Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại hội thảo “Tái cấu trúc DNNN” do Bộ Tài chính tổ chức ngày 15-11, tại Hà Nội.
Tách bạch chức năng
Theo PGS-TS Ngô Trí Long, muốn tái cấu trúc DNNN một cách triệt để, có hiệu quả cần thay đổi nhận thức, quan điểm vai trò chủ đạo của khu vực này. Nhà nước không nên sử dụng DNNN như một công cụ điều tiết vĩ mô, điều tiết thị trường. Thay đổi tư duy này sẽ là bước đi chiến lược khôn ngoan để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập.
Nên tách bạch chức năng kinh doanh và công cụ điều tiết vĩ mô của các doanh nghiệp nhà nước. Ảnh: Đức Trí
PGS-TS Hoàng Trần Hậu, Phó Giám đốc Học viện Tài chính (Bộ Tài chính) cho rằng, nên tiếp tục củng cố, duy trì DNNN trong những lĩnh vực mà kinh tế tư nhân không thể thực hiện hoặc thực hiện không hiệu quả, những khâu quyết định nền tảng phát triển kinh tế của xã hội. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước không phải ở số lượng lớn các DN do Nhà nước nắm giữ mà ở năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động; ở những khâu then chốt có khả năng định hướng, điều tiết và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Về cơ bản, trong điều kiện hiện tại, Nhà nước chỉ nên duy trì DNNN trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như: an ninh quốc phòng; xây dựng tài nguyên chiến lược quan trọng và không có khả năng tái tạo; đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế… Mặt khác, không giao cho DNNN quá nhiều nhiệm vụ, nhất là những nhiệm vụ chỉ mang tính chính trị.
Chia sẻ quan điểm của mình, theo PGS-TS Trần Xuân Hải (Học viện Tài chính), với tư cách là chủ sở hữu vốn, Nhà nước cần tư duy hiệu quả kinh doanh của DNNN như một ông chủ tư nhân. Hiệu quả kinh doanh của DN trước hết là phải bảo toàn được vốn, phải tính đúng, tính đủ chi phí, phải thu được hết vốn đầu tư thì mới tính đến lãi. Vì vậy, chế độ quản lý của Nhà nước đối với các DNNN trong giai đoạn tới cần đổi mới theo hướng như: chỉ nên để DNNN công ích thực hiện các mục tiêu xã hội, còn DNNN kinh doanh chỉ kinh doanh và buộc phải hoàn thành tốt, có hiệu quả kinh doanh cao nhất; hoàn thiện chế độ kế toán của các tập đoàn, tổng công ty để đánh giá chính xác hiệu quả hoạt động.
Đặc biệt, theo PGS-TS Trần Xuân Hải: “Phải gắn hiệu quả kinh doanh của DNNN với lợi ích cá nhân của người đứng đầu. Thay vì bổ nhiệm các chức danh chủ chốt bằng những quyết định không có điều kiện ràng buộc, thiếu công khai minh bạch chuyển sang tuyển chọn công khai các ứng cử viên trong xã hội trên cơ sở những yêu cầu về tăng năng suất, lợi nhuận…”.
Còn theo ông Bùi Ngọc Sơn, Viện Kinh tế và chính trị thế giới, để tái cấu trúc DNNN, Nhà nước nên lên danh sách các DN hoặc loại DN cần tư nhân hóa và xếp thứ tự, từ đó kiểm toán, định giá tài sản và xây dựng các chính sách hỗ trợ sau tư nhân hóa như: miễn giảm thuế, trợ cấp thất nghiệp. Còn với những DNNN chưa thể tư nhân hóa được thì tách quản lý ra khỏi quyền sở hữu, trao quyền tự chủ kinh doanh hoàn toàn, loại bỏ mọi hỗ trợ từ Nhà nước, buộc DN hoạt động theo thị trường hoàn toàn. Việc đánh giá DN hoàn toàn dựa trên kết quả kinh doanh như tư nhân, không kèm các đòi hỏi phúc lợi xã hội.
Tránh bị lợi ích nhóm chi phối
Nhìn lại chương trình cải cách DNNN 20 năm nay, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, đó là quá trình cải cách đầy “mâu thuẫn, trăn trở và đau đớn” và thời điểm hiện nay kế hoạch cải cách khó khăn hơn rất nhiều vì liên quan đến ý thức hệ, các tập đoàn lớn, nhóm lợi ích. Chẳng hạn, lý luận của chúng ta là Nhà nước phải có độc quyền, doanh nghiệp thì không nhưng chúng ta phải thực hiện bằng cách nào khi giao cho một DNNN chiếm thị phần chi phối? Hoặc giao cho các DN ngoài Nhà nước? Do đó, tái cấu trúc DNNN đòi hỏi các bước thực hiện phải rất quyết liệt.
Cũng theo TS Thành, để thực hiện thành công, cần sắp xếp lại các DN có nguy cơ vỡ nợ, khó khăn để xử lý; cần đẩy mạnh cổ phần hóa để đặt DNNN lớn vào môi trường cạnh tranh; áp dụng quản trị DN tốt nhất theo thông lệ quốc tế; đặt giám đốc điều hành vào môi trường cạnh tranh sẽ tránh được chuyện tranh cãi lương bổng…
Theo TS Nguyễn Minh Phong, Viện Nghiên cứu kinh tế – xã hội Hà Nội, muốn tái cơ cấu DNNN thành công, một trong các nguyên tắc cần quán triệt là cần phải có tầm nhìn xa, không bị tư duy nhiệm kỳ, tư tưởng cục bộ, bệnh thành tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối, khắc phục tình trạng trì trệ hoặc lạm dụng, trục lợi, thậm chí tái cấu trúc theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” trong phân công cơ quan chủ quản và “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong chỉ đạo, điều hành…
PGS-TS Ngô Trí Long cho rằng, để việc tái cấu trúc DNNN có hiệu quả đòi hỏi phải có cách làm mới, có lộ trình, quyết liệt và thực chất. Muốn làm được điều đó cần phải bắt đúng bệnh và phân định rõ chức năng của DNNN chứ không đơn thuần cứ tiến hành theo kiểu phong trào. Do đó, nội dung cơ bản của chiến lược tái cấu trúc DNNN thời gian tới là phải kiên quyết sắp xếp các tập đoàn, tổng công ty thua lỗ kéo dài, chấn chỉnh hoạt động đầu tư ngoài ngành; sắp xếp, cổ phần hóa DNNN dựa trên cơ sở thị trường.
Hà My
Theo SGGP
Bình luận (0)