“Cha tôi” và “Hoàng Cầm về Kinh Bắc” là hai quyển sách được thực hiện bởi thế hệ tiếp nối của hai nhà thơ lừng danh trong làng thơ ca Việt Nam Nguyễn Bính và Hoàng Cầm. Hai quyển sách ra đời không chỉ để lại cho hậu thế nguồn tư liệu quý giá, khách quan mà còn cho thấy được ý thức, trách nhiệm của con, cháu đời sau đối với cha, ông của mình.
Tư liệu quý giá
Cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Bính và Hoàng Cầm được nhiều tác giả nghiên cứu và in thành sách. Điều đó không chỉ góp phần làm bật lên thành tựu của một nền thơ ca Việt Nam mà còn là nguồn tư liệu quý cho thế hệ trẻ.
Quyển sách “Cha tôi” của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu ra mắt mới đây đã bổ sung thêm vào kho tư liệu về nhà thơ Nguyễn Bính. Quyển sách đã khắc họa rõ nét về chân dung nhà thơ Nguyễn Bính cũng như cuộc đời chìm, nổi, những giai thoại, “bóng hồng” xung quanh ông. Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu là con gái của nhà thơ Nguyễn Bính, nên quyển sách do bà thực hiện đặc biệt ở chỗ không chỉ thông tin khách quan mà còn đề cập tới nhiều câu chuyện chưa từng được kể về người cha của mình.
PGS.TS Võ Văn Nhơn (Trưởng bộ môn Văn học Việt Nam, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) nhận định: “Quyển sách “Cha tôi” của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu không chỉ giúp cho độc giả yêu mến nhà thơ Nguyễn Bính hiểu sâu hơn về đời và thơ của “thi sĩ đồng quê” mà còn là tài liệu quý cho những người viết văn học sử, những ai quan tâm nghiên cứu về Nguyễn Bính. Ví dụ như hiện nay phê bình tiểu sử là một phương pháp rất được ưa chuộng. Quyển sách này sẽ giúp cho những ai muốn phê bình tiểu sử Nguyễn Bính sẽ có những tư liệu tin cậy để lý giải về hồn thơ độc đáo của ông”.
PGS.TS Võ Văn Nhơn nhận xét về quyển sách “Cha tôi” của nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu
Trong khi đó, quyển sách “Hoàng Cầm về Kinh Bắc” ra mắt mới đây – nằm trong dự án “Hoàng Cầm 100 năm” do cháu nội ông là chị Bùi Huệ Chi cùng gia đình thực hiện cũng được sự quan tâm, ủng hộ của giới văn chương lẫn nhà nghiên cứu. Ấn bản này là công trình tập hợp công sức của nhiều người, bao gồm những cái chưa có trong các ấn bản trước đây của Hoàng Cầm. Những nghiên cứu chưa qua công bố, những bài viết quan trọng về Về Kinh Bắc và thơ Hoàng Cầm chưa có trong các sách cũ. Ấn phẩm có những chân dung bằng tranh vẽ, ảnh chụp phong phú của tác giả và các quan hệ thân thiết của ông, những ca khúc, minh họa đã có và mới sáng tác dựa trên thơ Hoàng Cầm. Tác giả nhiều thế hệ từ cố nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy, cố hoạ sĩ Lưu Văn Sìn, Bùi Xuân Phái đến các hoạ sĩ trẻ thế hệ 8X-9X.
Theo nhà thơ Hoàng Hưng, sự nghiệp của nhà thơ Hoàng Cầm để lại cho hậu thế khá phong phú bao gồm nhiều vở kịch thơ và tập thơ, trường thi… Nhưng có thể khẳng định “Về Kinh Bắc” là tập thơ tiêu biểu nhất của nhà thơ Hoàng Cầm về tình ý, tâm sự, giọng điệu, thi pháp; là tác phẩm toàn bích và cũng nổi tiếng nhất của nhà thơ vì gắn với những huyền thoại về cuộc đời, nghiệp thơ, phận thơ, mệnh thơ của tác giả. Không những thế, tập thơ còn là một sử thi trữ tình độc nhất vô nhị về văn hóa Kinh Bắc, vùng văn vật cổ xưa, cái nôi của văn hóa Việt. “Về Kinh Bắc” cùng với truyện thơ “Tiếng hát quan họ” và nhiều bài thơ lẻ cuối đời cho thấy Hoàng Cầm là kết tinh vùng văn hóa nghìn năm Kinh Bắc”, nhà thơ Hoàng Hưng khẳng định.
Tiếp nối tiền nhân
Là con gái đầu của nhà thơ Nguyễn Bính, trong sự nghiệp sáng tác, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu đã đã làm mọi điều nhằm giữ trọn vẹn nhất có thể những gì cha mình để lại. Sau mấy thập kỷ lặn lội khắp nơi thu thập tác phẩm thất lạc trong dân gian của cha, bà đã thực hiện nhiều công trình, bài viết về cha mình, trong đó nổi bật nhất là bộ “Nguyễn Bính toàn tập” và “Cha tôi”.
Hai quyển sách “Cha tôi” và “Hoàng Cầm về Kinh Bắc”
Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu cho rằng, trách nhiệm với cội nguồn họ tộc, với con cháu nối tiếp đời sau, với cộng đồng độc giả yêu mến cha mình, điều đó đã cho bà động lực, thôi thúc, ấp ủ muốn ghi chép lại một cách có hệ thống về hành trình sinh tử đời và thơ của ông. “Tôi cố gom nắm từng chút một những mảnh ghép nhỏ, rời rạc trải dài đất nước, suốt cuộc hành trình một đời người, đời thơ của cha tôi, ghi chép thành một tập sách nhỏ như đã hằng ấp ủ dùi mài. Tôi hoàn toàn không có ý thanh minh, đính chính hay phản bác điều gì, chỉ cố làm việc biết gì nói nấy với mong muốn trả sự thật về đúng chỗ để người đời hiểu đúng về cha tôi”, nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu chia sẻ.
Từ những bài thơ của tiền nhân, người trẻ một lần nữa được cảm tác, sáng tạo theo suy nghĩ của mình nhưng vẫn thể hiện được nội dung, thông điệp mà người đi trước thể hiện. Bằng cách này, tên tuổi nhà thơ danh tiếng như Hoàng Cầm tiếp tục được giới trẻ nhắc tới và những án thơ của ông sẽ mãi bất hủ. |
Sinh ra trong gia đình có cha, ông là nhà thơ tài danh bất cứ người con, người cháu nào cũng rất hãnh diện. Không riêng gì nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu, chị Bùi Huệ Chi (cháu nội nhà thơ Hoàng Cầm) cũng vậy. Dự án “Hoàng Cầm 100 năm” được chị và gia đình, bạn bè nhà thơ Hoàng Cầm thực hiện từ tháng 5-2021, đến nay đã tìm được nhiều chất liệu để tôn vinh sự nghiệp thơ văn của ông cũng như quê hương mà ông từng gắn bó.
Chị Bùi Huệ Chi cho biết: “Ấn phẩm “Hoàng Cầm về Kinh Bắc” là kỳ vọng của dự “Hoàng Cầm 100 năm” để tưởng nhớ về ông cũng như tạo ra sản phẩm có sức hút dành cho giới trẻ. Ở đây truyền cảm hứng cho giới trẻ có những sáng tác về xứ Kinh Bắc cũng về nhà thơ Hoàng Cầm”.
Là thế hệ trẻ có đóng góp vào quyển sách “Hoàng Cầm về Kinh Bắc”, bạn Trần Lê Trọng Nghĩa cho biết vì yêu thích bài thơ “Lá diêu bông” của nhà thơ Hoàng Cầm nên bạn đã cảm tác từ bài thơ này với góc nhìn mới mẻ, đương đại để gần gũi với người trẻ. “Trong sáng tác, tôi đã kết hợp tinh thần luôn tin vào tình yêu của nhà thơ Hoàng Cầm thể hiện trong bài thơ “Lá diêu bông” với cụm từ “Real love” nghĩa là tình yêu đích thực. Từ đó, tôi vẽ nên những chiếc “Lá Real Bông” từ chiếc lá diêu bông trong bài thơ ấy của nhà thơ Hoàng Cầm”.
Hồ Trinh
Bình luận (0)