Đây là mong mỏi, kiến nghị của nhiều cử tri ngành GD-ĐT TP.HCM tại Hội nghị tiếp xúc cử tri ngành giáo dục của Đoàn Đại biểu Quốc hội TP mới đây.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho biết sẽ có đề xuất nhiều chính sách đặc thù cho ngành giáo dục
Nhiều nhân viên trường học bỏ việc
Cử tri Phạm Đăng Khoa – Trưởng phòng GD-ĐT Q.3 – kiến nghị ngành GD TP tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số GD; ứng dụng nhiều hơn nữa phần mềm kiểm tra, đánh giá, đưa phần mềm dạy học LMS trên toàn TP để thầy và trò có thêm không gian học tập, tiếp tục giữ vững đà ứng dụng CNTT trong dạy, học và quản trị trường học. Về nhân sự, cần có biên chế cho vị trí nhân viên tâm lý học đường vì trong dịch bệnh vừa qua có nhiều HS gặp khó khăn, HS mồ côi do dịch Covid-19, sang chấn tâm lý. Trong khi đó, trường học lại chưa có biên chế chuyên viên tư vấn tâm lý. Thêm vào đó cũng rất cần có chức danh nghề nghiệp cho vị trí giám thị trong các nhà trường. Đối với nhân viên y tế cần hỗ trợ thêm để giữ chân họ. Vì trên thực tế, lương của đội ngũ này rất thấp dẫn đến tình trạng xin nghỉ việc nhiều. Chỉ riêng Q.3 vừa qua đã có 5 nhân viên y tế trường học xin nghỉ việc vì đời sống khó khăn. Mức hỗ trợ cho đối tượng này là 450 ngàn đồng/tháng với trình độ trung cấp và 900 ngàn đồng/tháng với trình độ đại học. Ngoài ra, cũng cần có chính sách hỗ trợ cho người lao động trong trường công lập khi thực hiện hỗ trợ phòng chống dịch.
“TP sớm triển khai nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhất là nhân viên ngành GD nhằm đảm bảo thầy cô an tâm công tác”, ông Khoa kiến nghị thêm.
Cử tri ngành giáo dục huyện Cần Giờ kiến nghị chính sách hỗ trợ đặc thù cho đội ngũ giáo viên làm việc trên địa bàn huyện cũng như cơ chế thu hút đội ngũ giáo viên tiếng Anh đến công tác trên địa bàn.
Cử tri Trần Khắc Huy – Trưởng phòng GD-ĐT Q.Tân Bình – kiến nghị tăng số người làm việc cho 4 vị trí kế toán, văn thư, thủ quỹ, nhân viên y tế trường học.
Ông Huy kiến nghị có quy định đặc thù cho việc chuyển đổi đất GD hoặc việc quy hoạch mạng lưới GD của địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư có thể thành lập trường học trên địa bàn, phục vụ nhu cầu xã hội.
Cử tri Q.Tân Phú kiến nghị về việc xem xét điều chỉnh thông tư 06 đối với bậc mầm non, giúp các trường có nhân viên phục vụ, bảo vệ.
Tại hội nghị nhiều cử tri cho rằng, theo Nghị định 161 của Chính phủ, công tác chi trả lương nếu thực hiện hợp đồng với các trường công lập thì phải chi trả từ nguồn tài chính ngoài quỹ lương, gây khó khăn cho các trường công lập, không đủ mức lương giữ chân người lao động. Bên cạnh đó, hiện nay giáo viên tin học, tiếng Anh rất khó tuyển dụng, thậm chí không tuyển được nhưng khi nhà trường hợp đồng để có nguồn giáo viên giảng dạy thì không được chi trả lương từ nguồn ngân sách. Theo đó nhiều ý kiến cho rằng nên chi trả lương từ nguồn ngân sách cho các trường hợp này, giúp các đơn vị trường học mạnh dạn hơn trong việc tuyển dụng.
Phó hiệu trưởng một trường mầm non tại Q.6 kiến nghị về chế độ chính sách cho vị trí bảo mẫu, cấp dưỡng trong các cơ sở giáo dục mầm non. Bởi thực tế, lương của đội ngũ này quá thấp, trong khi đi làm ở ngoài với trình độ trung cấp thì lương phải 10 triệu đồng/tháng. Hậu quả của tình trạng này dẫn đến việc các trường mầm non đang rất “khát” bảo mẫu…
Sẽ có chính sách đặc thù để GD phát triển
Ghi nhận ý kiến của các cử tri, ông Dương Trí Dũng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM – cho biết sẽ tổng hợp, đề xuất, kiến nghị đến các cấp có thẩm quyền xử lý. Cụ thể, với vị trí nhân viên bảo vệ, phục vụ, cử tri đặt vấn đề chi trả định biên nguồn ngân sách, Sở GD-ĐT sẽ làm việc với các sở ngành liên quan để hỗ trợ.
Với các nhóm vị trí tại trường qua dịch bệnh cần phải có như nhân viên y tế, tâm lý học đường theo quy định thì giao cho các trường tự chủ thực hiện linh hoạt. Sở đã phối hợp với các sở, ngành liên quan hoàn thiện các yếu tố pháp lý trình UBND TP, HĐND TP để có những chế độ chính sách đặc thù nhằm hỗ trợ, giữ chân người lao động, đảm bảo an toàn trường học phục vụ học sinh.
Về chế độ chính sách dành riêng cho giáo viên huyện Cần Giờ, Sở GD-ĐT sẽ phối hợp với UBND huyện Cần giờ có tổng hợp, báo cáo UBND TP, trình HĐND TP từ thực tiễn thực hiện, đảm bảo giáo dục Cần Giờ ngang bằng với các địa phương khác tại TP.
Cử tri Phạm Đăng Khoa kiến nghị nhiều chính sách đặc thù cho giáo dục thành phố
Về thiếu giáo viên ở các bộ môn như tiếng Anh, tin học, âm nhạc, nghệ thuật, sở cũng đã tổng hợp báo cáo UBND TP, báo cáo Bộ GD-ĐT…
Tại hội nghị tiếp xúc, bà Văn Thị Bạch Tuyết – Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM – cho biết, các ý kiến của cử tri sẽ được tổng hợp gửi đến UBND TP, các sở ngành liên quan. Các kiến nghị về tuổi nghỉ hưu, giáo viên người nước ngoài, chế độ chính sách cho giáo viên, quy định vị trí việc làm, công tác bồi dưỡng… đoàn sẽ có văn bản gửi đến Quốc hội, Chính phủ.
Song song đó, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM đề nghị Sở GD-ĐT tổng hợp kiến nghị của cử tri, tập trung giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền, có hướng dẫn giúp cơ sở thực hiện tốt; Sở GD-ĐT nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù cho đội ngũ giáo viên, cơ sở GD trên địa bàn TP nếu thuộc thẩm quyền HĐND TP.
Sở GD-ĐT nên kiến nghị với HĐND TP về kinh phí tập huấn cho đội ngũ khi triển khai chương trình GDPT 2018. Đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất triển khai chương trình mới trên địa bàn TP, đảm bảo tiêu chuẩn tối thiểu theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT để giáo viên thực hiện tốt nhiệm vụ. Sở GD-ĐT phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện đề xuất với UBND TP mở rộng, xây dựng mới trường học từng bước thực hiện nhu cầu học 2 buổi/ngày trong chương trình mới trên địa bàn TP, nhất là ở các quận có tỷ lệ tăng dân số cơ học cao như quận 12, Bình Tân, Tân Phú…
Theo bà Tuyết, với yêu cầu nâng cao chất lượng GD đào tạo, khi Luật GD sửa đổi có thêm 1 số quy định, đặt ra một số quy chuẩn, ví dụ như bắt buộc thầy cô đứng lớp phải có bằng cử nhân sư phạm… thì các thầy cô nên ủng hộ và tham gia các lớp bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực, đáp ứng theo yêu cầu…
Đỗ Lan
Bình luận (0)