Cô em gái họ của tôi có hai đứa con nhỏ. Bé gái lớn 5 tuổi và bé trai mới lên 3. Để tiện việc đưa đón, em tôi gửi hai cháu học cùng một trường mầm non gần nhà. Hôm tôi sang nhà chơi, em khoe với tôi việc học của các cháu. Em bảo rằng các cô giáo ở trường dạy cho các cháu những bài thơ, bài hát (mà tôi tạm gọi là vè, là đồng dao) rất có ý nghĩa giáo dục. Rồi em bảo các cháu đọc cho tôi nghe. Đa số những lời hát chủ yếu là dạy trẻ việc ăn, việc ngủ và nề nếp ở trường. Chẳng hạn dạy về giờ ăn, các cháu đọc thế này:
“Đến giờ ăn cơm/ Vào bàn bạn nhé/ Nào thì bát đĩa/ Xúc cho gọn gàng/ Chớ có vội vàng/ Cơm rơi cơm vãi…”. Rồi các cháu đọc một mạch bài lục bát nói về việc thực hiện nề nếp “giờ nào, việc nấy”, trong đó có những câu đại loại như: “Nghe lời cha mẹ, thầy cô/ Giờ nào việc nấy ta cùng chớ quên!…”. Tôi lấy làm thích thú về tính ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thuộc mà hiệu quả trong việc giáo dục trẻ của các cô giáo ở trường.
Câu chuyện nhỏ trên khiến cho chúng ta suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc giáo dục đạo đức và sự hiểu biết của trẻ ở trường mầm non hiện nay. Mà hiệu quả nhất là lồng ghép kiến thức vào những bài thơ dạy trẻ. Thế nhưng, còn nhiều trường mầm non chưa thật sự chú trọng điều này. Nhiều trường lấy việc phát nhạc thiếu nhi là giải pháp giáo dục chính. Trừ kho tàng đồng dao dân gian (mà ngày nay chẳng mấy người đưa ra dạy ở nhà trẻ), thì hiếm thấy những bài đồng dao hiện đại có ý nghĩa giáo dục cho trẻ.
Dạo quanh nhà sách, chúng tôi thấy sách dạy kỹ năng, dạy học chữ, học toán và giáo dục tâm sinh lý cho trẻ rất nhiều. Nhưng ít thấy những cuốn sách dạy trẻ về kỹ năng, về khám phá vũ trụ vạn vật, về xưng hô, giao tiếp… được viết bằng thơ cho nôm na dễ nhớ. Trước đây, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký là người chuyên tâm viết thơ cho thiếu nhi. Nhưng những câu đố bằng thơ của thầy Ký phù hợp nhiều hơn cho học sinh tiểu học, chứ khó phổ biến ở trường mầm non với lứa tuổi lên 3, lên 4. Trong khi đó, trường sư phạm đào tạo giáo viên mầm non cũng chưa lấp được khuyết điểm này. Họ được đào tạo về kiến thức sư phạm, về năng khiếu nói chung, chứ chưa được chú trọng trang bị một số vốn cần thiết về những bài vè, bài đồng dao, những bài thơ nôm na, có tính giáo dục mà dễ đi vào lòng trẻ.
Vì thế, trong thực tế giáo dục ở nhà trường mầm non hiện nay, cần lắm thêm những bài đồng dao dạy trẻ!
Trần Ngọc
Bình luận (0)