Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Sở GD-ĐT TP.HCM vừa tổ chức hội thảo: “Chiếu sáng học đường – chất lượng và hiệu quả”. Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ học sinh cận thị cao là do hệ thống chiếu sáng học đường thiếu và yếu…
Trên 40% học sinh phải học trong bóng tối
Về thực trạng chiếu sáng lớp học, TS. Trần Đình Bắc – Trưởng ban Khoa học Công nghệ, Hội Chiếu sáng đô thị Việt Nam khẳng định: “Không chỉ đối với những trường học không có kinh phí mà ngay cả những trường có điều kiện, hệ thống chiếu sáng trong lớp học cũng chưa đạt được các yêu cầu về chỉ tiêu định lượng, chất lượng ánh sáng trên bàn học sinh, trên bảng. Ngoài ra, các phương thức chiếu sáng và thiết bị chiếu sáng cũng như giải pháp thiết kế lắp đặt hệ thống chưa hợp lý, không đủ”.
TS. Bắc đưa ra các con số để chứng minh, đó là có tới 87% đèn chiếu sáng trong lớp học không sử dụng chao chụp bảo vệ và 75% phòng học không sử dụng đèn chiếu sáng bảng. Hậu quả của thực trạng này là 43% học sinh cảm nhận được mức độ chiếu sáng trong lớp học là tối, 50% là sáng vừa và chỉ có 7% là rất sáng. Không chỉ có vậy, 84% học sinh thấy hiện tượng sấp bóng khi ngồi trong lớp học, 68% học sinh bị chói lóa. Theo đó mà tỷ lệ học sinh bị cận thị ngày càng tăng. Khảo sát bệnh về mắt của Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho thấy, 48,1% học sinh bị cận thị.
Riêng tại TP.HCM, hơn 10 năm về trước, hệ thống chiếu sáng trong lớp học gần như không đồng bộ giữa các trường. Trường nào có kinh phí thì lắp nhiều bóng đèn huỳnh quang, trường không có kinh phí thì lắp bóng đèn sợi đốt. Vì vậy mà ánh sáng trong lớp học ở các trường cũng không giống nhau. Có trường là 120 lux, có trường là 90 lux nhưng có trường chỉ có 70 lux. Mặt khác, phần lớn các trường không sử dụng chao chụp, không có đèn bảng nên gây chói lóa, bóng bảng cho học sinh.
Từ năm học 1998-1999, Sở GD-ĐT TP đã quy ước ánh sáng trong lớp học phải đạt từ 200 lux trở lên. Tuy nhiên quy ước này cũng chỉ được thực hiện ở những trường nội thành và các trường mới xây dựng. Còn những trường ở ngoại thành và vùng ven thì ít có điều kiện để cải tạo hệ thống chiếu sáng trong lớp học vì… không có kinh phí.
Tại hội thảo, nhiều đại biểu tâm tư: Theo quy định của Bộ Y tế, ánh sáng trong lớp học chỉ cần đạt 100 lux là đủ, trong khi đó ánh sáng chuẩn của quốc tế là 300 lux, thậm chí ở Nhật còn lên tới 500 lux. Vì vậy, các địa phương không biết cải tạo hệ thống chiếu sáng học đường theo tiêu chuẩn nào. Nếu theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế thì không đủ sáng cho học sinh và giáo viên học tập, giảng dạy. Nếu theo tiêu chuẩn của quốc tế thì rất khó thực hiện… vì những thủ tục hành chính.
Ánh sáng chuẩn cho trường học
Kỹ sư Nguyễn Đoàn Thăng, Phó chủ tịch Hội Chiếu sáng đô thị cho biết: “Mô hình chiếu sáng học đường hiệu suất cao (CSHĐ HSC) là tổ hợp giải pháp sử dụng các sản phẩm công nghệ cao và các tri thức thiết kế chiếu sáng tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng chiếu sáng trong lớp học phù hợp với điều kiện tự nhiên, thực tế của các trường học Việt Nam”.
Theo đó, mô hình CSHĐ HSC ở các cấp học có khác nhau, cụ thể ở tiểu học là Modul 7,2m x 7,2m; THCS là Modul 7,2m x 7,8m; THPT là Modul 7,2m x 8,4m. Mô hình đã được áp dụng thí điểm tại 405 phòng học thuộc 135 trường trên địa bàn 27 tỉnh, thành trong cả nước. Kết quả, lượng điện sử dụng giảm 20 – 50%, độ rọi tăng lên 30 – 50%, chất lượng ánh sáng đạt từ 380 – 405 lux. Cảm nhận nhìn rất rõ chữ trên bảng của học sinh tăng từ 10,7% lên 91,7%; chữ trong vở từ 17,5% lên 92,2%; 89% học sinh không thấy hiện tượng sấp bóng; 99% học sinh không bị loáng bóng quạt trên bàn. Đặc biệt, có tới 90,7% học sinh không còn cảm giác nhức mỏi mắt sau mỗi tiết học.
Dù hiệu quả của mô hình CSHĐ HSC là rất lớn nhưng vì nhiều lý do nên mô hình vẫn chưa được áp dụng đại trà. Tại TP.HCM chỉ có 14 phòng học được Công ty CP Bóng đèn – Phích nước Rạng Đông hỗ trợ lắp đặt như Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1 – 1 phòng, Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, Q.1 – 3 phòng. Riêng đối với Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, được sự ủng hộ của phụ huynh học sinh nên nhà trường đã lắp đặt tại 64 phòng học. Ông Nguyễn Bác Dụng – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cho biết: “Sau khi nhà trường lắp đặt hệ thống chiếu sáng học đường hiệu suất cao đã cải thiện được rất nhiều ánh sáng trong lớp học, học sinh tập trung hơn trong giờ học và giảm tỷ lệ học sinh cận thị”.
Bài & ảnh: Hòa Triều
“Mặc dù hệ thống chiếu sáng học đường ở TP.HCM đã được cải tạo nhưng vẫn chưa đồng bộ. Bởi trên thực tế, kinh phí để cải tạo hầu hết là vận động phụ huynh học sinh đóng góp. Tuy nhiên vấn đề khó khăn của TP.HCM hiện nay không hẳn là kinh phí mà là… giá điện. Nhiều hiệu trưởng khẳng định, phụ huynh sẵn sàng trang bị hệ thống chiếu sáng, thậm chí cả máy lạnh cho mỗi phòng học nhưng nhà trường không dám nhận”, ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết. |
Bình luận (0)