Phẫu thuật xác định lại giới tính nên thực hiện lúc 1-2 tuổi để trẻ lớn lên với tâm sinh lý bình thường. Các trường hợp xác định lại giới tính có thể đổi tên, giới tính trên giấy tờ tại UBND cấp huyện.
Gần 5 năm kể từ khi các quy định về xác định lại giới tính được ban hành, đến nay, Bộ Y tế mới công nhận các cơ sở có đủ điều kiện phẫu thuật xác định lại giới tính. Điều này mở ra cơ hội cho những người “không bình thường” trở lại là chính mình.
Giới tính “2 trong 1”
Cháu Đặng Thị U. (ngụ tỉnh Vĩnh Phúc) chào đời với vẻ ngoài là nữ. Tuy nhiên, khi bé được 3 tháng, cả nhà kinh ngạc khi phát hiện U. có 2 tinh hoàn ở bộ phận sinh dục. Do nhà nghèo nên khi U. lên 9 tuổi, gia đình mới đưa bé lên Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương phẫu thuật.
Một ca phẫu thuật xác định lại giới tính tại Bệnh viện Việt Đức
Ảnh: NGỌC THẮNG
Theo mẹ U., dù có 2 tinh hoàn nhưng đầu dương vật của bé ngắn, lỗ tiểu thấp nên việc vệ sinh của bé vẫn giống con gái. Tuy nhiên, U. chỉ thích mặc quần áo, cắt tóc như con trai và chơi những trò của bé trai. “Nhiều khi đi vệ sinh, phải vào nhà vệ sinh nam nhưng thấy mình không giống các bạn, cháu rất ngại và sợ những cái nhìn của bạn bè” – U. kể.
Theo bác sĩ Vũ Chí Dũng, Khoa Nội tiết – Chuyển hóa – Di truyền BV Nhi Trung ương, bé U. bị rối loạn phát triển giới tính. Đây là sự bất thường bẩm sinh về tuyến sinh dục khiến đứa trẻ có dương vật nhỏ, mắt thường có khi không nhìn thấy. Có trường hợp bìu bị chẻ đôi khiến nhìn bên ngoài giống bộ phận sinh dục nữ hoặc trẻ có gien là nữ nhưng lại có âm vật phình to như dương vật khiến gia đình nhầm lẫn. Ngoài ra, còn có những bất thường về cấu tạo cơ quan sinh dục trong hoặc bất thường về nhiễm sắc thể.
Cách đây không lâu, các bác sĩ BV Việt Đức (Hà Nội) đã phẫu thuật xác định lại giới tính cho cháu Trần Thị H. (13 tuổi, ngụ Quảng Ninh). Vẻ ngoài là con gái nhưng H. có cả bộ phận sinh dục nam và nữ (có âm đạo, tử cung, vòi trứng). Tuy nhiên, mẹ H. không biết mà chỉ nghĩ con mình béo nên “cái đó” to. Chỉ đến khi H. phải nằm viện do một tai nạn, các y – bác sĩ thấy bộ phận sinh dục của cháu bất thường nên tư vấn gia đình đưa đến khám tại BV Việt Đức. Lúc đó, cả nhà mới biết H. bị phì đại âm vật. Theo các bác sĩ, trường hợp của cháu H. nếu để lâu thì âm vật phì đại to như dương vật.
Theo bác sĩ Dũng, có 1/4.500 trẻ sinh ra có bộ phận sinh dục ngoài không xác định được giới tính. Nếu tính cả tỉ lệ lỗ tiểu thấp thì có tới 1/125 trẻ có cấu tạo bất thường ở bộ phận sinh dục hoặc mắc bệnh giới tính không rõ ràng. Hiện BV Nhi Trung ương đang theo dõi trên 700 bệnh nhi có vấn đề về cấu tạo bộ phận sinh dục. “Chỉ trong tuần qua, đã có 4 trường hợp nhập viện điều trị vì những bất thường về giới tính” – bác sĩ Dũng nói.
Càng sớm càng tốt
Các bác sĩ khuyến cáo việc phẫu thuật xác định lại giới tính cần thực hiện càng sớm càng tốt, khi trẻ được 1 – 2 tuổi, không nên chờ đợi vào sự thay đổi khi trẻ lớn lên. Theo PGS-TS Trần Ngọc Bích, nguyên trưởng Khoa Phẫu thuật nhi BV Việt Đức, điều trị sớm sẽ giúp bệnh nhân được lớn lên với đúng giới tính của mình, tránh những sang chấn tinh thần và có thể lập gia đình khi trưởng thành.
Theo bác sĩ Lương Nhất Việt, Phó trưởng Khoa Phẫu thuật nhi BV Việt Đức, việc điều trị nội tiết sau khi xác định lại giới tính cũng là vấn đề quan trọng. “Với những trường hợp bề ngoài là nam giới nhưng vẫn có buồng trứng thì sau khi sửa lại giới tính, họ có thể mang thai. Với nam giới, nếu có tinh hoàn, tinh trùng thì có thể có con” – bác sĩ Việt nhấn mạnh. “Trường hợp mà ở bất cứ giới tính nào họ cũng không thể sinh sản được thì sẽ phẫu thuật đưa về giới tính gần giống với tự nhiên nhất, bảo đảm sinh hoạt tình dục thuận tiện nhất” – PGS Bích giải thích.
Tại Việt Nam, các quy định về xác định lại giới tính được ban hành từ năm 2008. Ở nhiều cơ sở y tế, việc này đã thực hiện khá lâu nhưng chưa có nơi nào được cấp chứng nhận xác nhận sự thay đổi giới tính cho trường hợp đã chỉnh sửa. Vì vậy, sau khi đã tìm lại được chính mình, nhiều trường hợp vẫn phải chấp nhận giấy tờ “hình anh, tên chị”.
Mới đây, Bộ Y tế đã công nhận BV Nhi Đồng 2 (TP HCM) và BV Nhi Trung ương (Hà Nội) có đủ điều kiện phẫu thuật xác định lại giới tính, đồng thời đang tiếp tục thẩm định để trong tháng 7 tới công nhận thêm BV Việt Đức và BV Phụ sản Trung ương. Sau khi phẫu thuật, có chứng nhận của BV thì bệnh nhân có thể xin đổi tên, đổi giới tính trên hồ sơ, giấy tờ tại UBND cấp huyện.
Xác định lại giới tính khác chuyển giới
Theo ông Hoàng Anh Tuấn, Vụ Sức khỏe Bà mẹ – Trẻ em (Bộ Y tế), cần phân biệt sự khác nhau giữa xác định lại giới tính và chuyển giới. Xác định lại giới tính được thực hiện với những người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc giới tính chưa được định hình chính xác. Khuyết tật bẩm sinh về giới tính là những bất thường ở bộ phận sinh dục ngay từ khi mới sinh ra (không xác định được là nam hay nữ), tuyến sinh dục có cả tổ chức tinh hoàn, buồng trứng…
NGỌC DUNG (NLĐ)
Bình luận (0)