“Can thiệp VA-ECMO thức tỉnh là một phương thức ôxy hóa máu màng ngoài cơ thể với ưu điểm thời gian phục hồi của người bệnh nhanh hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng và tiết kiệm đáng kể chi phí điều trị. Tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (BV NDGĐ), hơn 1 năm qua đã liên tiếp cứu sống ngoạn mục nhiều ca bệnh bằng kỹ thuật VA-ECMO thức tỉnh”, ThS.BS Nguyễn Thanh Thảo – Đơn vị Hồi sức tim mạch, BV NDGĐ – cho biết.
Sau can thiệp VA-ECMO, bệnh nhân H.A.D. đã được cứu sống
Can thiệp VA-ECMO cứu sống bệnh nhân viêm cơ tim cấp
Cách nhập viện 2 ngày, chị H.A.D. (21 tuổi, tại Cà Mau) có những triệu chứng nhiễm trùng tiêu hóa, đau ngực, khó thở, da nhợt nhạt nên đến bệnh viện gần nhà để khám. Tại đây, các bác sĩ nhận thấy người bệnh có chỉ số huyết áp rất thấp kèm rối loạn nhịp thất trên điện tâm đồ, chẩn đoán viêm cơ tim cấp nặng, nguy cơ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời. Ngay lập tức người bệnh được hội chẩn với BV NDGĐ và chuyển vào Đơn vị Hồi sức tim mạch để cấp cứu. Trong vòng 30 phút, người bệnh được can thiệp VA-ECMO ở trạng thái thức tỉnh, không cần gây mê hay thở máy xâm lấn.
Khi được chuyển đến BV NDGĐ, chị D. tụt huyết áp nặng, rối loạn nhịp nhanh. Kết quả siêu âm tim và xét nghiệm sinh hóa cho thấy, người bệnh bị viêm cơ tim cấp nặng có sốc tim và rối loạn nhịp thất nguy hiểm xuất hiện liên tục.
BS Thảo cho biết: “Các bác sĩ quyết định can thiệp VA-ECMO (ôxy hóa máu màng ngoài cơ thể) cấp cứu trong vòng 30 phút để nhanh chóng ổn định huyết động. Việc phối hợp nhịp nhàng và nhanh chóng giữa các ê-kíp trong bệnh viện và liên viện đã giúp người bệnh có thể can thiệp ECMO sớm, ngay ở trạng thái thức tỉnh hoàn toàn. Trước đây, ECMO thường can thiệp khi bệnh nhân an thần, giảm đau và thông khí xâm lấn. Hiện nay, với ECMO thức tỉnh, bệnh nhân chỉ cần gây tê tại chỗ, hoàn toàn tỉnh táo trong lúc can thiệp thủ thuật và theo dõi. Vì thế, tất cả thay đổi về triệu chứng của người bệnh đều được đánh giá nhanh chóng và chính xác. Thời gian hồi phục bệnh nhân VA-ECMO thức tỉnh cũng nhanh hơn”.
Sau 24 giờ can thiệp VA-ECMO, huyết áp của người bệnh đã ổn định, chức năng các tạng hồi phục dần, rối loạn nhịp thất đáp ứng với điều trị corticosteroids liều cao. Chức năng tim phục hồi hoàn toàn và ngưng can thiệp VA-ECMO sau 4 ngày. Sau 10 ngày theo dõi và điều trị, người bệnh tỉnh táo hoàn toàn, sức khỏe dần hồi phục và được xuất viện.
Bệnh viêm cơ tim cấp có diễn biến nhanh đột ngột, phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị sớm và kịp thời. Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó phát hiện bởi triệu chứng lâm sàng không điển hình, giống cảm sốt thông thường như: mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn… Mặt khác, bệnh nếu gặp ở người trẻ sẽ dễ chủ quan và coi nhẹ. Chỉ sau vài ngày bệnh viêm cơ tim cấp đã gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, suy tim. Vì vậy, nếu cảm sốt và kèm theo những biểu hiện tức ngực, khó thở, nhịp tim nhanh… thì người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời.
Cứu sống sản phụ ngưng tim 2 lần
Chị Đ.H.N. (34 tuổi, ngụ tại Bình Dương) mang thai lần thứ 3 với thai kỳ hoàn toàn bình thường. Đến tuần thứ 40, chị nhập bệnh viện địa phương để mổ lấy thai. Khi vừa sinh bé gái nặng 4,3kg, sản phụ đột ngột ngưng tim ngưng thở. Mặc dù được ê-kíp bác sĩ gây mê hồi sức cấp cứu thành công nhưng nhận thấy đây là trường hợp có nhiều khả năng thuyên tắc ối nguy kịch nên sản phụ được chuyển viện ngay đến BV NDGĐ. Nhận được thông tin từ đồng nghiệp ngay trên xe cấp cứu khi cách cổng bệnh viện khoảng 5km, BV NDGĐ đã kích hoạt quy trình báo động đỏ, huy động đa chuyên khoa (Hồi sức cấp cứu, Sản khoa, Hồi sức tim mạch) có mặt tại Khoa Cấp cứu để tiếp nhận người bệnh. Khi vừa đến Khoa Cấp cứu, sản phụ ngưng tim lần 2, chảy máu âm đạo liên tục – với lượng máu mất khoảng 1 lít. Các bác sĩ cấp cứu và sản khoa đã phối hợp hồi sức ngưng tim thành công, đưa bệnh nhân thực hiện các cận lâm sàng hình ảnh học cần thiết để xác định chẩn đoán thuyên tắc ối và chuyển đến Khoa Hồi sức tim mạch trong vòng 30 phút kể từ khi nhập viện.
ThS.BS Trần Thanh Nam – Đơn vị Hồi sức tim mạch – cho biết: “Tại Khoa Hồi sức tim mạch, sản phụ tụt huyết áp nặng, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, thở co kéo nhiều mặc dù đã được thông khí xâm lấn. Siêu âm tim tại giường ghi nhận suy chức năng thất phải nặng và xuất huyết âm đạo tiếp tục diễn tiến. Ê-kíp gần 10 bác sĩ hồi sức tim mạch và sản khoa đã phối hợp vừa phẫu thuật đặt VA-ECMO nhằm ổn định choáng tim, vừa đặt bóng chèn tử cung để hạn chế băng huyết sau sanh. Bên cạnh đó, các chế phẩm máu (hồng cầu lắng, tiểu cầu và các yếu tố đông máu) được truyền liên tục và dự trù tình huống phải thuyên tắc động mạch tử cung, thậm chí cắt tử cung nếu băng huyết sau sanh khó kiểm soát…”.
Khi vừa ổn định choáng tim do suy chức năng thất phải với VA-ECMO, người bệnh diễn tiến sang giai đoạn phù phổi cấp. Việc hồi sức bệnh nhân vừa choáng tim, vừa phù phổi cấp, vừa choáng mất máu và đông máu nội mạch lan tỏa đòi hỏi các bác sĩ hồi sức tim mạch phải hết sức thận trọng và tỉ mỉ. Sau 12 giờ hồi sức với các phương tiện chuyên sâu, bệnh nhân hồi phục tri giác hoàn toàn, ổn định sinh hiệu, hô hấp, rối loạn đông máu hồi phục và rút nội khí quản thành công, sản phụ được bảo toàn tử cung. Choáng tim do thuyên tắc ối hồi phục sau 48 giờ, bệnh nhân được cai VA-ECMO thành công trong vòng chưa đến 72 giờ và xuất viện trong vòng 1 tuần.
TS.BS Huỳnh Vĩnh Phạm Uyên – Phó Trưởng khoa Sanh – thông tin: “Thuyên tắc ối là một cấp cứu sản khoa nghiêm trọng, xảy ra khi dịch ối và các thành phần của nhau thai đi vào tuần hoàn mẹ. Thuyên tắc ối đặc trưng bởi 3 triệu chứng điển hình: tụt huyết áp, suy hô hấp giảm ôxy máu và đông máu nội mạch lan tỏa. Tỉ lệ thuyên tắc ối trong y văn dao động từ 1:8.000 đến 1:80.000 sản phụ, với tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong con gần 70%; khoảng 85% thai phụ sống sót mắc các di chứng thần kinh vĩnh viễn do ngưng tuần hoàn”…
Kim Anh
Bình luận (0)