Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần thiết dạy mỹ học trong nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

1. Dạy môn mỹ học (tức là hoạt động giáo dục thẩm mỹ) là một hoạt động giáo dục để giúp người học có nhận thức đúng đắn và tương đối đầy đủ về cái đẹp nói chung, cái đẹp trong nghệ thuật hay trong tự nhiên hoặc các hoạt động của con người nói riêng, về các nền văn hóa, văn minh, các trường phái nghệ thuật…, từ đó để không chỉ có nhận thức đúng đắn về cái đẹp (cái thiện, cái chân lý, cái chính nghĩa…) mà còn về những điều đối lập với cái đẹp (cái xấu, cái ác, cái phi nghĩa…). Nói cách khác, một người được giáo dục phù hợp về thẩm mỹ thì sẽ biết yêu, biết ghét, biết đâu là cái đẹp, đâu là cái chưa đẹp, bản thân biết làm sao để cái đẹp được nhân rộng, làm sao để hạn chế cái xấu, cái ác. Tức là, người đó biết khen đúng cái đẹp, biết phê bình đúng cái chưa đẹp, có quan điểm riêng về cái đẹp, không để người khác dẫn dắt một cách tùy tiện. Từ đó có thể hình thành tư duy, năng lực về sáng tạo cái đẹp, đấu tranh với cái không đẹp chứ không phải chỉ thể hiện trong cảm nhận, cảm thụ.


Mt tiết mc sân khu hóa tác phm văn hc do hc sinh thc hin (nh minh ha). Ảnh: T.L

Hiện nay, trong chương trình phổ thông, nội dung của môn mỹ học gần như chưa được giảng dạy một cách có hệ thống, nhưng đã có hoạt động giáo dục thẩm mỹ, thông qua các môn như âm nhạc, mỹ thuật, giáo dục công dân… Ở các môn này, học sinh phần nhiều được trang bị những kiến thức và kỹ năng cụ thể, như cách đọc nhạc phổ của một bản nhạc, cách vẽ một bức tranh đơn giản, biết một số kỹ năng cần thiết trong ứng xử, giao tiếp, cơ bản biết đâu là điều nên làm, đâu là điều nên tránh… Lẽ dĩ nhiên, trên lý thuyết là như thế, còn việc học sinh có thể tiếp thu hoặc thực hiện đến đâu lại tùy thuộc nhiều yếu tố khác. Việc phân bổ thời lượng học, việc tổ chức kiểm tra, đánh giá các môn học này cho thấy đây là những môn phụ. Mãi vài năm gần đây, sau khi dư luận lên tiếng thì nội dung môn giáo dục công dân mới được đưa vào tổ hợp bài làm của khối khoa học – xã hội trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào một số trường đại học. Các môn học khác chủ yếu học để cho biết và cách đánh giá thường là “đạt” chứ không tính điểm và kết quả học tập chung.

Dĩ nhiên, giáo dục thẩm mỹ không chỉ dừng lại ở các môn vừa kể. Một số môn khác cũng có ý nghĩa rất thiết thực cho yêu cầu này, như lịch sử, địa lý, ngoại ngữ…, đặc biệt là ngữ văn. Chẳng hạn, ở môn lịch sử, nói về các hình tượng con rồng của thời Lý, thời Trần, thời Lê…, giáo viên cần lý giải vì sao có sự khác nhau và nó mang ý nghĩa gì, nó phản ánh điều gì về văn hóa, tư tưởng, xã hội… Như vậy, kiến thức đó sẽ gợi mở nhiều cho học sinh không chỉ về thẩm mỹ mà còn gắn thẩm mỹ với đời sống, với bối cảnh xã hội. Hay ở môn ngữ văn, học bài “Tuyên ngôn độc lập”, bên cạnh tìm hiểu về giá trị lịch sử của văn bản này, học sinh cần được nghiên cứu về cách sử dụng từ ngữ, cách lập luận, cách diễn đạt…, từ đó tìm thấy sức mạnh của ngôn từ cũng như nhận ra vẻ đẹp tráng lệ của một trong những áng hùng văn của nước ta. Hay học môn địa lý, khi nói về đặc điểm tự nhiên của khu vực miền Trung, cần gắn với đặc điểm xã hội và một số yếu tố đặc trưng về con người ở vùng đất này, như cần cù, chịu khó, tiết kiệm…, kể cả các đặc điểm về giọng nói, tính cách…, từ đó lý giải vì sao có hiện tượng đó và tìm thấy vẻ đẹp của một vùng đất, của một cộng đồng người với những yếu tố rất đặc sắc.

2. Giáo dục thẩm mỹ cho học sinh có nhiều lợi ích thiết thực. Đó là định hướng thẩm mỹ cho học sinh, để các em nhận ra đâu là cái đẹp, đâu là cái bản thân mình hướng tới, thay vì để trào lưu, số đông lôi cuốn. Hiện nay, nhiều học sinh có xu hướng hòa sở thích của mình với sở thích của đám đông mà không quan tâm nó có phù hợp với bản thân mình không. Thấy bạn thích một nhóm nhạc Hàn Quốc, bản thân cũng tỏ ra thích theo mà không nhất thiết hiểu vì sao bạn thích; thấy bạn để kiểu tóc đó thì cũng bắt chước mà không cần biết mình có hợp không…; tức là chỉ chịu tác động chứ không có quan điểm thẩm mỹ rõ ràng. Bên cạnh đó, qua nắm bắt sở thích, giáo viên và phụ huynh có thể nhận ra nhiều điều từ học sinh đó, để có biện pháp giáo dục phù hợp, nhất là với những trường hợp đặc biệt (trong đó có sự bộc lộ về năng khiếu hay tính cách). Chẳng hạn, qua việc phát hiện sở thích âm nhạc (thực chất, không theo đám đông) của học sinh, giáo viên có thể phần nào hiểu thêm về tâm tính, xu hướng phát triển của học sinh đó… Giáo dục thẩm mỹ phù hợp còn giúp học sinh có thể khám phá, phát triển sáng tạo và trí tưởng tượng tốt hơn. Thí dụ, nếu được giáo viên khéo giảng giải và khơi gợi, học sinh sẽ nhận ra tính ẩn dụ đặc sắc của hình tượng chiếc lá cuối cùng trong tác phẩm nổi tiếng cùng tên của nhà văn Mỹ O. Henry. Chiếc lá đó có thể thể hiện sự cô đơn, nhưng cũng có thể là sự hy vọng, hoặc nó chuẩn bị cho sự kết thúc và mở đầu cho một sự sinh sôi mới. Có được những điều đó, không chỉ giúp các em phát triển năng lực và tư duy mà còn định hướng nghề nghiệp tích cực.

Giáo dục thẩm mỹ đúng cách còn làm cho người học tôn trọng và hiểu các nền văn hóa, các giá trị khác nhau của xã hội đa dạng, không cảm thấy kỳ thị với các biểu hiện văn hóa khác nhau, không tự ti với bản sắc văn hóa thuộc nhóm thiểu số của mình, không tự đại với một nền văn hóa có nhiều sản phẩm đại diện. Trong bối cảnh toàn cầu hóa ngày càng sâu rộng, học sinh phải thấy rằng cần tiếp thu với những tinh hoa văn hóa, những nét đặc sắc của các nền văn minh nhưng đồng thời gìn giữ và phát huy các bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đất nước mình. Qua đó giúp các em có nền tảng tích cực để có một tâm thế hội nhập phù hợp, chủ động, thay vì để quá trình hội nhập cuốn vào, bắt đầu từ việc chịu ảnh hưởng thụ động đối với các biểu hiện văn hóa nước ngoài, hoặc trở nên tự coi thường nền văn hóa của dân tộc mình là lạc hậu, tầm thường. Chính điều đó sẽ xây dựng nhận thức “cầu đồng tồn dị”, tức là tìm kiếm cái chung, cái phổ quát nhưng tôn trọng và chấp nhận các sự khác biệt, từ đó biết hòa mình vào tập thể, vào trào lưu nhưng không làm tan cái riêng của mình vào cái chung và cũng không bắt người khác phải từ bỏ bản sắc của họ.

Trong quá trình giáo dục thẩm mỹ, học sinh cần được dạy để biết như thế nào là cái bi, cái hài, sự chuyển biến của các phạm trù đó, cách bố cục, phối màu, luật viễn cận của một bức tranh/ảnh, các đặc trưng về nghệ thuật của các nền văn minh…, cũng góp phần đắc lực cho học sinh có thể cảm thụ được cái đẹp nói chung và các sản phẩm nghệ thuật nói riêng. Do đó, trong chương trình giáo dục phổ thông cần có môn mỹ học hoặc tên gọi khác nhưng có nội dung giáo dục thẩm mỹ giúp học sinh có những kiến thức, những thông tin cần thiết về thẩm mỹ, về xu hướng, về xu hướng phát triển và cảm thụ cái đẹp. Những điều đó sẽ góp phần hoàn thiện nhân cách cho trẻ để trở thành người trưởng thành có nhân cách, có tư chất, có thái độ tích cực.

Nguyn Minh Hi

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)