Cuộc vận động chống rác thải nhựa (nhất là các vật dụng nhựa chỉ dùng một lần) nhằm bảo vệ môi trường đang nhận được sự đồng thuận, hưởng ứng của đông đảo người dân trong các lĩnh vực của cuộc sống. Ngành giáo dục ở nhiều địa phương cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện lối sống “nói không với rác thải nhựa”. Tuy vậy, để cuộc vận động có ý nghĩa nhân văn này tránh mắc “bệnh” hình thức, phong trào, có thể đi vào chiều sâu, rất cần các hành động cụ thể, thiết thực.
Trong khi chúng ta hô hào không sử dụng đồ nhựa mà cả thầy lẫn trò vẫn dùng giấy bao sách, bao tập làm bằng ni-lông thì rõ ràng hành động không đi đôi với lời nói. Chúng ta vẫn vô tư dùng các sản phẩm từ nhựa đối với đồ dùng học tập, vật dụng trong phòng học… thì dường như mọi chuyện đâu lại hoàn đấy, mọi sự tuyên truyền chỉ là lời nói suông. Ngay từ những việc làm nhỏ nhất mà chúng ta vẫn không thể lưu ý và điều chỉnh thì rất khó để thay đổi nhận thức hay thực hiện những việc lớn hơn. Vì vậy, thầy cô hãy hình thành thói quen mang bình nước cá nhân (bằng thủy tinh, bình giữ nhiệt) thay cho việc sử dụng chai nước khoáng đóng chai; thầy cô hãy bao sách, bao tập bằng giấy báo đã đọc; thầy cô hãy thực sự đồng hành cùng học sinh, làm gương cho các em trong việc thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen đối với việc sử dụng đồ nhựa…
Không cần phải cứ tổ chức rình rang các cuộc thi, tổ chức hoành tráng những buổi tọa đàm thì mới gọi là đẩy mạnh công tác chống rác thải nhựa trong học đường. Chỉ cần đơn giản thay đổi những hành vi nhỏ nhặt thông thường trong thói quen sử dụng các đồ dùng liên quan đến nhựa là đã góp phần thay đổi cuộc sống, bảo vệ hành tinh xanh. Những kêu gọi, hô hào phải được hiện thực hóa thành hoạt động có tính thực tiễn cao thì mới mong có được những thay đổi thật sự.
Trần Xuân Tiến
Bình luận (0)