Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cần Thơ: 100% trẻ tiêm sởi – rubella an toàn

Tạp Chí Giáo Dục

Trẻ đang được tiêm vaccine sởi  – rubella tại Trường Mầm non Tây Đô, quận Ninh Kiều, TP.Cần Thơ
Vừa qua, tại Trường Mầm non Tây Đô, quận Ninh Kiều, Sở Y tế TP.Cần Thơ đã làm Lễ phát động chiến dịch tiêm vaccine sởi – rubella cho trẻ từ 1 đến 14 tuổi, đồng thời tổ chức tiêm thí điểm cho học sinh của trường.
Công tác chuẩn bị và khám rất chu đáo
 Trường Mầm non Tây Đô có 15 nhóm lớp với 445 cháu, từ 6 tháng đến 5 tuổi. Để chuẩn bị cho ngày tiêm vaccine này, trước đó cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) TP.Cần Thơ và TTYTDP quận Ninh Kiều kết hợp Trưởng trạm y tế phường An Cư đã có buổi làm việc với phụ huynh học sinh trường, để trình bày về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết của việc tiêm vaccine ngừa sởi – rubella cho trẻ.
Qua quan sát của chúng tôi, các BS đã làm rất tốt khâu khám sàng lọc. Tại bàn tiêm đặt trong phòng y tế, BS.CKI Lê Hữu Thành hỏi phụ huynh rất kỹ tiền sử bệnh lý của cháu, cháu có bị bệnh cấp tính không? Có đang điều trị bệnh gì? Sau đó BS thăm khám cháu có bị nóng sốt không?… Khi trẻ đủ điều kiện sức khỏe, và đã ăn sáng, BS. Thành mới chuyển trẻ vào bàn tiêm… Những y sĩ phụ trách tiêm đều tư vấn cho phụ huynh cần theo dõi trẻ sau khi tiêm xem có sốt nóng không? Do vậy, ai cũng theo dõi con sau tiêm khoảng hơn 30 phút, khi sức khỏe chắc chắn ổn định mới “thả” con vào lớp… Chị Ung Thị Mỹ Nhi, mẹ cháu Dương Ngữ Ái, 3 tuổi, cho biết: “Cách đây 12 tháng đã cho bé nhà mình tiêm mũi ngừa 3 bệnh: Sởi – rubella – quai bị. Có chiến dịch này, hỏi thăm thì BS cho biết bé vẫn tham gia được, vậy là cho đi tiêm để cháu tăng sức đề kháng”.
Được biết, phòng GD-ĐT các quận – huyện đã gửi công văn cho các trường đề nghị cộng tác với ngành y tế, vận động phụ huynh tích cực cho con tham gia, không bỏ sót học sinh nào. Ban giám hiệu và giáo viên các trường thuộc diện tiêm vaccine đều được tập huấn về mục tiêu và lợi ích của việc tiêm vaccine sởi – rubella. Đây là lực lượng cộng tác viên tuyên truyền hiệu quả cho chiến dịch. Các thầy cô giáo tư vấn và thông báo cho phụ huynh học sinh biết thời gian và địa điểm tiêm để phụ huynh đưa trẻ đi tiêm… Tại quận Ninh Kiều, nơi có số trẻ tiêm vaccine nhiều nhất thành phố hơn 40.000 trẻ, bà Lâm Thanh Liễu, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận, đã cẩn thận “làm việc” với Công ty Quản lý Cây xanh, nhờ công ty cho mé gọn ghẽ nhánh cây của những cây trồng trước cổng các trường để mọi người nhìn rõ tấm băng rôn cổ động chiến dịch.
Không để sót trẻ nào trong chiến dịch tiêm ngừa
Nhiều năm nay, Cần Thơ đạt thành quả cao trong công tác tiêm chủng mở rộng: Ngoài tỷ lệ trẻ tiêm ngừa gần như đạt 99,9%, điểm nổi bật là thành phố chưa xảy ra trường hợp tai biến nào liên quan đến tiêm chủng. BS. Nguyễn Trung Nghĩa, Phó giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, khẳng định: “Cần Thơ phấn đấu không để sót trẻ nào trong chiến dịch tiêm vaccine sởi – rubella, đồng thời chúng tôi cố gắng đảm bảo kỹ thuật an toàn tiêm chủng tuyệt đối, không để xảy ra bất cứ sơ suất nào, 100% trẻ trong độ tuổi quy định phải được tiêm chủng an toàn”. Những cam kết này có cơ sở, bởi: Ngoài niềm tin của đông đảo người dân đối với công tác tiêm chủng, vấn đề rất quan trọng khác là các trạm y tế đều tuân thủ nghiêm qui trình tiêm chủng, trong đó nổi bật là công tác phân phối và bảo quản vaccine. BS.CKII Lưu Hoàng Việt, Giám đốc TTYTDP quận Ninh Kiều, cho biết: “Để bảo đảm an toàn tiêm chủng, chúng tôi không cấp vaccine trước cho các trạm y tế. Ngày nào tổ chức tiêm chủng thì sáng đó nhân viên của trạm y tế đến TTYTDP lãnh vaccine. Tuy vất vả một chút nhưng đảm bảo an toàn vì chỉ TTYTDP quận mới có tủ lạnh chuyên dụng bảo quản vaccine. Nếu cấp trước cho trạm y tế các phường, rủi khu vực đó bị cúp điện thì vaccine sẽ bị hư, tiêm cho trẻ sẽ rất nguy hiểm”.
Kết thúc ngày tiêm vaccine thí điểm tại Trường Mầm non Tây Đô, 100% trẻ được tiêm đều an toàn, vài cháu có biểu hiện hơi nóng nhưng sau đó trở lại bình thường. Theo kế hoạch, chiến dịch tiêm vaccine sởi – rubella của Cần Thơ sẽ kết thúc vào ngày 24-1-2015.
Bài, ảnh: Đan Phượng
245.345 trẻ trong diện tuổi tiêm ngừa
Theo số liệu điều tra, TP.Cần Thơ có 245.345 trẻ trong diện tuổi tiêm vaccine sởi – rubella. Ban chỉ đạo đã chia ra làm 3 đợt: Những trẻ đi học thì tiêm tại trường; tiêm tại trạm y tế cho những trẻ chưa đi học và các nhóm trẻ gia đình. Với mạng lưới cộng tác viên kết hợp sự tham gia của các tổ nhân dân, tổ tự quản và ban ngành đoàn thể, việc điều tra, lập danh sách, quản lý đối tượng khá chặt. Tất cả gia đình có con trong độ tuổi tiêm chủng tại địa bàn dân cư đều nhận được thư mời thông báo lịch và điểm tiêm. Ngoài kinh phí Trung ương, UBND thành phố hỗ trợ chiến dịch gần 800 triệu đồng, UBND 9 quận – huyện cũng “rót” thêm kinh phí cho ngành y tế góp phần thực hiện tốt chiến dịch.
 
Bộ Y tế lập đường dây nóng giải đáp về tiêm chủng
Nhằm giải đáp các nội dung liên quan đến chiến dịch tiêm chủng vaccine sởi – rubella, cung cấp các thông tin phục vụ người dân có trẻ trong độ tuổi thuộc chiến dịch tiêm chủng, Bộ Y tế vừa thiết lập đường dây nóng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để giải đáp các thông tin liên quan. Cụ thể, đường dây nóng khu vực Tây Nguyên – Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên: 0986.950.569/ 0914.059.557/ 0914.042.644; khu vực Nha Trang, Khánh Hòa – Viện Pasteur Nha Trang: 0914.103.331/0934808630; đường dây nóng Văn phòng Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia – Viện Vệ sinh dịch tễ TW: 0167.832.6633; đường dây nóng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế: 096.385.1919.
K.Anh
 
Nghệ An: Một trẻ tử vong do dịch sởi
Ông Vi Tân Hợi – Phó chủ tịch huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An cho biết, dịch sởi hiện đang bùng phát trên địa bàn huyện Tương Dương, đã có một bé 18 tháng tuổi tử vong. Đó là cháu Và Bá Nù con ông Và Bá Chờ (Phó bản Piềng Cọc, xã Mai Sơn – xã biên giới Việt – Lào). Trước đó, ngày 1-10, ngành y tế huyện Tương Dương đã tiến hành tiêm vaccine phòng sởi – rubella tại bản Piềng Cọc, phát hiện nhiều cháu bị sốt. Khi dịch bắt đầu bùng phát, số cháu nhiễm bệnh tăng nhanh, các y, BS trong đội phòng, chống dịch đã tiến hành khám phân loại. Đến thời điểm này, cả bản có 127 cháu thì đã có 48 cháu bị nhiễm bệnh, trong đó 16 cháu ở thể nặng. Các cháu nhiễm bệnh đều thuộc diện hộ nghèo, hầu hết bị suy dinh dưỡng.
M.H

 
 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)