Sự kiện giáo dụcTin tức

Cần Thơ: Bao giờ chất lượng đào tạo thoát vùng trũng?

Tạp Chí Giáo Dục

Đào tạo nghề tại Cần Thơ

Lần đầu tiên UBND TP. Cần Thơ và đại diện các sở, ban, ngành, đã làm việc với lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên địa bàn để tháo gỡ những khó khăn tồn tại từ nhiều năm nay, đưa ĐBSCL thoát khỏi vùng trũng về đào tạo nguồn nhân lực…
Trường nào cũng “vướng” khó khăn
Tại buổi làm việc, có nhiều vấn đề bức xúc của các trường được nêu lên. Cụ thể, tất cả những trường được UBND TP. Cần Thơ cấp đất theo diện mở rộng cơ sở vật chất hoặc đền bù, đều mong thành phố quan tâm hỗ trợ đẩy mạnh khâu giải phóng mặt bằng vì những khu đất được cấp đều không thuộc diện đất sạch mà nhà trường thì không có kinh phí. Đại diện Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ đề nghị: “Thành phố hỗ trợ trường thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong đào tạo, trước mắt giúp sinh viên có nơi thực tập, và đầu tư tăng cường trang thiết bị giảng dạy, góp phần hoàn chỉnh cơ sở vật chất trong quá trình chuẩn bị nâng cấp thành trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ”.
Đáng quan tâm là vấn đề tuyển sinh đối với ngành sư phạm. Cô Nguyễn Hoài Thu, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, cho biết, nhiều năm nay trường luôn đạt và vượt chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành ngoài sư phạm, nhưng với các mã ngành sư phạm, từ năm 2006 đến nay trường tuyển sinh theo chỉ tiêu được giao từ Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ, nhưng không năm nào tuyển đủ, đối với bậc CĐ cũng như TC. Cụ thể năm 2011, hệ CĐ được giao 400 chỉ tiêu nhưng chỉ tuyển được 136 sinh viên theo học các ngành: mầm non, toán – tin và thể dục – thể thao, 4 ngành sư phạm còn lại không có người học. Hệ TC mầm non, sở giao chỉ tiêu đào tạo 600 giáo viên nhưng chỉ được 250 người đăng ký theo học. “Nếu ngành sư phạm bậc TC và CĐ cũng có chế độ miễn học phí như bậc ĐH thì sẽ có đông học sinh chọn ngành sư phạm hơn”, cô Thu kiến nghị.
Vấn đề nơi thực tập cho học sinh, sinh viên ngành y cũng được các trường đặt ra. Địa bàn TP. Cần Thơ có 3 trường ĐH, 2 trường CĐ và 1 trường TC đào tạo chuyên ngành y tế, tổng số sinh viên các cấp khoảng 13.000, trong khi đó tổng số giường bệnh tại Cần Thơ (kể cả bệnh viện tư) chưa tới 4.000 giường. Ông Trần Ngọc Hùng, Phó hiệu trưởng Trường CĐ Y tế Cần Thơ, bức xúc: “Theo quy định của Bộ Y tế, 1 giường bệnh chỉ được cáng đáng 2 sinh viên thực tập/ ngày. Nếu tính theo quy định trên, số sinh viên ngành y tại Cần Thơ chỉ được trong khoảng 8.000 em là có chỗ thực tập; nếu vượt quá thì không thể đảm bảo chất lượng đào tạo và khó tránh khỏi ảnh hưởng đến công tác điều trị tại các bệnh viện khi bệnh nhân liên tục phải trở thành công cụ thực tập cho sinh viên… Trong khi đó chúng tôi được biết hiện có thêm chủ đầu tư xin mở trường đào tạo TC y – dược trên địa bàn Cần Thơ”…
Tháo gỡ khó khăn bằng cách nào?
Nhiều vấn đề bức xúc của các trường đã được lãnh đạo các sở ngành liên quan giải đáp. Vấn đề bồi hoàn giải phóng mặt bằng: Sở Tài nguyên – Môi trường cho biết: Đối với các cơ sở không kinh doanh thì được áp giá đền bù theo phí của đơn vị sự nghiệp hành chính. Sở Tài chính đề nghị các trường bổ sung kinh phí bồi hoàn đất vào dự án xây dựng công trình, hướng dẫn Trung tâm Đại học tại chức Cần Thơ những thủ tục để được cấp kinh phí tăng cường thiết bị; đồng thời cho rằng: Để chuyển thành ĐH, các trường cần tranh thủ từ nhiều nguồn lực, không thể trông chờ hoàn toàn vào ngân sách thành phố…
Bà Bùi Thị Lệ Phi, Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ, đề nghị, Sở GD-ĐT khi thẩm tra việc xin mở trường cần quan tâm yêu cầu chủ đầu tư phải đảm bảo cơ sở vật chất phục vụ đào tạo, nhất là với ngành y, phòng thí nghiệm để thực tập là rất cần thiết. Sở Y tế sẽ làm việc với những trường đào tạo ngành y để kiểm tra, tính toán công tác thực tập tại các bệnh viện. Đồng tình với phát biểu trên, ông Lê Hùng Dũng, Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, thẳng thắn: “Nhiều lần đến làm việc tại các bệnh viện, tôi thấy, bên cạnh những em sinh viên thực tập nghiêm túc cũng còn không ít em đến bệnh viện chỉ ngồi chơi, không học tập điều gì. Những em này khi ra trường sẽ như thế nào? Tôi giao nhiệm vụ Giám đốc Sở Y tế kết hợp Sở GD-ĐT phải có biện pháp kiểm tra việc thực tập của sinh viên ngành y đồng thời theo dõi sát chất lượng đào tạo đối với ngành y của các trường ĐH, CĐ”.
“Hàng tháng, các trường cần báo cáo hoạt động, cũng như nêu khó khăn, kiến nghị. Sở GD-ĐT sẽ tập hợp chuyển lên thành phố để thành phố tìm biện pháp tháo gỡ. Lãnh đạo thành phố rất hoan nghênh và tạo điều kiện thành lập các trường ĐH, CĐ và mở các mã ngành, nhất là đào tạo ngành y, nhưng các trường phải đặt chất lượng đào tạo lên hàng đầu, thành phố không chấp nhận việc mở trường, mở mã ngành dễ dãi, không đảm bảo các tiêu chuẩn về đào tạo”. Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Lê Hùng Dũng nhấn mạnh: “Những trường có điều kiện cần thực hiện liên kết, hỗ trợ chuyên môn cho những trường còn non trẻ. Làm sao để các trường ĐH của Cần Thơ đều có thương hiệu về chất lượng. ĐBSCL đã mang tiếng là vùng thấp nhất về dân trí, bây giờ Cần Thơ không thể chấp nhận mang thêm tai tiếng là khu vực dở nhất trong đào tạo nguồn nhân lực”.
Đan Phượng

Bình luận (0)