Ngày 9-8-2024, Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.Cần Thơ phối hợp với Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức tập huấn “Xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và triển khai các văn bản mới trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ”.
Hơn 100 cán bộ làm công tác quản lý và thực thi sở hữu trí tuệ (SHTT), các sở, ban, ngành, đoàn thể, viện, trường, bệnh viện, các doanh nghiệp và một số tổ chức có liên quan, đã tham dự.
Buổi tập huấn nhằm triển khai những quy định mới trong lĩnh vực SHTT đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành luật; đồng thời giúp các tổ chức, cá nhân tiếp cận, khai thác tốt các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của thành phố.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT (Luật số 07/2022/QH15) được thông qua ngày 16-6-2022, tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV. Nghị định số 46/2024/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành nhằm sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 99/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 126/2021/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ. Lần sửa đổi này nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành và bất cập nảy sinh giữa các quy định của Luật SHTT với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành.
Sau khi Luật SHTT được sửa đổi, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2023 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và quản lý Nhà nước về SHTT liên quan đến thủ tục xác lập quyền và bảo đảm thông tin sở hữu công nghiệp.
Tại buổi tập huấn, các đại biểu được chuyên viên Bộ KH-CN hướng dẫn về những quy định mới trong lĩnh vực SHTT, trong đó nhấn mạnh về: Nhận dạng các đối tượng SHTT. Đặc điểm của các đối tượng SHTT. Giới hạn của các loại quyền SHTT; từ đó giúp đại biểu hiểu và quản lý hiệu quả quyền bảo vệ trí tuệ. Cụ thể như: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu hoặc dấu hiệu, hoặc tem, nhãn có chứa dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức khó phân biệt với nhãn hiệu đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó. Hàng hóa giả mạo chỉ dẫn địa lý… Các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật. Bổ sung quy định xác định tổn thất về tinh thần (điều 84); theo đó tổn thất về danh dự, nhân phẩm, uy tín, và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí; tác giả giống cây trồng theo quy định của Luật SHTT phát sinh, do quyền nhân thân của các chủ thể này bị xâm phạm dẫn đến tác giả bị tổn hại về danh dự, nhân phẩm; bị giảm sút hoặc mất đi sự tín nhiệm (uy tín), lòng tin, vì bị hiểu nhầm…
Trong năm 2023, Cục Quản lý thị trường TP.Cần Thơ đã phát hiện 68 vụ buôn bán giả mạo nhãn hiệu hàng hóa. Công an thành phố phát hiện 31 vụ. Công tác phối hợp thanh tra, xử lý xâm phạm quyền SHTT được triển khai quyết liệt giúp ngăn chặn, xử lý đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền SHTT trên địa bàn. Tuy nhiên trong bối cảnh thị trường thương mại điện tử phát triển mạnh, các hành vi xâm phạm SHTT ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi nhằm thu lợi bất chính, lừa đảo người tiêu dùng, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong công tác xử lý.
Chương trình tập huấn đã giúp các sở, ngành, doanh nghiệp… nâng cao nhận thức về bảo vệ và những biện pháp thực thi quyền SHTT; đồng thời thông tin đến các tổ chức, cá nhân những chính sách hỗ trợ của ngành khoa học và công nghệ nhằm khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sản xuất, mở rộng thị trường góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Đan Phượng
Bình luận (0)