Chỉ trong vòng 5 năm (từ 2011 đến 2016), ĐBSCL thành lập thêm 6 trường ĐH, CĐ nâng tổng số trường ĐH, CĐ tại khu vực lên 50 (cả công lập và ngoài công lập). Riêng Cần Thơ, trước đây chỉ có ĐH Cần Thơ, nay có 4 trường ĐH, 1 phân hiệu ĐH và 16 trường CĐ, trung cấp. Hằng năm các trường đều tăng quy mô tuyển sinh. Chỉ tính địa bàn Cần Thơ, năm học 2011-2012 tuyển 10.400 chỉ tiêu ĐH; đến năm học 2015-2016 tăng lên trên 15.000 chỉ tiêu…
Nhiều trường ĐH ở Cần Thơ tích cực ký kết với các doanh nghiệp để cùng tham gia vào công tác đào tạo. Ảnh: Đ.Phượng |
Trường nhiều, chỉ tiêu tăng trong khi người học lại giảm (như phản ánh của Báo Giáo dục TP.HCM số 1.840 ra ngày 11-11-2016 trong bài “ĐBSCL: Thí sinh từ chối ĐH để vào… CĐ”) nên các trường ĐH phải tìm nhiều giải pháp để chống… “ế”.
Đơn cử như Trường ĐH Y dược Cần Thơ đẩy mạnh hợp tác quốc tế để tăng cường trang thiết bị phục vụ đào tạo, mời nhiều chuyên gia y học trên thế giới tham gia công tác đào tạo. Còn Trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ đã ký kết với nhiều doanh nghiệp (DN) trong và ngoài khu vực, ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp ở ĐBSCL để “Gắn kết đào tạo, nghiên cứu khoa học giữa nhà trường và DN trong thời kỳ hội nhập”; tăng thời lượng thực tập tại các DN, nhà máy để SV tiếp cận những thiết bị hiện đại, rèn luyện tay nghề. TS. Dương Thái Công, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Để sản phẩm đáp ứng yêu cầu xã hội thời kỳ hội nhập, trường tăng cường trang bị ngoại ngữ, cụ thể là tiếng Anh cho SV – đảm bảo lộ trình đến năm 2020 SV tốt nghiệp ít nhất phải có bằng TOEIC 450, giúp các em có cơ hội tìm việc làm ở các công ty trong và ngoài nước, hoặc tham gia chương trình xuất khẩu lao động. Hiện chúng tôi phối hợp Trường ĐH Rajabhat Rajanagarindra (Thái Lan), thực hiện chương trình trao đổi SV giữa 2 trường; hoàn thiện và triển khai Đề án hợp tác đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin với Trường ĐH Victoria Wellington (New Zealand). Trường đã tập huấn giảng viên để tổ chức giảng dạy tiếng Anh cho SV theo chuẩn châu Âu”.
Trong khi đó, Trường ĐH Cần Thơ lại đang nỗ lực thực hiện tốt dự án “Nâng cấp Trường ĐH Cần Thơ thành trường ĐH xuất sắc về đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ”, Dự án hợp tác kỹ thuật với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản và các dự án quốc tế khác. PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng nhà trường, trao đổi: “Trường có 3 chương trình đào tạo được công nhận đạt chuẩn chất lượng theo tiêu chuẩn AUN-QA, gồm: Kinh tế nông nghiệp, công nghệ sinh học tiên tiến, nuôi trồng thủy sản. Những SV học chương trình này đều được các DN, công ty trong và ngoài nước tiếp nhận sau khi tốt nghiệp. Hiện nay có 10 DN và tập đoàn quốc tế đặt hàng trường đào tạo nhân lực các ngành kỹ thuật mà họ cần, cùng với đặt hàng họ đã đầu tư một phần trang thiết bị phục vụ đào tạo. Trường đang hướng đến việc chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về các ngành kỹ thuật để đón đầu làn sóng đầu tư lớn của Nhật và Hàn Quốc vào ĐBSCL. Năm 2015, trường đưa hơn 500 SV xuất sắc và có trình độ tiếng Anh tốt ra nước ngoài tham gia các hội nghị, diễn đàn giao lưu SV quốc tế, góp phần giúp các em nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, quản lý và sáng tạo”.
Tại Trường ĐH Nam Cần Thơ, để đủ điều kiện tốt nghiệp, ngoài trình độ B Anh văn và vi tính, tất cả SV phải gắn kết với DN để làm một công trình nghiên cứu khoa học nhằm góp phần giải quyết một vấn đề đặt ra của DN đó…
Có thể thấy, các trường ĐH đang nỗ lực đào tạo theo hướng cung ứng những lĩnh vực xã hội cần thay vì đào tạo những gì trường có như trước đây. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia giáo dục thì bên cạnh cố gắng của các trường, rất cần vai trò của Nhà nước trong dự báo nhu cầu nguồn nhân lực; ban hành các chính sách nhằm khuyến khích và quy định trách nhiệm của DN đối với công tác đào tạo, góp phần tạo động lực cho DN và nhà trường cùng phát triển. Đặc biệt, Nhà nước cần xây dựng hệ thống việc làm phù hợp các trình độ đào tạo với mức lương đủ sống cho “thầy” cũng như “thợ”, cần tạo cơ chế và xu thế trọng dụng người tài, phát huy năng lực của họ trong phát triển kinh tế – xã hội.
Ngoài ra, theo PGS.TS Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, thì: “Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu khi phân chỉ tiêu đào tạo cho các trường. Hiện nay các ngành kỹ thuật, công nghệ thông tin đang “khát” nhân lực, trong khi các ngành kinh tế, luật, sư phạm lại rất thừa. Đặc biệt, việc thực hiện chính sách miễn học phí đối với ngành sư phạm nhưng không tạo việc làm cho người học đã tạo nên sự lãng phí rất lớn. Ngoài ra, chủ trương thành lập quá nhiều trường ĐH, trong đó một số trường không đủ điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, không đảm bảo chất lượng từ đầu vào đến đầu ra đã ảnh hưởng đến những trường ĐH uy tín, làm méo mó hình ảnh giáo dục ĐH cả nước, và làm lũng đoạn thị trường lao động, gây lãng phí cho những người được đào tạo bài bản, có năng lực”…
Đan Phượng
Bình luận (0)