Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần Thơ: Chuyển đổi hàng loạt trường THPT bán công

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

 

Mô hình trường THPT bán công ra đời và tồn tại ở TP Cần Thơ hơn 15 năm và đã gánh bớt một phần kinh phí cho Nhà nước. Tuy nhiên, theo Luật Giáo dục năm 2005, trong hệ thống giáo dục quốc dân chỉ có các loại hình trường lớp: công lập, dân lập và tư thục. Vì vậy, những ngày giữa tháng 6-2009, Sở GD-ĐT TP Cần Thơ đã triển khai các quyết định về chuyển đổi các mô hình này…
Chị Nguyễn Thị Giao nhà ở phường An Bình, quận Ninh Kiều phấn khởi khi nghe thông tin Trường THPT bán công An Bình sáp nhập vào Trường THPT Nguyễn Việt Hồng. Chị nói: “Con trai tôi vừa tốt nghiệp THCS Trường THCS Trần Ngọc Quế, mặc dù đã nộp hồ sơ thi tuyển vào Trường THPT Nguyễn Việt Hồng nhưng thật tình vợ chồng tôi không hy vọng cháu đậu vì biết sức học của con mình nhưng lại lo không biết có lo nổi cho cháu vào học ở bán công không vì tiền học phí quá sức với những người làm thuê như vợ chồng tôi. Nếu Trường THPT bán công An Bình được nhập vào Trường THPT Nguyễn Việt Hồng thì con tôi có khả năng theo học lớp 10 rồi”.
Theo Sở GD-ĐT TP Cần Thơ thì việc chuyển đổi mô hình trường bán công sang công lập sẽ tạo điều kiện cho nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục việc học. Ngoài tâm lý trường công – bán công, học sinh trường bán công còn phải đóng tiền nhiều hơn 4-6 lần. Với học sinh có điều kiện thì số tiền này là không nhiều nhưng với học sinh vùng ven còn nhiều khó khăn thì là số tiền không nhỏ. Chính vì vậy, việc chuyển đổi mô hình bán công sang công lập còn tạo điều kiện để đẩy nhanh tiến độ phổ cập trung học. Bởi tỷ lệ phổ cập giáo dục trung học ở TP Cần Thơ hiện rất thấp, trong khi theo kế hoạch đến năm 2010, TP Cần Thơ sẽ đạt chuẩn phổ cập trung học.
Không ít ý kiến cho rằng việc chuyển đổi mô hình trường bán công sang công lập là đi ngược lại với việc thực hiện Nghị quyết 05 của Chính phủ về xã hội hóa giáo dục. Bởi hằng năm, các trường THPT bán công đã tự trang trải được khoảng 1/3 kinh phí hoạt động. Chuyển các trường bán công sang công lập nghĩa là gánh nặng kinh phí sẽ dồn về ngân sách nhà nước. Bà Trần Cẩm Tú – Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở GD-ĐT TP. Cần Thơ) cho biết: “Việc chậm chuyển đổi các mô hình trường bán công còn do ngành giáo dục xem xét khả năng chuyển đổi sang mô hình trường tư thục. Thế nhưng xét thấy ở một số địa bàn, tình hình kinh tế của người dân còn khó khăn nên khả năng thu hút học sinh vào học là rất thấp. Vì vậy, chuyển sang mô hình tư thục, học sinh sẽ bỏ học nhiều, ảnh hưởng đến tiến độ phổ cập”.
Thái Hải
Sở GD-ĐT TP Cần Thơ đã tổ chức chuyển đổi 6 trường bán công THPT trên địa bàn thành phố theo hướng: những cụm trường, còn tồn tại trường có nhiều cấp học thì tách cấp và thành lập trường THCS mới. Ở những cụm trường không còn tồn tại cấp 2 trong trường THPT thì thành lập trường THPT mới. Theo đó, Trường THPT bán công Thạnh An được giải thể các lớp bán công bậc THPT và nhập vào Trường THPT Thạnh An. Tách cấp 2 của Trường THPT Thạnh An hiện tại để thành lập trường THCS mới tại thị trấn Thạnh An. Trường THPT bán công Nguyễn Việt Dũng nhập vào Trường THPT Bùi Hữu Nghĩa, tách cấp 2 ở Trường THCS Bùi Hữu Nghĩa về trường THCS mới. Trường THPT bán công Ô Môn được dời về địa điểm cũ của Trường THPT Lưu Hữu Phước và thành lập trường THPT mới là Trường THPT Lương Định Của. Trường THPT bán công Thốt Nốt giải thể và thành lập mới Trường THPT Thuận Hưng đặt tại xã Thuận Hưng. Trường THPT bán công An Bình có cơ sở vật chất nhỏ, hẹp, ẩm thấp nên giải thể trường và nhập về Trường THPT Nguyễn Việt Hồng. Riêng Trường THPT bán công Phan Ngọc Hiển giữ nguyên chỉ bỏ đi chữ bán công.
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)