Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần Thơ: Đẩy mạnh công tác bảo hộ và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong xu thế hội nhập, việc thực thi, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là tiền đề để các doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân kiểm soát các hoạt động kinh doanh và bảo vệ tài sản trí tuệ của mình; từ đó mở ra hướng đi mới trong đổi mới sáng tạo, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và phát triển bền vững.


Ông Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở KH&CN TP.Cần Thơ phát biểu khai mạc

Trong ý nghĩa đó, nhằm cung cấp thông tin về hoạt động đối với sở hữu trí tuệ; giới thiệu các chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.Cần Thơ phối hợp Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (thuộc Bộ KH&CN) tổ chức hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực quản lý, thực thi, khai thác thông tin và sử dụng dịch vụ sở hữu công nghiệp”.

Hơn 150 đại biểu gồm lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể; UBND các quận, huyện, viện, trường đại học, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, các hợp tác xã… trên địa bàn TP.Cần Thơ đã tham dự.

Giới thiệu tổng quan về hoạt động sở hữu trí tuệ, TS. Nguyễn Hữu Cẩn – Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ – thông tin:  Để bảo vệ các thành quả do cá nhân hay tổ chức sáng tạo ra, Luật Sở hữu trí tuệ ra đời, nhằm bảo vệ 3 nhóm đối tượng gồm: Quyền tác giả và quyền liên quan; Quyền sở hữu công nghiệp; Quyền đối với giống cây trồng, vật nuôi. Trong đó, nội dung liên quan đến Quyền sở hữu công nghiệp chiếm phần lớn nội dung.


Quang cảnh hội nghị

TS. Nguyễn Hữu Cẩn nhấn mạnh: “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) là tổng hợp tất cả các quy phạm pháp luật để điều chỉnh quan hệ xã hội phát sinh sau khi con người sáng tạo ra những sản phẩm được xác định là đối tượng sở hữu công nghiệp. Các nội dung liên quan quyền SHCN còn được thể hiện trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và có phạm vi bảo vệ trên toàn cầu.

Các cá nhân, tổ chức nếu muốn thương hiệu của mình được nhà nước bảo hộ hợp pháp thì thực hiện thủ tục đăng ký để được cấp văn bằng bảo hộ. Việc đăng ký được các cơ quan chức năng khuyến khích khi  trên thị trường hiện nay nhiều hành vi ăn cắp, đạo nhái thương hiệu sản phẩm ngày càng nhiều. Trong khi việc không đăng ký thương hiệu sẽ đem lại nhiều hậu quả bất lợi cho chính chủ sở hữu thương hiệu đó”.


TS. Nguyễn Hữu Cẩn – Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, giải đáp những vấn đề đại biểu đặt ra

TS. Nguyễn Hữu Cẩn đã chia sẻ với các đại biểu về chiến lược và chính sách của Nhà nước về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Tư vấn thủ tục để xác lập quyền SHCN. Đến nay các  thao tác hành chính liên quan tới việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ, SHCN ngày càng đơn giản, nhanh chóng nhờ áp dụng thành tựu công nghệ mới (Big data, Al…); cùng các  biện pháp và thủ tục để xác lập, thực thi quyền SHCN; kết hợp  sử dụng công cụ khai thác thông tin và dịch vụ SHCN trên Nền tảng IPPlatform…

Dịp này, chuyên viên của Sở KH&CN giới thiệu các Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển của TP.Cần Thơ. Theo đó, thành phố hỗ trợ kinh phí cho 3 chương trình, gồm: Chương trình hỗ trợ DN vừa và nhỏ đổi mới công nghệ, thiết bị. Chương trình hỗ trợ DN nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa đến năm 2030. Đặc biệt, Chương trình hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ được triển khai nhằm thúc đẩy các DN, Hợp tác xã… đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước. Thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ. Theo đó các DN, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.Cần Thơ khi đăng ký bảo hộ tài sản trong nước, được hỗ trợ 30 triệu đồng/đơn đăng ký đối với sáng chế và giống cây trồng mới; 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu. Hỗ trợ ngoài nước: 60 triệu đồng/đơn đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ và công nhận giống cây trồng mới.


Chuyên viên của Sở KH&CN giới thiệu các chương trình hỗ trợ DN của TP.Cần Thơ

Theo thống kê, đến nay TP.Cần Thơ có gần 500 DN, cơ sở sản xuất đã hoàn thành thủ tục và được cấp văn bằng bảo hộ đăng ký nhãn hiệu.

Tại hội nghị, chuyên gia đã giải đáp thắc mắc của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã chung quanh những vướng mắc khi làm  thủ tục đăng ký Sở hữu trí tuệ và  SHCN; và các điều kiện để được xét tham gia các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của TP.Cần Thơ.

Đan Phượng

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)