Đó là chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu tại buổi “Gặp mặt các nhà khoa học và Hội nghị (HN) Tổng kết ngành khoa học năm 2023”, do Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức ngày 29-12-2023.
Thứ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ (KH-CN) Bùi Thế Duy trao đổi tại HN
Tại buổi gặp mặt, Sở KH-CN Cần Thơ đã vinh danh GS-TS Võ Tòng Xuân, nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam vừa nhận Giải thưởng VinFuture (giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu).
Báo cáo tình hình hoạt động ngành KH-CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) năm 2023 và Phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, TS. Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở KH-CN Cần Thơ, cho biết: Năm 2023, Sở KH-CN Cần Thơ đã hoàn thành đạt và vượt kế hoạch các chỉ tiêu được Thành ủy, HĐND, UBND TP giao. Trong đó đã triển khai 14 đề tài, dự án được UBND TP phê duyệt, tăng 4 dự án so với kế hoạch; nghiệm thu 10 đề tài, dự án; 80% đề tài, dự án được nghiệm thu đã áp dụng vào sản xuất, đời sống. Có 210 văn bằng được Cục Sở hữu trí tuệ cấp mới, đạt 111% so với chỉ tiêu được giao.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu chỉ đạo
Nhân lực khoa học và công nghệ với đội ngũ trí thức, nhà khoa học có trình độ cao ngày càng tăng; và có nhiều đóng góp tích cực trong nghiên cứu, tư vấn phản biện, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của thành phố và vùng ĐBSCL. Năm 2023, thành phố có 68 tổ chức có hoạt động khoa học và công nghệ với số lượng nhân lực hoạt động KH-CN khoảng 6.700 người. Số lượng cán bộ KH-CN và nghiên cứu khoảng 14 người/1vạn dân.
TS. Ngô Anh Tín – Giám đốc Sở KH-CN Cần Thơ báo cáo tổng kết
Các nhiệm vụ KH-CN đã và đang triển khai đã đóng góp phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao chất lượng và giá trị, hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh. Cụ thể như: Dự án xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ nhân giống nấm dạng dịch thể và sản xuất nấm ăn – nấm dược liệu tại TP. Cần Thơ. Đề tài “Xác định hoạt tính chống oxy hóa và kháng nấm của lúa non để làm thực phẩm chức năng và mỹ phẩm chăm sóc da”; Dự án “Hoàn thiện quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm từ dâu Hạ Châu”.
GS-TS. Võ Tòng Xuân, nhà khoa học nông nghiệp Việt Nam vừa nhận giải thưởng VinFuture 2023, trình bày ý kiến và kiến nghị tại HN
Sở cũng tổ chức hội đồng thẩm định, lấy ý kiến chuyên gia về đánh giá, thẩm định công nghệ cho 12 dự án thuộc các lĩnh vực mội trường; công nghệ thông tin… Qua đó, các chuyên gia đã khuyến nghị áp dụng các công nghệ, thiết bị hiện đại, tiên tiến, phù hợp điều kiện của địa phương…
Phát biểu tại HN, Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho rằng TP.Cần Thơ là trung tâm của ĐBSCL; có ưu thế với nhiều viện, trường đại học. Nhưng thời gian qua Cần Thơ chưa thật sự phát huy được thế mạnh của mình về KH-CN. Theo Thứ Trưởng, một trong những nguyên nhân là còn đầu tư dàn trải, hoạt động chưa có trọng tâm, trọng điểm. Thứ trưởng đề nghị ngành cần suy nghĩ, nghiên cứu để thực hiện chuyển đổi mô hình hoạt động KHCN dựa trên phát huy thế mạnh của TP và nhu cầu của thế giới, đó là những lĩnh vực mang tính toàn cầu như ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giảm phát thải; chế biến nông sản; chế biến dược liệu từ nguồn nguyên liệu của Việt Nam…: “Chúng ta chọn 1 lĩnh vực mạnh, đang là nhu cầu của thị trường, để tập trung đầu tư kinh phí và KHCN cho lĩnh vực này, từ đó kéo theo các lĩnh vực khác cùng phát triển. Các đồng chí xây dựng đề án về mô hình này, có sự ủng hộ của lãnh đạo TP và trình bộ. Chúng tôi rất hoan nghênh và sẽ mang đề án tiếp cận các tổ chức quốc tế để thu hút đầu tư” – Thứ trưởng nhấn mạnh.
Các đồng chí lãnh đạo TP.Cần Thơ, ban tổ chức cùng các đại biểu
Phát biểu tại HN, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu thẳng thắn chỉ ra những điểm còn yếu kém của TP.Cần Thơ. Theo đó, 10 năm qua Cần Thơ chưa phát triển những khu công nghiệp mới và doanh nghiệp mới có quy mô, tầm cỡ. Hiện nay đất phi nông nghiệp ở Cần Thơ mới chỉ 20%, trong khi diện tích đất nông nghiệp chiếm 80%. Không có nhiều nhà máy, công ty sản xuất, đại đa số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng và người lao động phải đi nơi khác tìm việc làm… Hạn chế này kéo theo nhiều hệ lụy khác. Để khắc phục và đưa Cần Thơ phát triển, trọng tâm của TP là đẩy mạnh phát triển công nghiệp. Cụ thể, thời gian tới, TP phải từng bước tăng diện tích đất phi nông nghiệp lên 50%; và thu hút những “đại bàng lớn” để đầu tư xây dựng những khu công nghiệp; những khu đô thị lớn. Việc này cần có những nhà đầu làm tốt công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dân, để tạo những quỹ đất sạch thu hút đầu tư. TP sẽ đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, logistics; đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao; đặc biệt là thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, trong đó có các nghiên cứu KH để Cần Thơ xây dựng thành công nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với BĐKH và là trung tâm chế biến nông sản của khu vực.
Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Tới đây TP sẽ thành lập trung tâm kiểm định đo lường chất lượng tại Cần Thơ, nhằm giảm số hàng hóa phải chuyển lên TP.HCM để kiểm định, giúp các doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trên thị trường. TP cũng sẽ thành lập chi nhánh khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo (KN-ĐMST) Cần Thơ trực thuộc Trung tâm KN-ĐMST quốc gia để phối hợp với toàn khu vực và Bộ KH-CN trong hoạt động. Các hoạt động, đề tài nghiên cứu khoa học phải thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm và phục vụ các mục tiêu phát triển của TP. Về phía Sở KH-CN: Tham mưu cho Thành ủy và UBND thành lập giải thưởng KN- ĐMST để vinh danh và khen thưởng những sản phẩm khởi nghiệp; những đề tài nghiên cứu khoa học của các tác giả đang hoạt động ở khu vực công lập và dân lập, mang tính hiệu quả cao, đóng góp cho phát triển KT-XH của Cần Thơ; cố gắng kêu gọi đầu tư để xây dựng khu công nghiệp cao tại quận Cái Răng; đồng thời phối hợp với TP/HCM để liên kết tổ chức các hội nghị, hội thảo, triển lãm qui mô lớn, nhằm tạo ra hiệu ứng xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế; và có giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam – Hàn quốc”.
Đan Phượng
Bình luận (0)