Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai. Về lâu dài, TP.Cần Thơ cần làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, tìm giải pháp để khắc phục tình trạng ngập lụt, triều cường khu vực đô thị theo mô hình của đất nước Hà Lan. Đó là chỉ đạo của ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, tại Hội nghị (HN) Tổng kết công tác phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023, tổ chức chiều 2-3-2023.
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Tình trạng ngập lụt, triều cường ngày càng diễn biến phức tạp: Năm 2022, Cần Thơ chịu ảnh hưởng của 4 đợt triều cường. Trong đó đỉnh của đợt triều cường rằm tháng chín âm lịch đạt mức 2,27 m (trên mức BĐIII: 0,27m; thiết lập đỉnh triều cường lịch sử mới, cao hơn đỉnh triều cường lịch sử năm 2019: 0,02 m) xuất hiện vào ngày 12-10-2022 (nhằm ngày 17-9 âm lịch). Các thời điểm triều cường đạt đỉnh đã gây ảnh hưởng, trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế, xã hội của thành phố, đặc biệt là giao thông, kinh doanh, giáo dục đào tạo, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị ở thành phố… Do ảnh hưởng của các đợt triều cường, trên địa bàn thành phố đã xảy ra sạt lở, sụp lún một số đoạn đê bao, bờ sông, kênh rạch…
Trước diễn biến của thiên tai, UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự – Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố (Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố), Thủ trưởng các sở, ban ngành, UBND và Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN các quận, huyện đã tích cực chỉ đạo công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả…
Các đồng chí chủ trì
Trong năm 2022, từ nguồn vốn sự nghiệp thủy lợi, Chi cục Thủy lợi phối hợp với các địa phương thực hiện gia cố 480 mét kè chống sạt lở bằng các giải pháp dân gian, truyền thống (cừ dừa, cừ bạch đàn, cừ tràm kết hợp rọ đá và vãi địa kỹ thuật) với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Từ nguồn dự phòng ngân sách thành phố, chi cục phối hợp huyện Phong Điền và huyện Vĩnh Thạnh thực hiện 2 dự án kè chống sạt lở khẩn cấp (chiều dài 145 mét, kinh phí trên 10 tỷ đồng).
Năm 2023, dự báo tình hình thời tiết, thiên tai ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp, ngày càng cực đoan; số lượng bão và áp thấp nhiệt đới trong năm 2023 có khoảng 12-15 cơn hoạt động trên Biển Đông, và có khoảng từ 4-7 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Cần đề phòng những cơn bão, ATNĐ có đường đi phức tạp, hoạt động dồn dập vào các tháng 11, 12, ảnh hưởng đến khu vực Nam Bộ.
Mực nước cao nhất năm 2023 có khả năng ở mức 2,15 m – 2,25 m (vượt BĐ III: 0,15 – 0,25m). Trên sông Hậu tại Cần Thơ đỉnh triều cao nhất năm xuất hiện vào tháng 9 và tháng 10.
Phát biểu tại HN, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường yêu cầu Thường trực Ban Chỉ huy và các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố; các ngành, các cấp thường xuyên theo sát diễn biến tình hình thiên tai, bão, lũ để có các giải pháp chủ động phòng, chống, hạn chế thấp nhất những thiệt hại; và khắc phục hậu quả kịp thời. Thực hiện nghiêm các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy, UBND thành phố về công tác PCTT-TKCN.
Ngày 28-3-2022, sạc lở tại khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn, làm ảnh hưởng 5 căn nhà, trong đó 4 căn bị nhấn chìm xuống sông
Các sở, ngành, quận huyện xây dựng phương án, nhiệm vụ PCTT-TKCN năm 2023 sát với tình hình thực tế địa phương, đơn vị. Kiện toàn và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN các cấp để xử lý kịp thời các tình huống khi thiên tai xảy ra. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình phòng, chống thiên tai. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân biện pháp ứng phó khi xảy ra thiên tai. Về biện pháp lâu dài, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ giao Thường trực Ban chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN thành phố làm việc với các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu, tìm giải pháp để Cần Thơ khắc phục tình trạng ngập lụt, triều cường khu vực đô thị theo mô hình của đất nước Hà Lan.
Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ cũng đề nghị đài khí tượng thủy văn thành phố theo dõi và dự báo kịp thời, chính xác mọi diễn biến thời tiết, thủy văn trên địa bàn thành phố; đồng thời phối hợp với ban chỉ huy PTDS-PCTT&TKCN các cấp thông báo tình hình thiên tai, lũ bão để các ngành, địa phương và người dân biết để chủ động ứng phó: “Đặc biệt, Chủ tịch UBND các quận, huyện chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra thực tế để tiến hành rà soát, cập nhật, xác định những khu vực nguy hiểm khi xảy ra mưa, lũ, bão (chú ý các công trình công cộng như: Giáo dục, y tế, chợ, các trung tâm thương mại…); các nơi có nguy cơ sạt lở cao có thể gây nguy hiểm đến tính mạng và tài sản của nhân dân trên các tuyến sông, kênh rạch; kiên quyết tổ chức di dời dân ở những khu vực nguy hiểm (đặc biệt là những nơi có nguy cơ sạt lở cao) đến nơi an toàn với mục tiêu lâu dài là giảm tải, giải phóng, trả lại sự thông thoáng của bờ sông, kênh rạch. Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm và ngăn chặn các trường hợp lấn chiếm sông, kênh rạch gây tắc nghẽn dòng chảy, hướng thoát nước tự nhiên trên địa bàn mình quản lý…” – người đứng đầu UBND TP.Cần Thơ nhấn mạnh.
Đan Phượng
Bình luận (0)