Khoa học - Công nghệ

Cần Thơ: Để có nguồn nhân lực trình độ quốc tế

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 19-7-2024, UBND TP.Cần Thơ phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) tổ chức hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) trình độ quốc tế tại TP.Cần Thơ”.

Quang cảnh hội thảo

Ông Hoàng Minh – Thứ trưởng Bộ KH-CN; ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ; cùng đại diện lãnh đạo UBND, các viện, trường đại học, cao đẳng, các doanh nghiệp, tập đoàn… vùng ĐBSCL, và TP.Hồ Chí Minh  đã dự.

Thứ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Minh phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ KH-CN Hoàng Minh chia sẻ: “Phát triển nguồn nhân lực nói chung, nguồn nhân lực KHCN&ĐMST nói riêng là yếu tố quan trọng, nòng cốt bảo đảm cho nền kinh tế phát triển, hội nhập sâu rộng, bền vững, ổn định trong điều kiện phát triển kinh tế tri thức. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định KHCN&ĐMST là một trong các nội dung của đột phá chiến lược, là động lực then chốt để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; phát triển nhanh và bền vững đất nước.

TP.Cần Thơ có 70 tổ chức có hoạt động KH-CN. Trong đó có 41 tổ chức KH-CN (13 tổ chức nghiên cứu và phát triển; 15 cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng; 13 tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ); 29 cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp (DN) có hoạt động KH-CN.  Tổng số nhân lực KH-CN tại Cần Thơ là 6.813 người, trong đó 1.202 người có học vị tiến sĩ: 2.859 người có học vị thạc sĩ. Mỗi năm có khoảng 16.000 sinh viên tốt nghiệp, trong đó nổi bật  là vai trò của Trường Đại học Cần Thơ đã cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực chất lượng cao, với 9.307 sinh viên đại học và 1.295 thạc sĩ, tiến sĩ. Thời gian qua, nguồn nhân lực KHCN&ĐMST của TP.Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đã và đang góp phần đưa đồng bằng trở thành trung tâm sản xuất thủy sản, trái cây lớn nhất cả nước, nơi chiếm 95% lượng gạo xuất khẩu, 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu và 70% lượng trái cây của cả nước”.

Tuy nhiên, thực tế, chất lượng nguồn nhân lực KHCN&ĐMST của Cần Thơ cũng như vùng ĐBSCL hiện vẫn còn nhiều hạn chế. Do đó, trong nỗ lực thực hiện ba đột phá chiến lược theo tỉnh thần Đại hội XIII của Đảng, cần phải có những giải pháp thiết thực nhằm phát triển KH-CN, nâng cao vai trò của nguồn nhân lực trong lĩnh vực này, tạo động lực thúc đẩy kinh tế – xã hội TP.Cần Thơ và cả vùng phát triển.

Tại hội thảo, với nội dung phong phú  từ các tham luận của chuyên gia, nhà khoa học…  và tọa đàm về nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu bối cảnh hội nhập quốc tế…đã cung cấp đáp số cho bài toán về nhân lực trình độ quốc tế cho Cần Thơ. Theo đó, thời gian tới, quan điểm phát triển nguồn nhân lực KHCN&ĐMST của TP. Cần Thơ  là cần tập trung vào các trọng tâm:  Ưu tiên đặc biệt cho khoa học, công nghệ: Coi đây là mũi nhọn đột phá để ứng dụng KH-CN vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa TP.  Nguồn nhân lực phải đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH của TP đồng thời đóng vai trò động lực thúc đẩy sự phát triển của toàn vùng, khẳng định vị thế trung tâm của Cần Thơ.  Sự phát triển nguồn nhân lực là trách nhiệm không chỉ của lãnh đạo các cấp, các ngành mà còn của toàn hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn TP,  thích  ứng với kinh tế thị trường,  hội nhập quốc tế.

Diễn giả trình bày tham luận

Bên cạnh đó, TP.Cần Thơ cần tập trung vào các giải pháp:  Đẩy mạnh đầu tư vào giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), đặc biệt là trong các lĩnh vực KHCN&ĐMST.  Xây dựng chính sách thu hút nhân tài, bao gồm các ưu đãi về tài chính, nhà ở, cơ hội phát triển nghề nghiệp và môi trường làm việc hấp dẫn. TP cũng cần tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước đến làm việc và nghiên cứu, kết hợp  tập trung phát triển các ngành mũi nhọn, tận dụng những lợi thế  của TP và ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.  Đẩy mạnh đào tạo các ngành như công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và logistics. Xây dựng môi trường  và tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KHCN&ĐMST,  học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến,  tham gia vào các dự án hợp tác quốc tế để nâng cao năng lực và trình độ của nguồn nhân lực.

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên

Phát biểu tổng kết HT, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè trân trọng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và cho rằng: “Để phát triển nguồn nhân lực khoa học, công nghệ và ĐMST trình độ quốc tế, các ban ngành và các trường đại học phải trả lời cho được cần đào tạo những ngành nào, lĩnh vực nào, bao nhiêu và cần TP đầu tư, có chính sách gì. Thành phố giao Sở KH-CN là đơn vị chủ trì phối hợp với các Sở GD-ĐT, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, các trường ĐH trên địa bàn tham mưu chính sách phát triển nguồn nhân lực KHCN&  ĐMST trình độ quốc tế.”.

Ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ tổng kết hội thảo

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ khai giảng khóa đào tạo chuyên sâu thiết kế vi mạch dành cho giảng viên và khu trưng bày sản phẩm công nghệ – giáo dục.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)