Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần Thơ: Đoàn đại biểu Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 10-2-2023, ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành làm việc với đoàn đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ do ông Đào Chí Nghĩa – Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố làm Trưởng đoàn về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 (NQ88) và Nghị quyết số 51/2017/QH14 (NQ51) của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông (GDPT) trên địa bàn thành phố.


Ông Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, trình bày tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 (NQ88) và Nghị quyết số 51/2017/QH14 (NQ51) của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK/GDPT

Ông Nguyễn Thực Hiện – Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, cho biết: Thực  hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội, hầu hết cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn thành phố đều có bước chuẩn bị tốt về các điều kiện triển khai; chú trọng đổi mới quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của cơ sở và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên. Đội ngũ giáo viên biết vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh… góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Ðối với cấp tiểu học, 100% học sinh lớp 1, lớp 2 hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch; chất lượng học tập đảm bảo chuẩn đầu ra theo yêu cầu cần đạt của chương trình. Cấp trung học cơ sở, tỷ lệ học sinh lớp 6 có kết quả học tập từ đạt trở lên chiếm 94,98%; kết quả rèn luyện từ đạt trở lên chiếm 99,97%. Ngành đã triển khai đảm bảo tiến độ, lộ trình. Cụ thể: Năm học 2020-2021 đối với lớp 1; năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.


Quang cảnh buổi làm việc

Tính đến đầu năm học 2022- 2023, cấp trung học phổ thông (THPT) có 38 trường (trong đó có 9 trường ngoài công lập), với trên 33.160 học sinh, tỷ lệ huy động đúng độ tuổi đạt 70%. Tỷ lệ GV trực tiếp giảng dạy đạt chuẩn về trình độ đào tạo theo Luật Giáo dục năm 2019 khá cao, đạt 99,06%; đây là điều kiện để thành phố thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới.

Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, các đơn vị trường học, ngành giáo dục thành phố còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Tiêu chuẩn về diện tích phòng học, phòng chức năng, quy mô học sinh/lớp, quy mô lớp/trường ở một số địa phương chưa đạt theo quy định; chưa đảm bảo đủ các phòng chức năng để tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục.  Chất lượng đội ngũ GV và cán bộ quản lý GD không đều, còn một bộ phận GV chưa tích cực trong tự học, nâng cao trình độ; hoặc chưa tiếp cận tốt công nghệ thông tin. Tình trạng thiếu, thừa cục bộ giáo viên (GV) còn xảy ra, gây khó khăn trong công tác phân công giảng dạy; nhất là thiếu giáo viên âm nhạc, mỹ thuật,  đặc biệt là GV dạy môn học tích hợp theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Về chất lượng SGK: Một số đầu sách SGK chưa đảm bảo tính liên thông giữa các môn học và hoạt động giáo dục. Một số câu hỏi, yêu cầu chưa rõ ràng về mục tiêu, kết quả…


Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện phát biểu tại buổi làm việc

Dự báo,  để đảm bảo thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, toàn ngành còn thiếu 459 giáo viên. Ngoài ra các thầy cô giáo gặp khó khăn, áp lực trong việc nghiên cứu, thẩm định SGK khi không được cung cấp bảng sách in; thiếu thiết bị phục vụ giảng dạy, đặc biệt thiết bị các môn âm nhạc và mỹ thuật…

Đại diện đoàn giám sát, Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.Cần Thơ Đào Chí Nghĩa đánh giá cao sự chuẩn bị, phối hợp hỗ trợ đoàn của lãnh đạo UBND, ngành giáo dục thành phố trong thực hiện khảo sát; Và thông tin một số kết quả dữ liệu mà đoàn giám sát thực hiện: Qua khảo sát (thông qua phiếu khảo sát) ý kiến 8.926 GV và cán bộ tại  phòng GD-ĐT các quận, huyện, trong đó 76% GV công tác hơn 10 năm, bộ SGK Chân Trời sáng tạo được nhiều trường chọn nhất. Có 74,8% GV đề nghị nên chọn 1 bộ SGK dùng chung cho cấp tiểu học toàn thành phố để góp phần tạo sự đồng bộ trong thực hiện chương trình và việc chia sẻ kinh nghiệm trong giảng dạy, thực hiện chương trình mới, giữa các trường, các GV sẽ cụ thể và đạt hiệu quả cao hơn… Ngoài ra, qua khảo sát, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học tại các trường chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn: “Chẳng hạn, 1 phòng máy vi tính chỉ có 25 máy, trong khi sĩ số lớp từ 35 đến hơn 40, không đủ máy cho học sinh thực hành. Ngoài ra tại nhiều trường, trong số 25 máy vi tính trang bị thì nhiều máy bị hư… Hiện nay việc cung cấp trang thiết bị trường học  giao về UBND các quận, huyện; hầu hết các trường, các Phòng GD-ĐT đề nghị  nên tập trung công tác cung cấp trang thiết bị vào đầu mối là Sở GD-ĐT” –  ông Nghĩa cho biết.


Phó Trưởng đoàn ĐBQH TP.Cần Thơ Đào Chí Nghĩa thông báo kết quả giám sát

Đoàn giám sát đề nghị UBND thành phố bổ sung, điều chỉnh, nhất là các kiến nghị đối với Bộ GD-ĐT và Quốc hội phải cụ thể, phù hợp. Các báo cáo, kiến  nghị  phải hoàn chỉnh  trước 15 giờ ngày 13-2 để Đoàn gởi Quốc hội. Ngành Giáo dục thành phố cần tăng cường truyền thông về các nghị quyết của quốc hội; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành hữu quan để thực hiện hiệu quả đổi mới chương trình, SGK, trong đó có việc khắc phục tình trạng thiếu GV và kinh phí để thực hiện tốt Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Phát biểu tại buổi làm việc,  Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Nguyễn Thực Hiện tiếp thu ý kiến góp ý của đoàn giám sát và đề nghị ngành giáo dục xem xét thực hiện, hoàn chỉnh báo cáo; đồng thời mong đoàn giám sát tiếp tục nghiên cứu, hỗ trợ, có những kiến nghị đúng đắn, cần thiết với Quốc hội và Chính phủ nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành giáo dục thành phố cũng như cả khu vực.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)