Sự kiện giáo dụcTin tức

Cần Thơ: Đoàn giám sát Quốc hội làm việc về quản lý thị trường bất động sản, phát triển nhà ở xã hội

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 8-7-2024, Đoàn công tác số 3, Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội do Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm Trưởng đoàn, đã đến khảo sát và làm việc với UBND TP.Cần Thơ về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023”.

Quang cảnh buổi làm việc

Làm việc với đoàn có Bí thư Thành ủy TP.Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường; đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Cần Thơ và lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.

Cách làm của Cần Thơ

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu trao đổi với đoàn giám sát

Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, trình bày giải pháp của Cần Thơ để giải quyết các khó khăn về nhà ở xã hội

Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ Mai Như Toàn báo cáo về công tác quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023

Theo Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ Mai Như Toàn, trong giai đoạn từ năm 2015-2023, Cần Thơ có 38 dự án bất động sản về nhà ở, dân cư, tái định cư, đô thị đã có chủ trương, còn hiệu lực pháp lý và đang thực hiện. Cũng trong giai đoạn này, có khoảng 137.146 nền và hơn 42 nghìn nhà ở riêng lẻ được giao dịch buôn bán, chuyển nhượng, có 821 doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh bất động sản đang hoạt động với tổng vốn điều lệ đăng ký 25.605 tỷ đồng. Có 5 dự án đang xác định tiền sử dụng đất, 14 dự án đang gặp khó khăn về thủ tục pháp lý và thu hồi 4 dự án.

Về nhà ở xã hội, giai đoạn 2015-2023 không có dự án nào do Nhà nước đầu tư xây dựng hoặc do DN, hợp tác xã, hộ gia đình bỏ vốn đầu tư. Các dự án nhà ở xã hội phần lớn nằm tại khu vực đô thị và khu công nghiệp đều được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách, gồm 6 dự án, dự kiến cumg ứng 2.549 căn hộ, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 10.000 người. Hiện đã có 3 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, đáp ứng một phần nhu cầu về nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách về nhà ở xã hội trên địa bàn TP, 3 dự án đang tiếp tục được triển khai xây dựng.

Ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, thông tin: Với chỉ tiêu hoàn thành 9.100 căn nhà ở xã hội (giai đoạn 2022-2025 là 4.100 căn và giai đoạn 2026-2030 là 5.000 căn), Cần Thơ đã đăng ký với Bộ Xây dựng sẽ hoàn thành 2 dự án với số lượng 1.535 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024. Qua rà soát, đến hết 31-12-2023 TP.Cần Thơ đã hoàn thành 847 căn, cùng với mục tiêu là hoàn thành thêm 1.535 căn thì đến hết năm 2024, Cần Thơ sẽ hoàn thành 2.382 căn nhà ở xã hội, đạt khoảng 58,1% so với chỉ tiêu do Thủ tướng giao trong giai đoạn 2021-2025. Phần còn lại 1.718 căn, TP có kế hoạch triển khai cụ thể trong năm 2025:

“TP yêu cầu các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại khẩn trương triển khai xây dựng nhà ở xã hội thuộc quỹ đất 20% theo đúng quy định. Triển khai đến tất cả các chủ đầu tư về chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ, với tổng gói tín dụng là 30.000 tỷ đồng… Nhu cầu về nhà ở xã hội trên địa bàn TP rất lớn so với các dự án đã và đang đầu tư. Công tác tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND TP và UBND TP được thực hiện kịp thời, đúng trình tự thủ tục, căn cứ pháp lý, đúng thẩm quyền, nội dung của văn bản phù hợp với quy định pháp luật và điều kiện thực tế của địa phương, tạo hành lang pháp lý cho công tác quản lý nhà ở và thị trường bất động sản đi vào nề nếp, thúc đẩy kinh tế phát triển, tạo sự ổn định về chính trị, xã hội tại địa phương” – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ khẳng định.

Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ

Tuy nhiên, công tác phát triển, quản lý nhà ở xã hội trên địa bàn TP trong thời gian qua còn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục như: Thực tiễn công tác kiểm tra thông tin theo thẩm quyền đối tượng đã có nhà ở, đất ở đang gặp khó vì chưa có hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nên dễ dẫn đến bỏ sót thông tin đối với người đăng ký mua, thuê nhà ở xã hội mà đã có nhà ở, đất ở trên địa bàn. Các hoạt động giao dịch chưa được quy định cụ thể của pháp luật, khi phát sinh TP rất lúng túng trong công tác quản lý như đặt cọc, giữ chỗ… thường theo hình thức tự nguyện giữa đôi bên nhưng thực chất bên nhận đặt cọc, giữ chỗ chưa đảm bảo pháp lý đối với tài sản (cụ thể là chưa có pháp lý đầy đủ về nhà ở, đất ở)…

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại nhiều dự án còn chậm hoặc gặp khó khăn trong quá trình thực hiện dẫn đến chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra… Việc đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội mang lại lợi nhuận không cao, thu hồi vốn kéo dài, việc thực hiện quy trình xét duyệt đối tượng, trình phê duyệt giá bán, giá cho thuê và thực hiện bán, cho thuê nhà ở còn nhiều bước, hồ sơ thủ tục phức tạp nên chưa thu hút được sự quan tâm của các DN kinh doanh bất động sản.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở ngành liên quan đã có nhiều kiến nghị sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người dân nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới như được đầu tư linh hoạt hơn trong phương án kinh doanh phần 20% diện tích nhà ở xã hội trong dự án thương mại; được điều chỉnh giá bán trong trường hợp vì lý do khách quan, giá vật liệu xây dựng, nhân công… vượt quá dự kiến đầu tư; các DN kiến nghị xem xét có chính sách tăng mức biên lợi nhuận cho chủ đầu tư lên khoảng 12%. Kiến nghị ban hành cơ chế giao đất theo từng đợt đối với phần diện tích đã được bồi thường…

Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đánh giá cao những kết quả đạt được của TP.Cần Thơ trong thời gian qua

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường ghi nhận thời gian qua, TP.Cần Thơ đã lãnh đạo, chỉ đạo vận dụng linh hoạt, có hiệu quả các cơ chế chính sách, giải pháp của Quốc hội, Chính phủ để cải thiện đầu tư kinh doanh. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thống nhất với các nhiệm vụ giải pháp và những kiến nghị của Cần Thơ; đồng thời đề nghị TP tiếp tục rà soát quy định của pháp luật để có những kiến nghị ở nội dung vượt quá thẩm quyền, tăng cường cải cách thủ tục hành chính và trách nhiệm trong thực thi công vụ, tập trung tháo gỡ vướng mắc của các dự án, phân loại các vướng mắc cụ thể để có phương án giải quyết dứt điểm; khẩn trương xây dựng quy định pháp luật liên quan đến các luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 như Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở để chủ động triển khai khi các bộ ngành chuyên môn có thông tư hướng dẫn. Các kiến nghị của TP gồm 6 kiến nghị về thị trường bất động sản và 5 kiến nghị về nhà ở xã hội, đoàn giám sát ghi nhận và sẽ báo cáo với Quốc hội.

Sáng cùng ngày, đoàn đã đến khảo sát tại Dự án Khu đô thị mới An Bình, phường An Bình, quận Ninh Kiều và Dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phường Thường Thạnh – An Phú ECOCITY, thuộc TP.Cần Thơ.

Đan Phượng

Bình luận (0)