Chiều 23- 4-2024, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ chủ trì hội nghị (HN) chuyên đề về "Đẩy mạnh phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2024" .
Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường phát biểu chỉ đạo
Theo ngành chức năng, giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) của TP tính đến ngày 21-4-2024 là 1.943/8.804 tỷ đồng, đạt 22,1% kế hoạch vốn được HĐND thành phố giao, đạt 18,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 1,22 lần về giá trị và tăng 2,3% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2023. Ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án ODA TP.Cần Thơ, thông tin: Dự án Công trình âu thuyền Cái Khế đang đẩy nhanh tiến độ thi công. Dự kiến đến ngày 30-6-2024 công trình hoàn thành, lúc đó hệ thống kè, cống và âu thuyền được khép kín. TP. Cần Thơ sẽ kiểm soát hiệu quả tình trạng ngập lụt tại các khu vực đô thị trung tâm của TP.
Quang cảnh hội nghị
Báo cáo tại hội nghị, ông Võ Nhựt Quang – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, trong số 21 chủ đầu tư cấp TP, có 11 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 20%, 6 chủ đầu tư giải ngân dưới 20% và 4 chủ đầu tư chưa giải ngân được vốn. Trong số 7 dự án được bố trí kế hoạch vốn trên 100 tỷ đồng, có 3 dự án giải ngân trên 20%, đặc biệt là dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng đoạn qua Cần Thơ (dự án thành phần 2) giải ngân đạt hơn 50%. Có 3 dự án giải ngân dưới 20%; trong đó dự án Đường vành đai phía Tây mới giải ngân đạt 0,16%… Ước giá trị giải ngân đến ngày 30/4 đạt 2.150 tỷ đồng, đạt hơn 24% kế hoạch vốn được HĐND thành phố giao và hơn 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng là khó khăn lớn nhất trong quá trình triển khai thực hiện các dự án…. Giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với phát sinh tăng chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư dự án được duyệt, làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng cũng như không thể giải ngân theo kế hoạch.
Ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án ODA TP.Cần Thơ, thông tin về những dự án sẽ hoàn thành trong năm 2024
Ông Huỳnh Thanh Việt – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi trình bày nguyên nhân khiến tiến độ của dự án bị chậm: Địa phương chưa bàn giao hết mặt bằng cho đơn vị thi công (ảnh hưởng các hộ dân, bến đò, nhà máy cưa, băng tải… chưa di dời). Điều kiện thi công bị ảnh hưởng do ảnh hưởng của triều cường dâng cao (nước triều dâng cao vượt mức lịch sử), ảnh hưởng rất lớn đến việc tổ chức thi công các hạng mục mục có cao trình thấp như bản đáy kè, cơ kè, tường kè… từ đầu tháng 9-2022 đến hết năm 2022, hầu như không thể tổ chức thi công các hạng mục trên.
Trong phạm vi xây dựng, đã xảy ra sự cố thiên tai sạt lở làm kéo dài thời gian thực hiện dự án như sạt lở trên tuyến, xảy ra lúc 2 giờ, ngày 8-5-2023; chiều dài đoạn bị sạt lở khoảng 50 mét, lấn sâu vào bờ đoạn lớn nhất khoảng 6,5m; ảnh hưởng nghiêm trọng đến 8 căn nhà trên tuyến. Sạt lở còn làm cho 19 tim cọc kè và 12 tim cọc chân khay bị đẩy nghiêng theo phương ngang về phía lòng sông…
Ông Huỳnh Thanh Việt – Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi trình bày các khó khăn dẫn đến tình trạng chậm tiến độ các dự án
Phát biểu chỉ đạo HN, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường cho rằng: Dù giá trị giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2024 tăng về giá trị và tỷ lệ so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa bền vững, còn nhiều tồn tại, chưa đạt yêu cầu đã đề ra như: Số vốn tạm ứng chiếm tỷ lệ cao (trên 50%) trong tổng số vốn giải ngân, kế hoạch vốn còn lại chưa giao chi tiết là 1.664,058 tỷ đồng (ngân sách địa phương: 1.441,058 tỷ đồng, ngân sách trung ương: 223 tỷ đồng)… Về các khó khăn, ngoài nguyên nhân khách quan như các đại biểu đã nêu, nguyên nhân chủ quan vẫn là yếu tố chính, như: Công tác khảo sát, thu thập số liệu để lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư chưa chuẩn xác, đặc biệt là việc khái toán kinh phí hỗ trợ, bồi thường và tái định cư còn quá thấp so với giá thị trường, dẫn đến khi triển khai thực hiện nhiều dự án có kinh phí bồi thường thực tế tăng rất nhiều so với quyết định đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt, vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Từ đó phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, mất rất nhiều thời gian. Một số chủ đầu tư năng lực hạn chế, chưa lường hết các vướng mắc trong khâu lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật – dự toán, dẫn đến chậm phê duyệt dự án, đấu thầu không kịp theo kế hoạch được duyệt. Tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm, ảnh hưởng đến công tác bàn giao mặt bằng cho một số dự án, nhất là các dự án trọng điểm…
Để đạt hiệu quả cao trong giải ngân vốn ĐTC, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ yêu cầu Giám đốc Sở, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, chủ tịch UBND quận, huyện, thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, chủ dự án, quản lý dự án phải lập kế hoạch cụ thể để triển khai, hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đã bố trí. Kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân làm chậm trễ trong công tác giải ngân vốn ĐTC, thực hiện ngay việc điều chuyển cán bộ, công chức thiếu năng lực. Xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vào cuối năm; không để nợ đọng xây dựng cơ bản.
Giao Giám đốc Sở KH&ĐT kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; kịp thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC hiệu quả. Tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời; định kỳ báo cáo kết quả giải ngân của từng chủ đầu tư, đánh giá kết quả thực hiện so với nội dung đã cam kết, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể đối với các trường hợp chậm giải ngân, chưa thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố:
“Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và chủ tịch UBND quận, huyện chủ động đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, tập trung nguồn lực cho bộ phận thực hiện nhiệm vụ này; chủ động đối thoại với người dân bị ảnh hưởng, trường hợp khó khăn, vướng mắc phải báo cáo kịp thời cho UBND thành phố để chỉ đạo thực hiện. Tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thực hiện, nhất là các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường nguồn lực cho các đơn vị có khối lượng công việc lớn, tồn đọng nhiều… Giao Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, trên cơ sở kết quả thực hiện giải ngân của các chủ đầu tư trong năm 2024 (có tỷ lệ giải ngân dưới 95%), tiếp tục đề xuất đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị và người đứng đầu năm 2024. Đặc biệt, không xem xét thi đua, khen thưởng tổ chức, cá nhân phụ trách có tỷ lệ giải ngân dưới 95% của đơn vị” – người đứng đầu UBND thành phố nhấn mạnh.
Đan Phượng
Bình luận (0)