Sự kiện giáo dụcTin tức

Cần Thơ: Hỗ trợ doanh nghiệp thực phẩm phục hồi

Tạp Chí Giáo Dục

Theo VCCI Cần Thơ, năm 2020, tại ĐBSCL có hơn 1.700 doanh nghiệp (DN) tạm ngưng kinh doanh có thời hạn; 2.600 DN tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hơn 1.000 DN đã giải thể, trong đó DN lĩnh vực thực phẩm chiếm phần lớn.

Để hỗ trợ và góp phần giúp các DN phục hồi sản xuất, kinh doanh hậu Covid-19, Viện Kinh tế – xã hội TP.Cần Thơ vừa kết hợp các sở ngành liên quan tiến hành khảo sát và tập huấn cho hệ thống DN ngành thực phẩm Cần Thơ về những điểm mới của Luật DN 2020, bổ sung kiến thức pháp lý và những quy định tác động trực tiếp đến DN. Đồng thời tổ chức hội thảo tìm giải pháp tháo gỡ những điểm nghẽn trong chính sách, giúp các DN phục hồi và phát triển, trong đó điểm nhấn là cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Ông Bùi Minh Trung – Phó Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch – Đầu tư Cần Thơ  – cho biết:  “Đến nay TP.Cần Thơ đã đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công TP, tất cả các thủ tục hành chính đều được tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công và cung cấp theo mô hình dịch vụ công từ mức độ 2 đến mức độ 4. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục duy trì và mở rộng. Qua đó giúp DN giảm thời gian đi lại…”.

Theo lãnh đạo Cần Thơ, TP sẽ kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh phân công trách nhiệm về quản lý an toàn thực phẩm giữa Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT để tránh chồng chéo, đảm bảo kiểm soát theo chuỗi, tương đương với các tổ chức thế giới. Về phía địa phương, ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính thì vấn đề sản xuất rau, củ quả an toàn và đảm bảo truy xuất nguồn gốc cũng cần được các bên liên quan thực hiện tốt. Đối với các DN cần đẩy mạnh đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động; Chuyển đổi sản phẩm chủ lực và tìm thị trường mới cho nguyên liệu đầu vào. Các sở ngành sẽ tổ chức những lớp tập huấn cho nhà vườn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và đẩy mạnh tuyên truyền cho người tiêu dùng về quy tắc vệ sinh an toàn thực phẩm…

Được biết, trong Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021-2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nêu rõ: “Đến năm 2030, giá trị kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 8-10 tỷ USD, trong đó tỷ trọng giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm rau quả chế biến đạt 30% trở lên, công suất chế biến rau quả đạt 2 triệu tấn sản phẩm/năm, gấp 2 lần so với năm 2020”. Đề án nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn và mở hướng vươn xa cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm nói chung, rau củ quả nói riêng. Chẳng hạn tại TP.Cần Thơ, một trong những địa phương sản xuất rau quả trọng điểm của cả nước, các nhà vườn đã nhiều lần kiến nghị Quốc hội có biện pháp giúp tiêu thụ mặt hàng nông sản này.

Theo số liệu của Ban Quản lý dự án “Kiến tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thúc đẩy DN trong hệ thống thực phẩm TP.Cần Thơ nâng cao hiệu quả sản xuất; cung cấp thực phẩm có giá trị dinh dưỡng và hàm lượng giá trị gia tăng cao trong điều kiện ảnh hưởng bởi Covid-19” do Chính phủ Australian tài trợ, Viện Kinh tế – xã hội TP.Cần Thơ thực hiện, qua khảo sát từ 140 DN kinh doanh thực phẩm cho thấy: hơn 70% loại thực phẩm trong danh mục sản phẩm kinh doanh là từ trái cây tươi, rau củ quả và các sản phẩm chế biến. Về nguồn cung ứng sản phẩm cho DN, nhiều nhất là từ nhà bán sỉ (33,6%), kế là từ các nguồn khác (22,1%), từ người thu gom, thương lái và trực tiếp từ nông dân đều chiếm 21,4%. Điều này cho thấy thị trường thực phẩm Cần Thơ vẫn còn giản đơn, chưa phát triển.

Đ.Phưng

Bình luận (0)