Ngày 27-6-2025, sau khi các thí sinh thi các môn tự chọn vào buổi sáng (đối với thí sinh Chương trình GDPT 2018), và môn ngoại ngữ vào buổi chiều (đối với thí sinh Chương trình giáo dục 2006), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 của TP.Cần Thơ đã kết thúc tốt đẹp.
Trong ngày thi đầu tiên, nếu môn ngữ văn được nhiều thí sinh đánh giá là “dễ thở” thì môn toán thi vào buổi chiều lại có tính phân loại cao, ngay từ những câu đầu tiên đã phải vận dụng nhiều kiến thức mới có thể tìm lời giải. Cấu trúc đề thi theo chương trình mới năm 2018 có nhiều thay đổi so với chương trình cũ, ngoài phần trắc nghiệm còn có phần đúng, sai đòi hỏi thí sinh phải mất thời gian suy nghĩ, tính toán nhiều hơn. Riêng ở phần 3 là những câu hỏi khó, dành cho những bạn có học lực khá trở lên.

Tuy nhiên, không ít thí sinh vẫn đánh giá đề thi vừa sức. Em Nguyễn Huỳnh Hải Long, điểm thi THPT chuyên Lý Tự Trọng cho biết, sau khi đối chiếu với đáp án được phổ biến trên mạng, em chỉ làm sai 1 câu ở phần đúng – sai. Long nhận xét: Đề toán trải dài suốt chương trình THPT. Đa số câu khó thuộc về xác suất thống kê và hình học. Để làm những câu khó, em giải theo cách tự luận. Với những câu hỏi mang tính thực tiễn, gắn với đời sống như: app quản lý tin nhắn quảng cáo trên điện thoại, lượng thuốc tồn dư trong nước trong ngành nuôi trồng thủy sản, bài toán tối ưu trong kinh tế hay bài toán tính thể tích của một vật trang trí… em kết hợp kiến thức với tư duy logic, tổng hợp các kiến thức để làm bài”.

Hội đồng thi (HĐT) kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 (Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Cần Thơ) cho biết: Toán là môn có thí sinh vắng nhiều nhất: 49 thí sinh. Trong đó có 1 học sinh bệnh phải nhập viện trước ngày thi, điểm thi sẽ nghiên cứu làm thủ tục xét đặc cách cho em này. Có 2 thí sinh do việc cá nhân xin nghỉ không tham gia kỳ thi và rời khỏi địa phương (nhà trường đã vận động nhiều lần nhưng không được), 5 học sinh thuộc diện miễn thi. Một số học sinh vừa học cao đẳng, vừa học văn hóa, đã được công nhận hoàn thành chương trình văn hóa trong trường cao đẳng và không có nhu cầu thi tốt nghiệp THPT.
Ngày thi thứ 2 với các môn tự chọn (Chương trình 2018) và bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên/khoa học xã hội (Chương trình 2006) theo hình thức trắc nghiệm (thời gian làm bài mỗi môn thi là 50 phút). Theo đánh giá, đề thi các môn thi sát với chương trình thí sinh đã học và ôn tập, có độ phân hóa cao; nhưng một số môn hơi dài. Trong đó đề thi tiếng Anh là khó nhất: Đề ra theo hướng mới, toàn bộ câu hỏi đều gắn với các đọan văn thay vì các câu hỏi trắc nghiệm ngắn như trước đây. Trọng tâm đề thi không nằm ở việc ghi nhớ ngữ pháp, từ vựng mà lồng ghép với khả năng đọc – hiểu, cách dùng từ, tư duy suy luận và vận dụng vốn từ của thí sinh…

Thí sinh Nguyễn Mỹ Nhiên, điểm thi THPT Châu Văn Liêm, thi môn địa lý và Anh văn, thành thật: “Các câu trắc nghiệm của đề thi ngoại ngữ đều là đọc – hiểu và điền từ. Dạng đề này dù được thầy cô ôn luyện nhưng thời gian không đủ cho em làm hết 40 câu… Môn địa lý có 18 câu trắc nghiệm, 4 câu trắc nghiệm đúng – sai, 6 câu trả lời ngắn. Cấu trúc đề quen thuộc, kiến thức phần lớn nằm trong chương trình lớp 12; nhưng phần đúng – sai hơi khó, nên ngoài kiến thức còn phải cẩn thận, đọc kỹ từng nhân tố. Trong phần trả lời ngắn có những câu phải tính biên độ nhiệt của địa phương, tính năng suất của cao su, tính lượng nước mưa chênh lệch giữa 2 địa phương… Em dự đoán môn địa được hơn 8 điểm”.
Thí sinh Phan Thành Hiển, điểm thi THPT Nguyễn Việt Hồng, thi hóa – sinh, chia sẻ: “Với môn sinh, đề không quá nặng, trọng tâm năm nay thiên nhiều về lý thuyết; và trải dài từ lớp 10 đến 12 trong cả 2 dạng hỏi. Những bài toán trong đề đòi hỏi phải suy luận, nhất là về di truyền. Những câu có tính thực tế phải phân tích sâu như bệnh đái tháo đường, quần thể…

Về môn hóa, theo em, có thể nói là nhẹ nhàng. Dễ kiếm điểm hơn các đề thi em từng làm. Tuy nhiên vấn đề là tránh bị sơ ý sai lỗi nhỏ được gài bên trong các câu trả lời. Ở phần trả lời ngắn là các dạng toán yêu cầu phải vận dụng tư duy, giải quyết từ từ chứ không thể dùng mẹo… Em đã làm hết đề hóa, có thể đạt 10 điểm. Nhìn chung, với 2 môn này, học sinh phải ôn kĩ lý thuyết, nắm chắc kiến thức cơ bản kết hợp giải thêm đề thi thử của các sở GD-ĐT thì có thể lấy điểm 8 trở lên”.
Đối với môn lý, thí sinh nhận xét khá dễ, có nhiều câu cơ bản hơn là nâng cao. Em Trần Minh Trí, điểm thi THPT Châu Văn Liêm cho biết đã làm hết đề thi: “Theo em, đề đơn giản hơn so với đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Chỉ cần nắm chắc kiến thức cơ bản là làm được”.

… Theo báo cáo của HĐT, tỷ lệ thí sinh tham gia thi các môn trong ngày thi thứ hai đạt từ hơn 86% đến 100%. Công tác an ninh, an toàn trong và xung quanh các điểm thi đảm bảo. Không có cán bộ coi thi và thí sinh vi phạm quy chế thi. Công tác xã hội hóa được các điểm thi và địa phương phối hợp, hỗ trợ thí sinh như cấp học bổng cho các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá hơn trăm triệu đồng; cung cấp nước uống và hàng ngàn suất ăn trưa, bố trí chỗ nghỉ và tài trợ dụng cụ học tập… Lực lượng đoàn viên thanh niên luôn túc trực tại các điểm thi để hỗ trợ thí sinh.
Tiến sĩ Nguyễn Phúc Tăng – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ cho rằng: “Để có kỳ thi thành công, an toàn, đúng quy chế như vậy, bên cạnh nỗ lực toàn ngành giáo dục là sự chỉ đạo, quan tâm sâu sát của lãnh đạo TP, sự phối hợp của các sở ngành, giúp kỳ thi không xảy ra sự cố nào.
Về công tác chấm thi, Sở GD-ĐT đã chuẩn bị các điều kiện theo quy định. Bố trí 250 cán bộ – giáo viên tham gia. Ngành công an đã hỗ trợ máy phá sóng để đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho khu vực chấm thi. Theo lịch chung của Bộ GD-ĐT, 8 giờ ngày 16-7, HĐT TP.Cần Thơ công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2025”.
Đan Phượng
Bình luận (0)