Ngày 15-10-2024, UBND TP.Cần Thơ tổ chức cuộc họp báo quý III năm 2024. Tại buổi họp, các cơ quan báo chí đặt nhiều câu hỏi liên quan đến những bức xúc của người dân, trong đó nổi bật là vấn đề hạ tầng giao thông và tình trạng ngập nặng do mưa và triều cường.
Trước câu hỏi của báo chí cho rằng, tình trạng ngập nặng nhiều tuyến đường trong nội ô TP.Cần Thơ do cơn mưa lớn vào chiều ngày 14-10-2024 có phải do đóng hệ thống cống ngăn triều hay không? Ông Bùi Thái Thượng – Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA chia sẻ: Trong cơn mưa, ông cùng đoàn kiểm tra đến khảo sát thực địa, thì các cống ngăn triều đều mở. Mực nước tại các sông đo được là 0,9m trong khi kịch bản để đóng cống là phải từ 1,5m.
Ông Thượng phân tích: Tình trạng ngập các tuyến đường chủ yếu xảy ra ở những nơi có hệ thống cống thoát nước xây dựng trước đây, đến nay chưa cải tạo, dẫn đến việc thoát nước chậm. Riêng 32 tuyến đường mà Ban Quản lý dự án ODA vừa cải tạo hệ thống cống đều thoát nước tốt, nước rút nhanh.
Ông Mai Như Toàn – Giám đốc Sở Xây dựng TP.Cần Thơ giải thích thêm, lượng mưa chiều ngày 14-10 đạt 103mm, có thông tin là 113mm và diễn ra trong 2 giờ. Trong khi quy hoạch hệ thống thoát nước cũ của TP.Cần Thơ, lượng mưa để thoát nước chỉ đáp ứng là 90mm. Như vậy, năng lực thoát nước của TP.Cần Thơ đối với những cơn mưa đột ngột lớn như hôm qua là “thoát không kịp”.
Đồng quan điểm với ông Thượng, ông Toàn cho hay, 32 tuyến mới cải tạo cống thoát nước có 2 trạm bơm thoát nhanh, còn những tuyến đường khác phải từ 1-2 giờ mới thoát nước. “Điều đó cho thấy năng lực thoát nước của TP có vấn đề, cần phải cải thiện trong thời gian tới” – ông Toàn nói.
Trước đó, từ 16 giờ chiều 14-10, cơn mưa lớn xuất hiện làm nhiều tuyến đường trong nội ô TP.Cần Thơ ngập từ 0,2-0,5m… Tình trạng nước ngập sâu khiến nhiều phương tiện chết máy, người dân phải dẫn bộ. Do thời gian mưa diễn ra vào giờ học sinh tan trường nên xảy ra ùn tắc kéo dài một số nơi. Đến 19 giờ cùng ngày, cơn mưa chưa dứt, nhiều khu vực ở nội ô TP.Cần Thơ vẫn ngập sâu. Theo Đài Khí tượng thủy văn TP.Cần Thơ, cơn mưa lớn diễn ra do ảnh hưởng gió đông hoạt động mạnh. Trong 2-3 ngày tới, vẫn có thể xảy ra các cơn mưa lớn vào buổi chiều và tối.
Để khắc phục, ông Bùi Thái Thượng kiến nghị lãnh đạo TP, và các quận nội ô, đặc biệt là quận Ninh Kiều, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) để Ban Quản lý dự án ODA tiếp tục triển khai các dự án cải tạo, kiểm soát ngập lụt, chỉnh trang đô thị, trong đó đầu tư cải tạo hệ thống cống thoát nước cũ sau đó đấu nối với hệ thống thoát nước mới: “Bên cạnh đó các cấp chính quyền cần tuyên truyền để người dân, nhất là các chợ dân sinh, chợ truyền thống, bà con tiểu thương không xả rác xuống ống cống, tránh gây ngập nghẹt đường cống thoát nước của TP” – Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA kiến nghị.
Đối với hạn chế của hạ tầng giao thông, trong đó có đoạn đường dân sinh dọc hai bên cầu Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, khoảng 200m, xuống cấp nặng nhưng 20 năm qua không được đầu tư thảm nhựa để luôn trong tình trạng lởm chởm, đầy ổ voi, ổ gà; đọng nước khi có mưa và bụi mịt mù khi nắng khiến người dân rất bức xúc.
Ông Nguyễn Đăng Khoa – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.Cần Thơ cho biết đường dân sinh cầu Hưng Lợi trước đây do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) đầu tư nằm trong dự án xây dựng đường Nguyễn Văn Linh, cầu Hưng Lợi. Do phát sinh sau nên trong quá trình bàn giao thì không bàn giao đường dân sinh hai bên cầu Hưng Lợi cho TP quản lý. Ông Khoa nhấn mạnh: “TP rất nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT sớm bàn giao đoạn này cho TP để có cơ sở pháp lý duy tu, sửa chữa. Gần đây nhất TP phối hợp với đơn vị quản lý trước mắt sẽ bàn giao đường dân sinh cầu Hưng Lợi phía quận Cái Răng, còn đường dân sinh phía quận Ninh Kiều xin chủ trương là trước mắt tiếp nhận luôn để bố trí vốn đầu tư nâng cấp, phần hồ sơ, thủ tục bàn giao sẽ xử lý sau.
Sở GTVT sẽ triển khai trong quý 4 để hoàn tất thủ tục tiếp nhận, nhằm đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị”.
Liên quan vấn đề này, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ – yêu cầu: “Trước mắt địa phương phải giặm vá đoạn đường này, về lâu dài phải có kế hoạch sửa chữa, nâng cấp cho hoàn thiện… NGƯỜI dân đã phản ảnh 20 năm rồi mà không làm thì sở tham mưu để chúng ta triển khai thực hiện chứ không thể để như thế”.
Cũng tại quận Ninh Kiều, tuyến đường Trần Phú được đầu tư nâng cấp, thảm nhựa rất đẹp nhưng còn khoảng 100m đường không nâng cấp rồi lại phân làn 2/3 đường, chừa lại 1/3 đường. Nhiều thời điểm đoạn đường này xuống cấp khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn và ảnh hưởng thẩm mỹ cả tuyến đường.
Ông Nguyễn Ngọc Ánh – Phó Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều – cho biết dự án mở rộng đường Trần Phú bị treo một thời gian khá dài là do vướng khâu giải phóng mặt bằng. Hiện chưa có sự đồng nhất trong các chính sách giải phóng mặt bằng với quy định tại Luật Xây dựng: “Theo chính sách giải phóng mặt bằng, diện tích đất còn lại của các hộ dân dưới 15m2 thì thu hồi, quản lý đất công, đối với diện tích đất còn lại của hộ dân trên 15m2 thì không bố trí tái định cư cũng không thu hồi của dân như trường hợp dưới 15m2. Theo Luật Xây dựng thì không được cấp phép xây dựng, không được tái định cư nên vướng. Quận đã tiến hành thống kê để phân tích từng trường hợp nhằm có hướng giải quyết nhưng còn 17 trường hợp có diện tích đất trên 15m2 không đủ điều kiện cấp phép xây dựng lại chưa có hướng giải quyết cụ thể. Quận đang đợi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Xây dựng mới được sửa đổi và văn bản hướng dẫn các luật này để xử lý” – ông Ánh trình bày.
Đối với tiến độ xây dựng các dự án giao thông trọng điểm, trong đó có dự án đường Vành đai phía Tây TP.Cần Thơ (nối Quốc lộ 91 đến Quốc lộ 61C), mà đông đảo người dân quan tâm, ông Nguyễn Đăng Khoa – Phó Giám đốc Sở GTVT thông tin: Dự án đang triển khai thi công 4/7 gói thầu. Còn lại 3 gói thầu chưa đấu thầu do vướng khâu giải phóng mặt bằng và đang chờ điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Trong phát biểu kết luận, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Cần Thơ nhấn mạnh: “Đối với những vấn đề báo chí quan tâm đặt ra mà chưa được trả lời, thông tin tại buổi họp báo, đề nghị sở, ban, ngành và cơ quan, đơn vị liên quan ghi nhận và tiếp tục trả lời đầy đủ bằng văn bản. Trên cơ sở những ý kiến tại cuộc họp báo hôm nay, tôi đề nghị: Giao Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy kịp thời định hướng tuyên truyền hoạt động báo chí. Theo dõi, đôn đốc các cấp, các ngành về việc xử lý kịp thời các vấn đề báo chí nêu.
Sở, ban, ngành TP và cơ quan, đơn vị quan tâm và tập trung chỉ đạo kiểm tra và giải quyết dứt điểm các vụ việc báo chí phản ánh; báo cáo UBND TP kết quả thực hiện và đề xuất những nội dung vượt thẩm quyền”.
Đan Phượng
Bình luận (0)