Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần Thơ: Khó khăn đang đợi… nhà trường

Tạp Chí Giáo Dục

Dãy phòng học tạm của Trường THPT Hà Huy Giáp, huyện Cờ Đỏ sẽ rất khó có kinh phí để sửa chữa nâng cấp

Sở GD-ĐT Cần Thơ vừa có công văn yêu cầu hơn 300 trường phổ thông các cấp trên địa bàn nghiêm túc thực hiện tinh thần Thông tư 55 của Bộ GD-ĐT về việc ngưng quyên góp các khoản ủng hộ từ cha mẹ học sinh. Nếu trước đây thành viên ban đại diện cha mẹ học sinh (ĐDCMHS) thường xuyên đến trường, kết hợp BGH lên kế hoạch tăng cường cơ sở vật chất, sửa chữa nhỏ hoặc bàn một kế hoạch nào đó nhằm góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, thì bây giờ không còn. Sợi dây liên lạc giữa nhà trường và ban ĐDCMHS hiện nay trở nên lỏng lẻo.
Xoay xở thế nào khi nhiều khoản hỗ trợ bị cắt?
Tại quận Ninh Kiều, mọi năm, khi Trường Mầm non Vành Khuyên tổ chức Hội thi giáo viên làm đồ dùng dạy học, quỹ hội đều dành một phần kinh phí để mua vật liệu và khen thưởng, năm nay không có kinh phí hỗ trợ nên các phần thưởng chỉ mang tính tượng trưng. Tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, thầy Võ Thành Tâm, Hiệu trưởng nhà trường, lo âu: “Không biết năm học tới lấy nguồn đâu trả lương cho cô giám thị hợp đồng và một nhân viên tạp vụ tăng cường? Rồi tiền đâu để các câu lạc bộ học thuật tổ chức sinh hoạt?…”. Tại Trường THCS chuẩn quốc gia Lương Thế Vinh  – lá cờ đầu về chất lượng đối với bậc THCS của Cần Thơ – BGH cũng tỏ ra băn khoăn: “Kinh phí đâu để thay bóng đèn, quạt máy cho các phòng học? Khi nhà vệ sinh bị ngập nghẹt do triều cường dâng cao thì tiền đâu sửa chữa? Thầy Trương Văn Lữ, Phó hiệu trưởng nhà trường, tâm tư: “Từ trước tới nay quỹ hội hầu như chỉ chi cho hoạt động chăm sóc, tạo điều kiện học tập cho HS. Chúng tôi không thu bất cứ khoản đóng góp nào của HS trong việc tổ chức dạy 2 buổi, phụ đạo HS yếu, bồi dưỡng HS giỏi, hoặc các hoạt động thi cử… Nhưng trường rất cần kinh phí khen thưởng HS giỏi nhằm động viên các em, mà hàng năm riêng khoản này phải cần hơn 70 triệu đồng. Trong khi theo qui định mới, phụ huynh đóng góp tự nguyện, như vậy người đóng ít, người đóng nhiều, thậm chí có người không đóng, vậy làm sao có đủ kinh phí hoạt động? Trường chúng tôi không có nhân viên tạp vụ, ban ĐDCMHS đứng ra hợp đồng hai nhân viên và trả lương 1.500.000 đồng/người. Họ lo toàn bộ khâu vệ sinh của trường, HS không phải làm bất cứ việc gì, dành toàn bộ thời gian cho việc học. Nay không còn nguồn quỹ, nề nếp, phong trào, bộ mặt, cảnh quan nhà trường sẽ ra sao?”… Tại Trường Mầm non Tây Đô, là trường chuẩn quốc gia đồng thời là trường trọng điểm của bậc mầm non Cần Thơ nên được ngành chủ quản đầu tư trang bị nhiều phương tiện phục vụ công tác đổi mới giáo dục mầm non. Nhưng chính vì vậy nên trường rất cần kinh phí tu sửa, bảo dưỡng. Chẳng hạn năm học 2010-2011 quỹ hội hỗ trợ 210 triệu đồng làm công trình trồng cây che bóng mát để trẻ sinh hoạt ngoài trời, cải tạo hòn non bộ, tặng 2 bộ máy vi tính, 1 máy in trắng đen, 1 máy in màu, trang bị mỗi lớp 5 cây quạt, sửa chữa hồ bơi; hỗ trợ các phong trào, hội thi của thầy và trò, quà cho HS và cô giáo dịp lễ, Tết, khen thưởng những cô giáo có thành tích, hỗ trợ trường hóa chất cloramin để thường xuyên tẩy rửa lớp học, dụng cụ sinh hoạt, đồ chơi cho HS, góp phần giúp trường không có cháu nào bị bệnh tay chân miệng… Hiệu trưởng nhà trường Đoàn Thị Nguyệt Ánh lo lắng: “Mọi việc làm của hội đều bàn bạc, lấy ý kiến thống nhất của tất cả phụ huynh HS. Kinh phí hoạt động đều công khai, minh bạch. Bây giờ nếu chờ sự tự nguyện của từng phụ huynh, trường sẽ gặp khó vì phải thông qua phát động, rồi chờ đợi sự đóng góp, không chỉ mất thời gian mà quỹ sẽ không đủ kinh phí đáp ứng kịp thời cho kế hoạch đề ra. Chúng tôi không thể chủ động trong các hoạt động nhằm góp phần nâng cao chất lượng nuôi dạy trẻ”… Vấn đề mà BGH các trường băn khoăn nhất là không biết đầu năm học tới lấy kinh phí đâu để quét vôi, tu sửa  nhà trường, chuẩn bị cho ngày khai giảng? 
Cần cơ chế để tháo gỡ
Thực tế hiện nay, ở vài trường đã xảy ra tình trạng một số thành viên xin rút khỏi ban ĐDCMHS vì cảm thấy vai trò của mình hầu như không còn cần thiết cho hoạt động nhà trường. Mặt khác, do không có nguồn chi nên ai muốn làm thành viên ban ĐDCMHS thì phải có kinh tế khá giả, mới đủ khả năng tự chi trả khi tham gia các hoạt động của nhà trường, cho dù đó là Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, bởi khi nhà trường mời dự không lẽ ban ĐDCMHS đến tay không?… Ông Trần Văn Thiếu, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ninh Kiều, băn khoăn: “Thông tư 55 nhằm khắc phục tình trạng lạm thu, đây là mặt hợp lý. Tuy nhiên đi vào áp dụng trong thực tế thì rất khó khăn bởi thật không thuận lợi cho hoạt động ban ĐDCMHS nếu chỉ căn cứ vào việc kêu gọi sự tự nguyện đóng góp của phụ huynh HS. Chúng tôi đang lúng túng về hình thức vận động; phải làm như thế nào để có hiệu quả? Quận Ninh Kiều đã và đang xây mới hoặc nâng cấp nhiều công trình trường học. Nếu không có hỗ trợ kinh phí của phụ huynh HS thì các trường rất khó trong công tác bảo quản, duy tu, giữ gìn trường lớp sạch đẹp, không bị xuống cấp”.
Để tránh tình trạng lạm thu, rất cần UBND TP.Cần Thơ đề ra mức thu nhất định đối với phụ huynh từng cấp học, tùy theo vùng miền, có miễn giảm cho phụ huynh nghèo. Ông Nguyễn Hoàng Thông (ban ĐDCMHS Trường Mầm non Vành Khuyên), quận Ninh Kiều, phân tích: “Không có nguồn quỹ nhất định, không dự trù rủi ro, ban ĐDCMHS rất khó lên kế hoạch nhằm hỗ trợ trường. Trong thực tế, mọi hoạt động nếu không có kinh phí thì không thể làm được. Cũng không thể mọi chuyện đều trông chờ mạnh thường quân. Chẳng hạn những trường thuộc vùng khó khăn lấy đâu ra mạnh thường quân để hỗ trợ? Nên chăng Bộ GD-ĐT và lãnh đạo các cấp qui định mức đóng góp cụ thể đối với phụ huynh nhằm giúp hội có đủ kinh phí để góp phần giúp trường nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dạy các cháu”. Kiến nghị trên cũng là điểm chung của ban ĐDCMHS hơn 300 trường phổ thông các cấp của TP.Cần Thơ. Ông Phạm Tấn Thế (Trưởng ban ĐDCMHS Trường THCS Lương Thế Vinh, quận Ninh Kiều) phân trần: “Trước đây có mức thu, trước ngày khai giảng chúng tôi biết mình có bao nhiêu tiền trong quỹ để lập kế hoạch hoạt động hỗ trợ nhà trường. Kế hoạch này thực hiện suốt năm học. Bây giờ phải chờ nhập học, rồi các lớp thu bao nhiêu tiền, rồi trích cho quỹ hội… Hoạt động của ban ĐDCMHS hoàn toàn bị động và nguồn quỹ sẽ rất hạn hẹp vì mức thu khác nhau, hội rất khó có điều kiện hỗ trợ hiệu quả cho nhà trường như trước đây”.
Nhiều ban ĐDCMHS ở các trường đặt vấn đề: Trong tình hình Nhà nước còn nhiều khó khăn, vậy khi bóng đèn, quạt máy, máy vi tính dạy công nghệ thông tin, nhà để xe… bị hư; nhà cầu ngập nghẹt, cửa sổ, bàn ghế hỏng hóc… tiền đâu có ngay để sửa? Cuối cùng người phải gánh chịu vẫn là HS.
Bài, ảnh: Đan Phượng
Ông Trần Văn Thiếu, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ninh Kiều, cho biết: “Chúng tôi có văn bản trình UBND quận đề nghị điều tiết kinh phí sự nghiệp hàng năm cho các trường để tu sửa, bảo quản trường lớp nhưng cách làm này cũng gặp khó vì mức kinh phí này không đủ chi, ngoài ra kinh phí bây giờ bị xé nhỏ nên quận không thể tập trung đầu tư cho các công trình lớn, trọng điểm, không thể đáp ứng điều kiện trang thiết bị đối với số trường đang chuẩn bị để được công nhận chuẩn quốc gia”…
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)