Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần Thơ: Lễ khánh thành các công trình xây dựng thuộc dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 30-10-2022, Trường Đại học Cần Thơ (ĐHCT) long trọng tổ chức lễ khánh thành 02 công trình: Khu Phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu và Phòng thí nghiệm công nghệ cao, thuộc dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ.


Ngài Watanabe Shige – Phó Đại sứ  Nhật Bản  tại Việt Nam, kỳ vọng: 2 công trình sẽ góp phần nâng cao chất lượng trong các lĩnh vực hoạt động của ĐHCT

Đến dự có ngài Watanabe Shige – Phó Đại sứ  Nhật Bản  tại Việt Nam; đại diện Bộ Khoa học – Công nghệ. Về phía TP.Cần Thơ, Chủ tịch UBND thành phố  Trần Việt Trường và đại diện các sở, ban ngành đã đến chia vui với thầy trò của trường.

Dự án “Nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ” có tổng vốn là 12.306 triệu Yên Nhật, tương đương 2.250 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA là 10.456 triệu Yên (tương đương 1.912 tỷ đồng), vốn đối ứng từ nguồn thu hợp pháp của Trường ĐHCT, là 1.850 triệu Yên, tương đương 338 tỷ đồng. Dự án bao gồm 05 hợp phần chính:  Phát triển nguồn nhân lực. Thực hiện các dự án nghiên cứu.  Xây dựng cơ sở vật chất. Đầu tư trang thiết bị và Dịch vụ tư vấn. Trong hợp phần xây dựng cơ sở vật chất có hai hạng mục xây dựng là: Khu Phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu và Phòng thí nghiệm công nghệ cao.

Hai công trình trên chính thức khởi công vào dịp kỷ niệm ngày Nhà Giáo Việt Nam 20-11-2019. Công trình Khu phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Đô thị UDIC thi công và Công trình Phòng thí nghiệm Công nghệ Cao do Nhà thầu Liên danh Tổng Công ty Thành An – Tổng Công ty 789 thi công.


Ban giám hiệu trường ĐHCT tặng hoa các nhà thầu thi công và đơn vị tư vấn

Qua gần ba năm xây dựng với nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng với nỗ lực, sự phối hợp làm việc giữa đơn vị tư vấn, nhà thầu và đặc biệt là sự hỗ trợ của các Bộ ngành và nhà tài trợ JICA, dự án đã triển khai đúng thiết kế, đạt chất lượng và thẩm mỹ cao.

Công trình Khu phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu và Tòa nhà phòng thí nghiệm công nghệ cao có 147 phòng thí nghiệm (PTN) hiện đại, 78 phòng làm việc, 69 phòng nghiên cứu 47 phòng học chất lượng cao, phòng Seminar, 02 Hội trường sức chứa lần lược 154 và 200 chỗ… Hai tòa nhà sẽ hiện thực hóa không gian và định hướng dạy học, nghiên cứu chuyên sâu, với những điều kiện tối ưu cho đội ngũ giảng viên và người học không ngừng nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, liên kết đào tạo, là điểm nhấn quan trọng trong công cuộc góp phần nâng tầm Trường Đại học Cần Thơ trở thành trường đại học xuất sắc, đạt chuẩn quốc tế trong thời gian tới.


Nghi thức cắt băng khánh thành Khu Phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu

Phát biểu tại buổi Lễ, GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐHCT, xúc động: “Đây là hai công trình có quy mô lớn nhất của Trường ĐHCT đến thời điểm hiện tại, với lối kiến trúc hiện đại, góp phần làm cho trường ngày càng tươi đẹp, đủ tiện nghi hơn để phục vụ việc giảng dạy, học tập, NCKH và sinh hoạt của toàn thể thầy cô giáo, viên chức – người lao động và người học của trường; đồng thời đánh dấu sự phát triển vững mạnh của trường theo tinh thần kết luận số 28-KL/TW, ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị là xây dựng và phát triển Trường ĐHCT trở thành đại học xuất sắc,  ngang tầm với các trường đại học trong khu vực và thế giới”.

Dự án nâng cấp Trường Đại học Cần Thơ (Can Tho University Improvement Project) sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA),  triển khai thực hiện từ tháng 10 năm 2015 đến tháng 10 năm 2022.

Mục tiêu tổng quát của dự án là: Nâng cấp Trường ĐHCT thành trường đại học xuất sắc, được quốc tế công nhận trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan, góp phần phát triển KT-XH, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông nghiệp và thủy sản ở vùng ĐBSCL. Tăng cường năng lực để Trường ĐHCT có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, môi trường và các lĩnh vực liên quan.

GS.TS Hà Thanh Toàn cho biết: Sau 7 năm triển khai, dự án nâng cấp Trường ĐHCT đã đạt  nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể: Hợp phần phát triển nguồn nhân lực: Có 36 giảng viên hoàn thành chương trình tiến sĩ; 09 viên chức hành chính tốt nghiệp chương trình thạc sĩ và 53 giảng viên tham gia nghiên cứu ngắn hạn tại các Trường Đại học Nhật Bản. Viên chức hoàn thành chương trình đào tạo trở về công tác tại trường với vị trí phù hợp chuyên ngành được đào tạo, đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho các lĩnh vực hoạt động của trường.


Đại biểu tham quan công trình (từ trái vào: Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường,  GS.TS Hà Thanh Toàn – Hiệu trưởng Trường ĐHCT, ngài Watanabe Shige – Phó Đại sứ  Nhật Bản  tại Việt Nam)

Hợp phần thực hiện các dự án nghiên cứu: Tất cả 36 chương trình nghiên cứu đã nghiệm thu theo đúng kế hoạch và được đánh giá đạt 100%. Các chương trình nghiên cứu thuộc dự án đã xuất bản trên 600 bài báo trên các tạp chí và hội thảo quốc tế thuộc danh mục Scopus và  ISI; phát triển 69 quy trình, công nghệ mới; đăng ký 27 hồ sơ phát minh sáng chế; xuất bản 97 quyển sách chuyên khảo… Các chương trình nghiên cứu thuộc dự án đã tạo nền tảng góp phần xây dựng  những nhóm nghiên cứu mạnh, gắn kết sâu rộng với mạng lưới nghiên cứu khoa học quốc tế, đặc biệt là với các nhà khoa học từ các trường đại học đối tác Nhật Bản.

Hợp phần thiết bị nghiên cứu:  Trong năm 2019, dự án đã hoàn tất công tác lắp đặt và đưa vào sử dụng các thiết bị nghiên cứu cơ bản cho 24 phòng thí nghiệm. Đồng thời mua  sắm thiết bị cho phức hợp phòng thí nghiệm nghiên cứu và  "Mua sắm thiết bị cho phòng thí nghiệm công nghệ cao" với tổng giá trị hơn 400 tỷ đồng, phục vụ các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu, sẽ đưa vào khai thác sử dụng trong năm 2022.

Đan Phượng

Bình luận (0)