Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần Thơ: Nhiều HS “né” học tiếng Anh

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 3-8, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ đã tổ chức Hội nghị tổng kết xây dựng trường điển hình về dạy và học ngoại ngữ theo Đề án ngoại ngữ quốc gia.

Theo đó, sau nhiều năm triển khai, HS của các trường này đạt thành tích cao trong các hội thi như Hùng biện tiếng Anh, Olympic tiếng Anh các cấp, góp phần để TP.Cần Thơ luôn nằm trong số đơn vị dẫn đầu khu vực phía Nam, hoặc khu vực ĐBSCL trong các hội thi tiếng Anh do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp môn tiếng Anh thí điểm 10 năm vừa tổ chức (trước kỳ thi THPT quốc gia 2016 vài ngày) với đề thi của Bộ GD-ĐT, nội dung đề yêu cầu các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, ngữ pháp, 100% HS lớp thí điểm tiếng Anh của THPT Châu Văn Liêm đạt yêu cầu.

Tại hội nghị, các đại biểu cũng nêu ra một số khó khăn trong triển khai đề án, như: Việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường tiêu tốn khá nhiều thời gian học tập của HS, một số phụ huynh không cho con tham gia; đối với bậc trung học, những HS không ưu tiên cho môn ngoại ngữ không tích cực với các hoạt động này. Nhiều hoạt động ngoại khóa tiếng Anh trở nên bị động do trường còn nhiều phong trào như các hoạt động Đoàn, Đội và của các tổ chuyên môn khác. Đặc biệt, theo các trường trung học tham gia chương trình thí điểm, phần lớn phụ huynh chưa “tâm đắc” với chương trình.

Tại Trường THCS Đoàn Thị Điểm, hàng năm tuyển sinh lớp 6 trên 600 HS. Tuy nhiên số HS đăng ký khảo sát để học chương trình thí điểm rất ít: năm 2013 – 142 HS, năm 2014 – 188 HS, năm 2015 – 286. Thầy Võ Thành Tâm, Hiệu trưởng trường, phân tích: “Lý do là HS ở những lớp tiếng Anh thí điểm luôn bị yêu cầu cao hơn về trình độ, dẫn đến điểm bình quân của các em thấp hơn so với các lớp khác trong khi năng lực hơn hẳn. Vì vậy, có những phụ huynh xin cho con ra khỏi lớp tiếng Anh thí điểm”.

Vấn đề càng “rối” hơn ở bậc THPT, HS bắt đầu chuẩn bị cho thi tuyển sinh ĐH. Đa số HS chọn khối A, B nên các em ưu tiên thời gian cho các môn toán, lý, hóa, sinh, không muốn tốn nhiều thời gian cho môn ngoại ngữ (vốn chỉ dành cho khối D và A1). Do vậy, nhiều phụ huynh HS các lớp thí điểm tiếng Anh tại những trường THPT triển khai chương trình thí điểm đã cương quyết xin cho con ra khỏi lớp để học chương trình tiếng Anh bình thường…

Năm học 2016-2017, Trường THPT Nguyễn Việt Hồng được Sở GD-ĐT chọn tham gia mô hình trường điển hình dạy chương trình tiếng Anh thí điểm, nhưng thầy Trần Thanh Tâm – Phó Hiệu trưởng nhà trường – cho biết: “2 năm qua, trường chúng tôi đã dạy chương trình thí điểm ngoại ngữ của Bộ GD-ĐT nhưng số HS theo học không nhiều vì chỉ những em thi khối D và A1 mới học. Năm học này cũng vậy. Tuy chương trình thí điểm, HS được rèn luyện các kỹ năng và năng lực cao hơn chương trình thường, nhưng để rõ ưu điểm này cần có điểm số cụ thể trong đánh giá, kiểm tra. Tôi đề nghị nên cộng điểm cho HS lớp tiếng Anh thí điểm, giống như chương trình tiếng Pháp tăng cường đã thực hiện”.

Từ thực tế của các trường, bà Trần Hồng Thắm – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ – chỉ đạo Phòng Giáo dục trung học sở tìm giải pháp khả thi, thích hợp để dung hòa giữa việc thực hiện đề án ngoại ngữ với các vấn đề khác trong nhà trường, đặc biệt cần có giải pháp để khuyến khích HS các khối thi của bậc THPT đều có thể học được chương trình. Bà Thắm nhấn mạnh: “Chủ trương của ngành GD-ĐT Cần Thơ là tiếp tục đẩy mạnh phong trào dạy ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh trong nhà trường. Tôi đề nghị ban giám hiệu và các thầy, cô giáo tiếp tục tuyên truyền, tư vấn để phụ huynh và HS hiểu đầu tư tốt cho môn tiếng Anh khi học phổ thông sẽ giúp HS học tốt bậc ĐH cũng như tìm việc làm, và có nhiều cơ hội nhận được học bổng du học của các nước tiên tiến”.

Đan Phượng

Bình luận (0)