Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần Thơ: Nỗ lực đem lại chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Đến nay, tất cả các trường học trên địa bàn TP.Cần Thơ đều duy trì công tác phòng chống dịch Covid-19. Tại các trường, cán bộ-giáo viên-nhân viên và học sinh đều rửa tay với nước sát khuẩn trước khi vào khuôn viên trường. Học sinh được nhắc nhở rửa tay sau khi học môn thể dục và tham gia các hoạt động ngoài trời…


Học sinh lớp 12 Trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai) trong một tiết học

Bên cạnh đó, một số trường duy trì việc đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào khuôn viên trường. Lãnh đạo các trường cho biết: Do có kinh nghiệm từ năm học trước, công tác phòng chống dịch Covid-19 và tổ chức dạy học trực tuyến năm học 2020-2021 dễ thở hơn, việc thực hiện chương trình năm học có nhiều thuận lợi. Là trường THPT có quy mô lớn nhất thành phố, Trường THPT Thới Lai (huyện Thới Lai) có 45 lớp với 1.882 học sinh, thầy Nguyễn Hữu Định (Hiệu trưởng nhà trường) cho biết: Để tổ chức học trực tuyến cho học sinh thời gian 1 tuần trước và 1 tuần sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, trường lập thời khóa biểu cho từng môn. Toàn trường thống nhất dùng phần mềm dạy trực tuyến Teamlink và phần mềm Classroom để giáo viên giao bài tập và kiểm tra trực tuyến cho học sinh. Việc sử dụng các phần mềm này rất đơn giản, học sinh có thể dùng qua máy vi tính hoặc điện thoại. Tất cả giáo viên đều tạo nhóm Zalo riêng cho học sinh và phụ huynh. Lợi thế của Teamlink là giáo viên và học sinh có thể trao đổi trực tiếp, tương tác với nhau trong giờ dạy nên thầy cô kiểm soát được việc học của học sinh. Phụ huynh có thể kiểm tra việc học của con qua Zalo. Sau mỗi tiết học, giáo viên vào đường link để đánh giá tiết dạy, số học sinh hiện diện, số học sinh vắng, vào Sổ đầu bài trực tuyến. Những học sinh vắng, hoặc thái độ học không nghiêm túc, nhà trường liên lạc và thông báo cho phụ huynh để uốn nắn kịp thời. Qua các đường truyền, Ban Giám hiệu và Bí thư Đoàn Thanh niên trường có thể “dự giờ” của 45 lớp cùng lúc. Những học sinh không có phương tiện học tập thì vào trường học trong phòng vi tính của trường. Sau thời gian nghỉ vì dịch bệnh, học sinh trở lại trường, Ban Giám hiệu chỉ đạo các thầy cô tổ chức kiểm tra lại phần kiến thức đã dạy bằng trực tuyến. Thầy Nguyễn Hữu Định phấn khởi: “Qua kiểm tra, hầu hết học sinh nắm được kiến thức và làm bài tập tốt. Đối với những em yếu, thầy cô sẽ dành thời gian ra chơi hoặc cuối tiết học để phụ đạo các em”.

Ở cấp tiểu học, nhiều trường có những sáng tạo để đem lại chất lượng giáo dục cho học sinh trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch. Trường Tiểu học Tô Hiến Thành (quận Ninh Kiều) có 18 lớp với 754 học sinh, trong đó khoảng 80% học sinh không có phương tiện học trực tuyến nên các thầy cô soạn và in bài học, bài tập, thông báo qua Zalo (các giáo viên chủ nhiệm đều thành lập nhóm Zalo với phụ huynh của lớp) để phụ huynh đến trường nhận tài liệu về hướng dẫn con học và làm bài. Thầy cô “trực” trong trường suốt tuần để hỗ trợ phụ huynh. Thầy Đoàn Minh Chi (Hiệu trưởng nhà trường) thẳng thắn cho biết: “Đối với đặc trưng tâm sinh lý của học sinh tiểu học, cách học trực tuyến hoặc tự học như của trường làm, thật khó đạt chất lượng, nhất là với những học sinh có gia cảnh khó khăn, cha mẹ không có trình độ. Vì vậy, khi học sinh đi học lại, trường dành tuần lễ đầu tiên để các thầy cô vừa dạy bài mới vừa ôn tập kiến thức cũ cho học sinh. Do 100% học sinh học 2 buổi/ngày nên trường cũng thuận lợi trong việc dạy và phụ đạo”. Trong khi đó, tại những trường học sinh không học 2 buổi/ngày, các thầy cô tranh thủ phụ đạo vào giờ ra chơi hoặc cuối buổi cho số học sinh yếu để các em lấy lại kiến thức cơ bản. Trong 2 tuần dạy học trực tuyến, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT các quận/huyện thành lập nhiều đoàn đến các trường kiểm tra việc tổ chức giảng dạy. Chuyên viên Phòng Giáo dục Trung học của Sở GD-ĐT có mặt xuyên suốt tại các trường THPT để hỗ trợ các trường trong tổ chức dạy trực tuyến hiệu quả. Đến nay việc dạy và học của các trường đã cơ bản đi vào ổn định.

“Dạy và học thực chất, đem lại chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh” là mục tiêu và kim chỉ nam của ngành GD-ĐT TP.Cần Thơ. Bên cạnh đó, mô hình “Trường học điển hình đổi mới” do Sở GD-ĐT chủ trương, ngày càng được nhiều trường thực hiện. Theo đó, học sinh được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm, học kết hợp với hành. Tại nhiều trường, học sinh tự tay trồng, chăm sóc các loại rau củ, quả và hoa kiểng. Sau đó thu hoạch đem bán, sản phẩm của các em không đủ đáp ứng cho “thị trường” vì chất lượng và đảm bảo sản xuất sạch. Nhiều câu lạc bộ học thuật, khoa học được thành lập. Nhiều học sinh ứng dụng giáo dục STEM sáng tạo sản phẩm tham gia và đạt giải cao tại các Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật thành phố và Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng các cấp. Nguyên lý và mục đích của mô hình “Trường học điển hình đổi mới” rất sát với mục tiêu của chương trình đổi mới sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT nên Cần Thơ có nhiều thuận lợi khi triển khai thay sách giáo khoa lớp 1. Đến nay, qua kiểm tra, các trường tiểu học trên địa bàn đều thực hiện rất tốt chương trình đổi mới và đang chuẩn bị cho chương trình thay sách giáo khoa lớp 2 với tâm thế vững vàng.

Những chủ trương đúng đắn này giúp sự nghiệp GD-ĐT của thành phố ngày càng đạt thành quả mới: Số học sinh giỏi các cấp ngày càng tăng. Trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm học 2020-2021, có 30 học sinh đạt giải, trong đó 2 giải nhất là 2 bài thi có điểm số cao nhất so với cả nước. Một học sinh được vào vòng dự thi chọn đội tuyển quốc gia môn sinh để tham gia kỳ thi quốc tế. Đây là kết quả cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực và đứng thứ 4 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Và dù còn non trẻ trong triển khai giáo dục STEM nhưng với những hiệu quả đạt được, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ được Bộ GD-ĐT chọn để báo cáo điển hình về thực hiện giáo dục STEM trong nhà trường tại Hội nghị do bộ tổ chức vào tháng 3 này. TS. Trần Hồng Thắm (Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ) chia sẻ: “Bên cạnh việc đảm bảo trang bị chuẩn kiến thức cho học sinh, công tác an toàn trường học được ngành đặc biệt quan tâm. Sở GD-ĐT đã hướng dẫn 100% trường học xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng ngừa bạo lực học đường; phòng chống xâm hại; đẩy mạnh công tác tư vấn học đường; quy tắc ứng xử văn hóa; công tác xã hội trong trường học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra và uốn nắn kịp thời để mỗi trường học, ngoài việc truyền đạt tri thức, còn là ngôi nhà an toàn và thân thiện của các em học sinh”.


Những luống rau do học sinh Trường THPT Trung An (huyện Cờ Đỏ) trồng và chăm sóc

Trong buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo thành phố với Sở GD-ĐT, ông Dương Tấn Hiển (Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ) đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của ngành, chỉ đạo một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thống nhất với 12 nhiệm vụ trọng tâm đến cuối năm của ngành GD-ĐT, trong đó có việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2021-2022. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2020-2021 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Tổ chức lấy ý kiến đo lường sự hài lòng của người dân đối với dịch vụ giáo dục công. Đặc biệt là công tác chuẩn bị điều kiện thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 giáo dục phổ thông mới. “Để thực hiện tốt chương trình thay sách giáo khoa, Sở GD-ĐT cần hoàn thành và trình danh sách kiện toàn Ban chỉ đạo thành phố Đổi mới chương trình, sách giáo khoa. Phối hợp Văn phòng UBND TP rà soát các quyết định liên quan, tạo mọi điều kiện, trong đó cần chú ý cơ sở vật chất trường, lớp, để thành phố triển khai thành công chương trình thay sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 vào năm học tới”, ông Hiển nhấn mạnh.

TS. Trần Hồng Thắm cho biết: Đến nay Sở GD-ĐT đã hoàn thành kế hoạch tuyển sinh lớp 10. Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa cũng hoàn thành danh mục sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 được chọn lựa trên địa bàn thành phố. Tất cả đã trình UBND TP. Sắp tới Sở GD-ĐT phối hợp UBND TP thành lập Đoàn liên ngành đến các quận/huyện để khảo sát, kiểm tra việc chuẩn bị cho chương trình thay sách giáo khoa nhằm có những hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn kịp thời cho địa phương và nhà trường.

Bài, ảnh: Đan Phượng

Bình luận (0)