Sự kiện giáo dục

Cần Thơ: Nỗ lực kiến tạo trường học hạnh phúc

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 7-11-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP.Cần Thơ tổ chức Hội nghị xây dựng văn hóa học đường với chủ đề “Kiến tạo trường học hạnh phúc vì giáo dục toàn diện”. Hơn 220 đại biểu là trưởng phòng GD-ĐT quận, huyện; Ban giám hiệu trường học các cấp, các cơ sở giáo dục; chuyên viên phụ trách công tác chính trị, tư tưởng… đã dự.

Hội nghị là dịp để cán bộ quản lý và các thầy cô giáo hiểu và nắm bắt được các tiêu chí về trường học hạnh phúc; thảo luận chia sẻ nhằm trao đổi, về các nội dung có liên quan đến chủ đề “Kiến tạo trường học hạnh phúc vì giáo dục toàn diện”; định hướng xây dựng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cũng như chia sẻ những mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác xây dựng văn hóa học đường.

TS. Đặng Tự Ân trình bày về tiêu chí trường học hạnh phúc

Tại hội nghị, TS. Đặng Tự Ân (nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT), Chủ tịch Hội đồng quản lý, kiêm Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (VIGEF), cho biết: Trường học hạnh phúc được hiểu như là một không gian học tập, hội tụ các điều kiện để phát triển toàn diện, nâng cao sức khỏe tinh thần, coi trọng và nuôi dưỡng thế mạnh và tài năng của từng người học. Việc xây dựng trường học hạnh phúc có vai trò quan trọng trong công tác dạy và học. Tiến sĩ đã đưa ra bộ tiêu chí xây dựng mô hình trường học hạnh phúc cũng như các bước thực hiện ở các trường sao cho phù hợp với tình hình thực tế ở các địa phương…

Theo TS. Đặng Tự Ân, từ nguồn Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam (Vietnam Innovation of General Education Foundation-VIGEF), là tổ chức phi chính phủ, thành lập theo Quyết định số 2455/QĐ-BNV ngày 23-8-2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ; sẽ có 6 trường ở 6 tỉnh, thành trên cả nước được thụ hưởng dự án xây dựng mô hình trường học hạnh phúc. Ở ĐBSCL, ngành GD-ĐT TP.Cần Thơ được chọn là địa phương triển khai mô hình này. Từ đó dự án sẽ nhân rộng ra từ 30-40 trường trên cả nước.

Quang cảnh hội nghị

Theo TS. Đặng Tự Ân, khung tiêu chí của mô hình trường học hạnh phúc thuộc dự án dựa trên 4 trụ cột (4P trường học hạnh phúc, VIEF-VN), nhằm tạo được cảm giác thoải mái, vui vẻ, hạnh phúc cho giáo viên (GV) và học sinh (HS) khi đến trường, bao gồm:

P1/Văn hóa nhà trường; với các nguyên tắc bao gồm: Học tập-Sáng tạo-Đổi mới làm nền tảng cho phát triển nhà trường. Học tập là làm mới bản thân về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực; Sáng tạo mở rộng khả năng tư duy để tạo ra những ý tưởng mới; Đổi mới xuất phát từ sáng tạo và được đưa vào áp dụng trong thực tiễn, mang lại lợi ích cho con người và mỗi quốc gia.

Mọi người luôn Tin tưởng lẫn nhau. Hợp tác trong công việc, để tạo kết quả tốt hơn so với làm việc riêng lẻ. Rèn luyện phẩm chất Bao dung (lòng vị tha và sự tha thứ) trong cộng đồng nhà trường. Tôn trọng sự đa dạng trong cuộc sống và trong dạy – học. Thừa nhận sự khác biệt giữa GV và HS; từ đó tạo ra môi trường giáo dục bình đẳng, thân thiện. HS được học tập tích cực, GV tự giác cống hiến trong công việc.

Đại biểu đóng góp ý kiến

P2/ Trụ cột con người nhằm nâng cao mối quan hệ giữa các cá nhân. Mô hình trường học hạnh phúc tạo điều kiện cho các thành viên trong nhà trường thể hiện thái độ và rèn luyện phẩm chất tích cực cho việc học tập suốt đời. Trong đó hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm thúc đẩy tư duy tích cực, lạc quan, học hỏi; luôn điều chỉnh công tác quản lý để GV có không gian công tác thoải mái, vui vẻ; bao gồm các khía cạnh về văn hóa tích cực; quản lý con người khoa học; công nhận và khen thưởng; tăng cường cơ sở vật chất và tổ chức các hoạt động giáo dục, giải trí… GV và nhân viên rèn luyện năng lực thấu cảm, là khả năng đặt mình vào vị trí người khác để hiểu được cảm xúc của họ. Cha mẹ HS hợp tác với nhà trường, hỗ trợ cho học tập bền vững…

P3 (Process): Trụ cột Quy trình/Dạy học hướng tới việc chuyển đổi chương trình giảng dạy, phương pháp sư phạm và hệ thống đánh giá để thúc đẩy hạnh phúc và niềm vui hàng ngày ở trường học. Trong đó cần quan tâm khối lượng công việc hợp lý nhằm mang lại sự cân bằng giữa công việc và sức khỏe tinh thần; đồng thời giảm áp lực, căng thẳng cho GV.

Thực hiện thành công Chương trình GDPT 2018. Tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, và khuyến khích HS đặt câu hỏi là những phương pháp sư phạm nhằm tạo ra môi trường học tập năng động, khuyến khích sự tham gia tích cực và phát triển tư duy độc lập của HS.

Bà Lê Thị Thùy Dung – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Cần Thơ phát biểu kết luận hội nghị

P4 /(Place)- Trụ cột Địa điểm/Môi trường đề cập tới chuyển đổi không gian vật lý (vật chất) và số hóa nhằm giúp trường học trở thành trung tâm cộng đồng lành mạnh và hòa nhập hơn. GV và HS có không gian phù hợp trong trường để họ có thể sử dụng, thư giãn, hoặc làm việc hiệu quả mà không bị làm phiền bởi các yếu tố bên ngoài.

Trong phiên thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất với gợi ý xây dựng bộ tiêu chí trường học hạnh phúc của TS. Đặng Tự Ân; và đặt nhiều câu hỏi với diễn giả chung quanh việc xây dựng trường học hạnh phúc như cơ sở pháp lý, điều kiện thực tiễn… Làm sao xây dựng trường học hạnh phúc nhưng không gây thêm áp lực công việc cho GV (đặc biệt là làm phát sinh thêm hồ sơ sổ sách…), không tốn nhiều kinh phí cho các hoạt động; và đề nghị được tham quan một số cơ sở giáo dục thực hiện trường học hạnh phúc thành công để học tập kinh nghiệm…

TS.Đặng Tự Ân đã trả lời những băn khoăn của các đại biểu, trong đó nhấn mạnh: Các trường học không nhất thiết phải có cơ sở vật chất hiện đại mới có thể xây dựng trường học hạnh phúc mà trên cơ sở quy chế hiện hành, bổ sung một số tiêu chí; trong đó quan trọng nhất là ý thức của ban giám hiệu trường nhằm xây dựng đơn vị thành nơi mà GV và HS đều coi nhà trường như ngôi nhà thứ hai.

TS. Đặng Tự Ân cùng Ban tổ chức và các đại biểu

Phát biểu kết luận hội nghị, bà Lê Thị Thùy Dung – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ, trân trọng cảm ơn những quan tâm và gợi ý xây dựng bộ tiêu chí về trường học hạnh phúc cho TP.Cần Thơ của TS. Đặng Tự Ân; và đề nghị các phòng GD-ĐT, các trường, trung tâm; các phòng, ban thuộc sở, từ những nội dung chia sẻ tại hội nghị, tiếp tục nghiên cứu, cho ý kiến, đóng góp xây dựng, hoàn thiện đối với dự thảo Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc mà Sở GD-ĐT đã soạn: “Chúng ta sẽ tổ chức một hội nghị để thống nhất ban hành Bộ tiêu chí trường học hạnh phúc. Sau đó bộ tiêu chí sẽ được áp dụng từ năm học 2024-2025. Chính các đồng chí sẽ là những người trực tiếp triển khai, thực hiện tại cơ sở; vì vậy rất cần những ý kiến mang tính xây dựng từ các đồng chí” – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Lê Thị Thùy Dung chia sẻ.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)