Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần Thơ: Phấn đấu nâng cao hơn chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Ngày 25-4-2024, TP.Cần Thơ tổ chức Hội nghị (HN) Tổng kết Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Đề án mỗi xã một sản phẩm năm 2023, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.


Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè  phát biểu chỉ đạo

Năm 2023, TP.Cần Thơ  giữ vững 36/36 xã và 4/4 huyện đạt chuẩn NTM. Trong năm, thành phố đã công nhận 5 xã NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao toàn TP là 31/36 xã,  tỷ lệ 86,11%. Công nhận 5 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu,  vượt kế hoạch đề ra,  đến nay Cần Thơ  có 7/36 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, tỷ lệ 19%.

Năm 2023, Cần Thơ đã công nhận 65 sản phẩm OCOP (trong đó có 20 sản phẩm 4 sao, 45 sản phẩm 3 sao), vượt tỷ lệ so với kế hoạch; nâng tổng số toàn TP có 148 sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao, trong đó 73 sản phẩm 3 sao, và 75 sản phẩm 4 sao; trong số này có 2 sản phẩm tiềm năng 5 sao.


Quang cảnh HN

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM đã góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển  KT-XH của TP.Cần Thơ… Tại khu vực nông thôn, đến nay tất cả các xã có đường giao thông kết nối với trung tâm và chợ  huyện; được trải nhựa hoặc bê tông hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, qua đó thúc đẩy tiêu thụ  nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân; phát triển các mô hình du lịch cộng đồng, mô hình ấp thông minh. Các công trình thủy lợi và hệ thống kênh mương phục vụ sản xuất được đầu tư nâng cấp, cải tạo, đấu nối liên thông,  góp phần quan trọng cho cơ cấu lại ngành nông nghiệp và đảm bảo  đời sống sinh hoạt của người dân, giảm thiểu thiệt hại do biến đổi khí hậu và thiên tai khắc nghiệt gây ra. Rất nhiều nông dân áp dụng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, ứng dụng công nghệ cao, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, mô hình sản xuất tích hợp đa giá trị… góp phần tăng năng suất và thu nhập trên một đơn vị diện tích.


Lãnh đạo TP trao bằng khen cho các tập thể

Mạng lưới điện quốc gia  bao phủ 100% xã, tạo điều kiện cho người dân áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp. Đến cuối năm 2023, thu nhập bình quân đầu người ở các xã đạt chuẩn NTM  nâng cao đạt trên 68 triệu/người/năm; ở các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đạt trên 74,8 triệu/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều (theo tiêu chuẩn mới) khu vực nông thôn giảm dưới 2,5%. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Tỷ lệ cơ quan, đơn vị trên địa bàn xã, huyện có mạng nội bộ đạt 100%… 100% xã đạt tiêu chuẩn về chất lượng môi trường. Trên 91% hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch. Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”  thực sự trở thành một phong trào ý nghĩa,  có sức lan tỏa sâu rộng,  được người dân đồng tình hưởng ứng. Nhận thức của người dân về xây dựng NTM ngày càng nâng cao, nhất là trong phát triển sản xuất gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, phát triển các sản phẩm OCOP, ứng dụng khoa học công nghệ; cải tạo cảnh quan nông thôn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm thay đổi cơ bản bộ mặt nông thôn của TP.


Lãnh đạo TP trao chứng nhận cho các chủ thể có sản phẩm OCOP đạt 4 sao

Sản phẩm OCOP cơ bản được tiêu chuẩn hóa  về chất lượng và mẫu mã hàng hóa; phát triển sản phẩm, dịch vụ đa dạng. Các sản  phẩm từng bước được nâng cao chất lượng, quy chuẩn…

Phát biểu tại HN, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, thay mặt UBND thành phố, trân trọng ghi nhận, và nhiệt liệt biểu dương những đóng góp của các cơ quan, đơn vị, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp (DN) và nhân dân trong  xây dựng NTM và thực hiện Đề án mỗi xã một sản phẩm;  chúc mừng các chủ thể được trao Giấy chứng nhận tại HN; đồng thời thẳng thắn chỉ ra những mặt tồn tại, hạn chế như:  Một số xã đạt NTM giai đoạn trước có tiêu chí còn thiếu tính bền vững. Đặc biệt,  hầu hết các xã NTM sản xuất nông nghiệp là chủ yếu nhưng qui mô nhỏ lẻ, manh mún còn cao, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, mùa vụ và giá cả thị trường; cảnh quan môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý rác thải tuy có  chuyển biến  nhưng vẫn đang là vấn đề được xã hội quan tâm nhiều nhất… Sản phẩm OCOP chưa  nhiều về số lượng, chưa có sản phẩm quốc gia (5 sao), công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP chưa rộng rãi.

Năm 2024, Cần Thơ phấn đấu công nhận 05 xã NTM nâng cao, hơn 2 xã  NTM kiểu mẫu; phấn đấu xây dựng 1 huyện NTM nâng cao; công nhận thêm 30 sản phẩm OCOP đạt 3 đến 4 sao.

Để đạt được những mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị  tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu sắc nội dung và ý nghĩa  Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) về xây dựng NTM, Chương trình OCOP và hệ thống các chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn,  trong toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân. Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp Đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh”.

Cần đặc biệt quan  tâm phát triển sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa và bảo vệ môi trường nông thôn. Đa dạng hóa các loại hình đào tạo ở tất cả các cấp theo hướng xã hội hóa; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động giáo dục. Tăng cường hệ thống thu gom rác thải sinh hoạt đến các khu dân cư mà phương tiện thu gom có thể đến. Tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm cấp nước, mở rộng các tuyến  ống nước và cung cấp nước sạch đến các hộ dân góp phần nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch năm 2024 đạt 94% trở lên: “Tập trung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Triển khai thực hiện tốt đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Triển khai  hiệu quả chương trình mỗi xã  một sản phẩm giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn TP nhằm phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với xây dựng NTM bền vững. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với khai thác các lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, và mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, an sinh xã hội ở khu vực nông thôn. Tập trung triển khai nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương  và địa phương cho các dự án phát triển hạ tầng, KT-XH đạt hiệu quả, trong đó ưu tiên  các công trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM  nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2024 theo kế hoạch đề ra. Thực hiện tốt các chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn để huy động các nguồn lực từ vốn tín dụng và từ vốn DN cho xây dựng NTM và thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm đạt hiệu quả” – Phó Chủ tịch UBND thành phố nhấn mạnh.

Dịp này Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ tặng bằng khen cho 6 tập thể và 12 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM và  Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” trên địa bàn TP.Cần Thơ năm 2023. Ban tổ chức cũng Công bố quyết định và trao chứng nhận OCOP cho các chủ thể của 20  sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Đan Phượng

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)