Ngày 15-11-2024, UBND TP.Cần Thơ phối hợp Viện Kinh tế – Xã hội TP long trọng tổ chức Diễn đàn Kinh tế thường niên TP.Cần Thơ năm 2024, với chủ đề: “Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư nhằm phát triển TP.Cần Thơ nhanh và bền vững”.
Diễn đàn thu hút gần 200 đại biểu gồm Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN TP.Cần Thơ; Lãnh đạo các sở, ban ngành và UBND các quận, huyện; Lãnh đạo các cơ quan Trung ương; Ban giám hiệu và giảng viên nhiều viện, trường đại học; các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức ngân hàng… tại ĐBSCL và TP.HCM.
Diễn ra sôi nổi với những tham luận chuyên sâu mang ý nghĩa thực tiễn và rất thẳng thắn của các chuyên gia; cùng sự đóng góp của các đại biểu; kết hợp phiên thảo luận bàn tròn với sự tham dự của đại diện trường đại học, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các doanh nghiệp lớn… các diễn giả đã thẳng thắn trình bày về hiện trạng, khó khăn, thách thức và cơ hội trong thu hút đầu tư, với kỳ vọng cải thiện môi trường đầu tư của TP.Cần Thơ, góp phần phát triển kinh tế TP nhanh và bền vững.
Các tham luận và ý kiến đều khẳng định: Với vị trí địa lý và vai trò TP động lực của ĐBSCL, Cần Thơ có nhiều tiềm năng, lợi thế trong thu hút đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua, TP chưa khai thác tốt các lợi thế này trong thu hút các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn ngoài ngân sách và thu hút FDI.
Những nguyên nhân chính khiến Cần Thơ đứng trước khó khăn, thử thách này là: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy đúng hướng, nhưng còn chậm, 2 khu vực Công nghiệp – xây dựng và Dịch vụ phát triển chưa tương xứng (chỉ dịch chuyển tăng từ 1 đến 2 điểm phần trăm).
Hạ tầng logistics và hạ tầng giao thông nằm trong những điểm nghẽn lớn nhất kìm hãm thu hút đầu tư vào TP.Cần Thơ nói riêng và các tỉnh vùng ĐBSCL nói chung. Dù Trung ương đã quan tâm đầu tư cho vùng ĐBSCL nhưng giao thông liên kết vùng còn hạn chế so với các khu vực khác trên cả nước… Đặc biệt là việc thiếu vốn đầu tư trên địa bàn TP. Cơ chế, chính sách chưa đạt kết quả như kỳ vọng trong thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia…
Các đại biểu cũng đóng góp những giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn trên, trong đó TS. Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, cho rằng: “Chúng ta phát hiện những tắc nghẽn ở đâu thì tìm cách tháo gỡ đến đó, nếu ngoài phạm vi địa phương thì trình Chính phủ ban hành chính sách tháo gỡ. Trong đó, Cần Thơ cần xác định thế mạnh trong các lĩnh vực sản xuất để tập trung phát triển; hoàn thiện hạ tầng cơ sở. Cải cách thủ tục hành chính. Phát huy vai trò TP trung tâm vùng ĐBSCL trong thu hút nhà đầu tư…”.
Phát biểu bế mạc diễn đàn, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ trân trọng ghi nhận và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước những đóng góp của các diễn giả và đại biểu; đồng thời nêu những định hướng trọng tâm của TP để quyết tâm tháo gỡ các điểm nghẽn, trong đó tập trung triển khai tốt, có hiệu quả Quy hoạch TP.Cần Thơ thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 để sớm tạo ra không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới cho nguồn thu ngân sách. Phối hợp với ban, bộ, ngành Trung ương sơ kết việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển TP.Cần Thơ; đồng thời tập trung nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách đặc thù mới mang tính đột phá, phù hợp với TP trong thời gian tới; trong đó xây dựng Khu kinh tế chuyên biệt, diện tích khoảng 6.000 đến 10.000ha nhằm tạo động lực và không gian phát triển mới, thu hút các nguồn lực tư nhân, các tập đoàn lớn về đầu tư.
TP sẽ nhanh chóng tháo gỡ những bất cập hạn chế đối với các dự án đầu tư trọng điểm như dự án Trung tâm Thương mại Aeonmall, Khu công nghiệp VSIP Vĩnh Thạnh và dự án Trung tâm nhiệt điện Ô Môn… Tiếp tục thực hiện quy trình thủ tục đầu tư rõ ràng, minh bạch đối với các dự án kêu gọi đầu tư tại Quyết định số 2942/QĐ-UBND về việc ban hành Danh mục dự án thu hút đầu tư vào TP.Cần Thơ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng hành cùng các doanh nghiệp, Cần Thơ sẽ ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư phù hợp với định hướng chiến lược, khả năng và mong muốn của doanh nghiệp và TP. Đẩy mạnh thu hút các nguồn vốn từ khu vực tư nhân, thông qua các hình thức hợp tác công tư (PPP). Xây dựng một cơ chế rõ ràng, minh bạch và đảm bảo sự tin tưởng của các nhà đầu tư. Tận dụng các nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), các quỹ của tập đoàn tài chính phát triển… nhằm giúp giảm bớt gánh nặng tài chính từ ngân sách Nhà nước, và giúp kích thích phát triển đô thị Cần Thơ.
“Đặc biệt, Cần Thơ tập trung ưu tiên phát triển quỹ đất và đầu tư các khu tái định cư phục vụ các dự án trọng điểm về hạ tầng giao thông của TP; quy hoạch lại các khu đất có tiềm năng, sớm tổ chức đấu giá đất tạo nguồn thu, từ đó đầu tư lại vào các dự án hạ tầng giao thông, logistics… kết hợp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục liên quan đến đầu tư, đất đai; thực hiện có hiệu quả quy trình giải quyết các thủ tục đầu tư trong và ngoài các khu công nghiệp và quy trình lựa chọn nhà đầu tư.
Tinh gọn và nâng cao chất lượng bộ máy hành chính; kết hợp kiểm tra, giám sát việc giải quyết thủ tục hành chính của công chức, viên chức, chấn chỉnh thái độ làm việc, xử lý nghiêm những trường hợp công chức, viên chức gây cản trở, thiếu trách nhiệm trong quá trình xử lý hồ sơ các dự án đầu tư nhằm khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Ngoài những vấn đề nêu trên, TP cam kết sẽ giải quyết thấu đáo các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp nêu tại diễn đàn hôm nay cũng như trong quá trình thực hiện đầu tư vào TP; đảm bảo hài hòa lợi ích doanh nghiệp, người dân và lợi ích của TP” – Chủ tịch UBND TP khẳng định.
Người đứng đầu UBND TP hy vọng sau diễn đàn, các nhà đầu tư sẽ xác định được tiềm năng, thế mạnh và nhận thức rõ sức hấp dẫn của Cần Thơ, và sẵn sàng gắn bó, đồng hành cùng TP trên chặng đường phát triển bền vững.
Đan Phượng
Bình luận (0)