Sự kiện giáo dụcTin tức

Cần Thơ: Quyết tâm trả lại sự thông thoáng cho bờ sông, kênh rạch

Tạp Chí Giáo Dục

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai – tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) TP.Cần Thơ, năm 2021, trên địa bàn Cần Thơ xảy ra 2 đợt sét đánh, 26 đợt mưa dông kèm lốc xoáy, 23 điểm sạt lở bờ sông, 1 đợt triều cường với mức triều đạt 2,06m (trên mức báo động III: 0,06m). Ước tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trên 9 tỷ đồng, sập và ảnh hưởng gần 110 căn nhà, sét đánh làm chết 3 người. Trong những ngày triều cường dâng cao, nhiều tuyến đường khu vực nội ô bị ngập, gây trở ngại lớn cho các hoạt động kinh tế – xã hội.


St l ti sông Trà Nóc

Năm 2021, UBND TP đã phân bổ 120 tỷ đồng cho các dự án khẩn cấp phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai như cắm 100 biển cảnh báo sạt lở, bê tông khoảng 15 ngàn mét bờ sông phòng chống sạt lở…

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sử – Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn Cần Thơ – thừa nhận, công tác PCTT của Cần Thơ còn nhiều vấn đề cần khắc phục. Đơn cử cơ sở hạ tầng công cộng, nhà ở của nhiều người dân chưa đảm bảo an toàn trước thiên tai; phương tiện, thiết bị phục vụ cho công tác PCTT-TKCN thiếu về số lượng, chủng loại, đặc biệt là phương tiện TKCN trên sông lớn…

Từ thực tế này, ông Nguyễn Ngọc Hè – Phó Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ – cho rằng, để bảo vệ người dân trước thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, các quận, huyện cần khắc phục những khó khăn; chủ động đối phó, hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời chấn chỉnh, khắc phục những mặt còn hạn chế, xây dựng phương án, nhiệm vụ trong năm 2022 sát với tình hình thực tế địa phương, đơn vị, có tính đến những yếu tố bất thường do biến đổi khí hậu. Cần tính toán chi tiết việc huy động lực lượng, phương tiện cơ giới để di dời dân nhanh chóng đến nơi trú ẩn an toàn khi xảy ra thiên tai.  

“Chủ động và nhanh chóng khắc phục hậu quả theo phương châm “Bốn tại chỗ” và thực hiện tốt các chính sách xã hội, công tác cứu trợ, khắc phục hậu quả. Đặc biệt, kiên quyết tổ chức di dời dân ở những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn với mục tiêu lâu dài là giảm tải, giải phóng, trả lại sự thông thoáng của bờ sông, kênh rạch…Huy động mọi nguồn lực để gia cố đê bao ngăn lũ, nhất là các đoạn đê xung yếu, đảm bảo phục vụ ngăn lũ cho lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi trồng thủy sản”, ông Hè chỉ đạo.

Đan Phưng

Bình luận (0)