Từ khi bến phà Hậu Giang ngừng hoạt động, hàng ngày vẫn có 4 – 5 chiếc đò “chui” đưa hàng trăm khách qua lại sông Hậu. Đa số người dân qua sông theo cách này là những lao động nghèo.
4h chiều ngày 20/5, chúng tôi xuống bến phà Hậu Giang, chứng kiến cảnh cả chục người đang ngồi đợi đò về Vĩnh Long.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Văn Lân (nhà ở xã Thành Lợi, huyện Bình Tân, Vĩnh Long) bán vé số bên Cần Thơ cho biết: “Thường ngày, vào buổi sáng và buổi chiều, cứ cách 30 phút là có một chuyến đò, không biết bữa nay sao lạ, tôi đợi hơn 1 tiếng rồi mà không thấy bóng dáng một chiếc đò nào”.
Vừa nói xong, một bác chạy xe ôm nói chen vào: “Hồi sáng tới giờ công an làm dữ quá nên mấy ông chủ đò không dám chạy nữa, bữa nay chắc không có đò qua rước đâu. Ai có đi thì lên xe, tui thả về chỉ lấy tiền xăng 30.000 đồng thôi”. Chẳng ai ngó ngàng đến lời mời nhiệt tình của bác chạy xe ôm, mọi người cứ ngồi lặng lẽ nhìn sang bờ Vĩnh Long chờ đợi.
Dẫu lo sợ nhưng những người dân này vẫn chấp nhận đi đò "chui" để đỡ bớt quãng đường xa xôi và chi phí đi lại.
Cuối cùng cũng có một chiếc đò xuất hiện, ai nấy điều hớn hở, mừng ra mặt. Trong vai một người khách về bên Vĩnh Long với chiếc xe máy, tôi hỏi thăm thì anh T (chủ một chiếc đò dọc) trả lời: “Chỉ có xe 4 bánh là không chở thôi, chứ ngoài ra là tui chở hết. Đây là chuyến cuối cùng và bữa nay chỉ có mình tui chạy thôi, anh có về thì về, tôi lấy rẻ 40.000 đồng”.
Khi chúng tôi đề cập đến độ an toàn thì anh trả lời tỉnh queo: “Anh yên tâm đi, tui chạy cả tháng nay có gì đâu. Vả lại, ở đây có 4-5 người chạy đò, có ông nào trang bị phao cứu hộ gì đâu, chạy “chui” mà nên tội vạ gì mà đầu tư cho tốn kém”.
Theo ghi nhận của PV , đa số người dân qua lại sông Hậu là phụ nữ (thường không biết bơi) đi buôn bán dạo hoăc thuê sạp ở các chợ Cần Thơ để buôn bán rau, củ,… sống qua ngày.
Gặp chị Nga (nhà ở khu vực 1, thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh) bán nhang đèn ở chợ Tân An. Chị cho biết: “Đi đường cầu thì xa quá, nên thấy có đò dọc thì chúng tôi đi. Qua tới bến Cần Thơ tốn có 5.000 đồng (1 người và 1 xe đạp), nhanh hơn đi đường cầu nhiều. Có hôm ra đến giữa sông gió lớn quá trời, thấy cũng sợ, nhưng rồi cũng bấm bụng đi đại chứ biết làm sao bây giờ”.
Nghe tiếng chủ đò giục khách, chị Nga vội đẩy chiếc xe của mình một cách nặng nhọc xuống đò. Chúng tôi nhìn chiếc xe đạp của chị Nga cũng giống như chiếc đò, từ lái cho đến mũi không còn chỗ nào trống, lỉnh kỉnh bao nhiêu là đồ.
Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Lê Thanh Chiến – Trưởng Phòng Giao thông đường thủy TP Cần Thơ – cho biết: “Để chấm dứt nạn đò “chui” đang tự do hoạt động này cần có sự phối hợp giữa công an giao thông đường thủy Cần Thơ và Vĩnh Long. Riêng phía bờ Cần Thơ trong thời gian tới chúng tôi sẽ tuần tra thường xuyên, kiên quyết “xóa sổ” nạn đò dọc này để tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra cho người dân đi đò khi mùa mưa bão sắp đến”.
Ông Chiến còn cho biết thêm: “Thực tế nhu cầu qua lại sông Hậu của người dân là rất cao, cho nên về lâu dài tôi cũng mong cơ quan chức năng của Cần Thơ và Vĩnh Long sớm cho phép thành lập một bến đò, cho 1-2 chiếc phà nhỏ gì đó đưa rước khách sang sông. Khi đó người dân qua lại sông Hậu sẽ an toàn và cũng giúp những người lao động nghèo, một số học sinh, sinh viên bớt vất vả hơn”.
Ngô Nguyễn (dantri)
Bình luận (0)