ĐBSCL bước vào cao điểm mùa mưa, là điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sôi, phát triển, gây bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên người.
BS Nguyễn Huỳnh Nhật Trường đang thăm khám cho một bệnh nhi mắc sốt xuất huyết. Ảnh: Đ.Thơ
Tại BV Nhi đồng Cần Thơ, 5 tháng đầu năm 2020 có 452 bệnh nhi mắc SXH điều trị ngoại trú, trong đó TP.Cần Thơ 238 ca; 333 ca điều trị nội trú, trong đó Cần Thơ có 178 ca. Tuy nhiên bước sang tháng 6 số ca SXH có dấu hiệu tăng. Cụ thể từ ngày 1 đến 15-6, có 26 ca nhập viện điều trị.
BS Nguyễn Huỳnh Nhật Trường – quyền Trưởng khoa SXH, BV Nhi đồng Cần Thơ – cho biết: “Năm nay các bệnh nhi từ 9 đến 16 tuổi chiếm tỷ lệ cao so với các năm trước. SXH có thể có chấm xuất huyết ngoài da, có khi không. Do bệnh có nhiều triệu chứng giống cảm sốt nên phần lớn phụ huynh đã tự ý mua thuốc điều trị cho con, đến khi bệnh trở nặng dẫn đến biến chứng mới đưa con vào BV. May mắn là các trường hợp này còn điều trị kịp, nếu biến chứng quá nặng dẫn đến xuất huyết nội tạng, suy hô hấp, suy đa tạng thì có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ”.
Tại Khoa SXH, bệnh nhi Đỗ Thị Thúy Ng. (14 tuổi, TP.Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long) đang sốt rất cao, người mệt mỏi. Trước khi nhập viện, Ng. đã được mẹ (chị Nguyễn Thị Thu Hồng) mua thuốc hạ sốt cho uống. Sau 2 ngày thấy con không hết sốt, chị Hồng mới đưa con đến phòng mạch tư điều trị. Qua 1 tuần, bệnh ngày càng nặng, ngoài sốt, Ng. còn đau bụng, không ăn uống được nên chị Hồng vội đưa con đến BV Đa khoa Vĩnh Long. Tại đây, Ng. được chẩn đoán mắc SXH và đã vào sốc. Theo đó, BV Đa khoa Vĩnh Long vội chuyển bệnh nhân đến BV Nhi đồng Cần Thơ.
Được các BS BV Nhi đồng Cần Thơ tích cực điều trị, đến nay Ng. đã qua sốc và đang được tiếp tục theo dõi.
Chị Hồng tâm sự: “Là công nhân nên tôi phải làm việc theo ca, để cháu ở nhà với ông bà, cháu tự chăm lo sức khỏe. Cũng nghĩ cháu lớn rồi nên chắc không bị SXH, với lại thấy sốt nóng mà da không nổi dấu xuất huyết nên tôi chủ quan cho là bệnh cảm cúm”.
Một bệnh nhi lớn tuổi khác bị SXH đang điều trị tại Khoa SXH, BV Nhi đồng Cần Thơ là Trương Thị Trúc L. (13 tuổi, tỉnh Kiên Giang). Trước đó, thấy L. bị sốt nóng nên gia đình đã mua thuốc hạ sốt cho em uống. Sau hơn 1 tuần, bệnh ngày càng nặng, em bị nôn ói, đau cơ khớp, gia đình vội đưa vào BV Đa khoa Kiên Giang. BV Đa khoa Kiên Giang chuyển ngay em đến BV Nhi đồng Cần Thơ. Tại đây em được chẩn đoán SXH Dengue (Hội chứng sốc Dengue).
BS Nhật Trường cho biết: Đây là loại bệnh SXH nặng nhất, rất dễ gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.
“Nếu trẻ sốt từ 2 ngày trở lên, đến ngày thứ 3 chưa hết sốt thì cha mẹ cần đưa đến BV để xét nghiệm máu. Chỉ có xét nghiệm máu mới chẩn đoán được bé có SXH hay không”, BS Nhật Trường nhấn mạnh.
BS Ông Huy Thanh – Phó Giám đốc BV Nhi đồng Cần Thơ – cũng cho biết: “Bước vào cao điểm mùa mưa, BV đã chủ động chuẩn bị thuốc, trang thiết bị và tổ chức sinh hoạt khoa học, cập nhật phác đồ điều trị mới của Bộ Y tế để các BS điều trị và chăm sóc SXH đạt hiệu quả cao, đặc biệt là những bệnh nhân đã có biến chứng nặng. BV sẽ cố gắng không để bệnh nhi phải nằm giường ghép…”.
Đan Thơ
Bình luận (0)