Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần Thơ: Tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số để thúc đẩy thành phố phát triển nhanh

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 24-8, UBND TP.Cần Thơ tổ chức hội nghị (HN) trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2023 của Ban Chỉ đạo thành phố Cần Thơ về Cải cách hành chính và Chuyển đổi số (CCHC-CĐS), Đề án 06 của Chính phủ.


Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ Trần Việt Trường chỉ đạo tại HN

Theo công bố kết quả xếp hạng Chỉ số Chuyển đổi số (CĐS) cấp tỉnh năm 2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông, TP.Cần Thơ xếp thứ 5/63 tỉnh, thành (tăng 10 bậc so với năm 2021). Trong đó, cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội đều tăng hạng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, công tác CCHC-CĐS và triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn TP.Cần Thơ tiếp tục đạt  một số kết quả tích cực, tiêu biểu như: Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố được nâng cấp các chức năng hỗ trợ người dân, được đánh giá “Chất lượng cao nhất trong 63 tỉnh, thành” của cả nước. Đã rà soát và đơn giản hóa 7 thủ tục hành chính, đạt 100% kế hoạch đề ra, số tiền tiết kiệm trên 593 triệu đồng; triển khai thực hiện 42/68 nhiệm vụ của kế hoạch công tác CCHC năm 2023.  


Quang cảnh điểm HN trực tiếp tại Hội trường UBND TP.Cần Thơ

Một số ngành đã đẩy mạnh các hoạt động chuyển đổi số như: Triển khai thí điểm Hồ sơ sức khỏe điện tử của ngành y tế; Triển khai Thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đào tạo trên địa bàn thành phố; Mô hình Chợ 4.0; Triển khai Cài đặt nền tảng số VNeID và cấp mã định danh điện tử. Triển khai các dịch vụ công thiết yếu và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính với chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên.

Lực lượng công an thực hiện quyết liệt công tác làm sạch dữ liệu dân cư, đã hoàn thành công tác thu nhận hồ sơ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho 100% công dân trên địa bàn thành phố…


Bà Trần Thị Xuân Mai – Giám đốc Sở  LĐ-TB&XH TP.Cần Thơ, trình bày tham luận trong thực hiện CĐS

Một số cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện hiệu quả: Sở Thông tin và Truyền thông hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của thành phố và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; Sở Tư pháp thực hiện việc số hóa hộ tịch; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cập nhật dữ liệu đối tượng đang hưởng bảo trợ xã hội (đã cập nhật 42.156 đối tượng bảo trợ xã hội, đạt tỷ lệ 100%, cập nhật 118.751/155.321 trẻ em có mã định danh liên thông cơ sở dữ liệu quản lý dân cư, đạt tỷ lệ 76,46%, Cần Thơ đứng thứ 13/63 tỉnh, thành cả nước), hướng tới tạo tài khoản an sinh xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội và thực hiện chi trả không dùng tiền mặt; Bảo hiểm xã hội thành phố  đã cấp căn cước công dân gắn chíp sử dụng ứng dụng VneID để xác thực thông tin với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thuận lợi trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế.

Ban tổ chức đã công bố kết quả mức độ CĐS các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố năm 2022. Theo đó, đối với cấp sở, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch TP.Cần Thơ xếp hạng nhất. Đối với cấp huyện, UBND quận Ô Môn xếp hạng nhất.

Phát biểu tại HN, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, thẳng thắn chi ra những tồn tại, hạn chế trong CĐS như: Kết quả CCHC của thành phố thiếu tính bền vững, nhất là các chỉ số CCHC, điểm số/thứ hạng lên xuống thường xuyên, không ổn định. Việc kết nối, chia sẻ dữ liệu các ngành vẫn còn rời rạc, chưa liên thông, thiếu đồng bộ; tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến còn thấp so với yêu cầu. Nguồn nhân lực quản lý triển khai CĐS còn hạn chế về số lượng và chuyên môn…


Lãnh đạo TP.Cần Thơ trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân

 Để giải quyết một cách căn bản các vấn đề yếu kém trên, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho rằng TP cần phải đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không nên dàn trải, tập trung ưu tiên đầu tư một số ứng dụng. Bên cạnh đó, người đứng đầu cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan phải xem công tác triển khai Đề án 06 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện  các nội dung của đề án, đảm bảo theo tiến độ được giao; đồng thời  cần xác định đề án 06 là hợp phần quan trọng trong chương trình CĐS quốc gia, là đề án tiền đề mang tính đột phá, việc triển khai thành công sẽ quyết định sự thành công của chương trình CĐS quốc gia.

Người đứng đầu UBND TP.Cần Thơ phân tích:  CĐS có vai trò rất quan trọng,  thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành, phát triển chính phủ số, xã hội số, công dân số, do vậy cần phải tập trung đẩy mạnh CĐS để thúc đẩy TP.Cần Thơ phát triển nhanh, hiện đại, phát triển bền vững… Các sở ngành, các địa phương  nghiên cứu xây dựng chiến lược chuyển đổi số Cần Thơ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, hình thành Chiến lược phát triển lâu dài và bền vững cho CĐS TP.Cần Thơ trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; lấy CĐS làm động lực phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội TP.Cần Thơ. Xúc tiến đầu tư xây dựng Khu Công viên Phần mềm Cần Thơ (khu công nghệ thông tin tập trung), hỗ trợ hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ số tại TP. Cần Thơ, tạo tiền đề xây dựng nền công nghiệp phần mềm, công nghệ số của thành phố.

Dịp này, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ tặng Bằng khen cho 2 tập thể (UBND quận Ô Môn và Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VHTT-DL), và 2 cá nhân (ông Phạm Xuân Sơn, chuyên viên Trung tâm Phát triển Du lịch – Sở VHTT-DL và ông Hồ Minh Khương, Trưởng phòng – Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ô Môn), đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào thi đua “Chuyển đổi số” năm 2022.

Đan Phượng

Bình luận (0)