Cơ sở vật chất trường lớp là một trong những yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giảng dạy. Nhiều năm qua trên địa bàn thành phố, nhiều trường đã được đầu tư xây mới khang trang. Tuy nhiên, nhiều nơi vẫn canh cánh nỗi lo trường lớp xuống cấp… và có nhiều nơi trường đã xây dựng từ 40 năm trước giờ vẫn trưng dụng để học.
Trường, lớp mới… ít
Nằm trên Quốc lộ 91, gần chợ Bằng Tăng, công trình xây dựng Trường Tiểu học số 1 phường Thới Long, quận Ô Môn đang bước vào giai đoạn hoàn chỉnh. Thay cho những phòng học ọp ẹp, xuống cấp trước đây là 25 phòng học kiên cố, với tổng kinh phí đầu tư trên 12 tỷ đồng. Theo ông Ngô Phú Lỳ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ô Môn, dự kiến công trình hoàn thành vào giữa năm học 2008-2009, học sinh của Trường Tiểu học số 1 phường Thới Long đã có thể học trong ngôi trường mới.
Hầu hết phụ huynh, học sinh ở các trường được đầu tư xây mới, nâng cấp đều có chung tâm trạng vui mừng như thế. Trường Tiểu học Thới Thuận 3, huyện Thốt Nốt, được xây mới 6 phòng học, phụ huynh không còn canh cánh nỗi lo tai nạn khi con em phải học trong những phòng ốc xuống cấp. Chị Nguyễn Thị Hoa, nhà ở ấp Thới Bình A, xã Thới Thuận, cho biết: “Nhìn mấy phòng học xuống cấp, ẩm thấp của trường, tôi rất lo cho con mình, nhất là những khi mưa to gió lớn. Có phòng học mới, phụ huynh chúng tôi rất mừng và an tâm”.
6 phòng học mới của Trường Tiểu học Thới Thuận 3 được xây dựng tại ấp Thới Bình A, cách điểm trung tâm của Tiểu học Thới Thuận 3 vài trăm mét. Anh Cao Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Thới Thuận cho biết: “Ngoài xây mới 6 phòng học ở điểm Trường Tiểu học Thới Thuận 3, chúng tôi còn xây mới 3 phòng tiền chế và sửa chữa lớn 4 phòng của Trường Tiểu học Thới Thuận 1. Đồng thời, lên kế hoạch di dời Trường Mẫu giáo Thới Thuận về cơ sở cũ của Trường THCS Thới Thuận để có thể mở lớp bán trú, đáp ứng nhu cầu của phụ huynh ở địa phương”.
Thời điểm này, những ngôi trường nằm trong kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia của các quận, huyện cũng đang được khẩn trương hoàn thành. Trường THCS phường Trường Lạc, quận Ô Môn, được đầu tư xây dựng thêm 19 phòng học, các phòng chức năng, sân chơi, hàng rào, nhà đa năng… Bên cạnh đó, ngành giáo dục quận Ô Môn cũng đang làm hồ sơ để tiến hành xây dựng mới và sửa chữa 4 điểm trường khác với kinh phí trên 2,5 tỷ đồng…
Đầu tư nâng cấp, xây mới trường lớp là nỗ lực chung của các ngành, các cấp. Tuy nhiên, so với tốc độ xuống cấp của các trường trên địa bàn thành phố hiện nay, những nỗ lực này chỉ như “muối bỏ biển”.
Trường không ra trường… nhiều
Mặc dù có nhiều công trình trường lớp chuyển tiếp, vừa khởi công và chuẩn bị khởi công nhưng theo báo cáo của ngành giáo dục quận Ô Môn, toàn quận vẫn còn hơn 300 phòng học xuống cấp cần được xây mới. Các trường Tiểu học số 1 phường Trường Lạc, Tiểu học số 4 phường Thới Long… xuống cấp toàn diện. Trường Tiểu học số 1 phường Trường Lạc ẩm thấp, sát bờ sông, phòng ốc cũ kỹ nhưng vẫn chưa có giải pháp khả thi… Theo lãnh đạo ngành giáo dục quận Ô Môn, nhìn chung hệ thống cơ sở vật chất trường lớp hiện tại vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục và phổ cập giáo dục bậc trung học.
Địa phương hiện đang gặp rất nhiều khó khăn về cơ sở vật chất trường lớp là huyện Vĩnh Thạnh. Từ khi chia tách, thành lập mới đến nay, trên địa bàn huyện Vĩnh Thạnh, ngoài những phòng học được xây mới từ dự án giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, huyện có rất ít trường được đầu tư xây mới. Các trường: Tiểu học Thị trấn Thạnh Thắng 1, THCS Thạnh Thắng, THCS Thạnh Thắng 1, THPT Thạnh An… ngày càng xuống cấp. Trong đó, Trường THPT Thạnh An, ngoài những phòng tiền chế, cây tôn tạm bợ, các phòng bán kiên cố được xây dựng cách nay hơn 40 năm, đang xuống cấp trầm trọng. Gọi là trường chứ thật ra đây là căn chòi rách nát, tạm bợ không hơn không kém. Thầy Bùi Quốc Việt, giáo viên dạy vật lý của trường, bức xúc: “Nội dung chương trình sách giáo khoa mới đòi hỏi tổ chức cho học sinh thực hiện nhiều thí nghiệm nhưng cơ sở vật chất hiện tại không đáp ứng được yêu cầu này, khiến cho công tác giảng dạy gặp nhiều khó khăn”.
Ở tất cả các quận, huyện còn lại đều có trường lớp đang xuống cấp, cần được xây mới. Như ở quận Cái Răng hiện nay có 22 trường với 208 phòng học, nhưng khoảng 50% phòng học có tuổi đời từ 30-50 năm, nhỏ hẹp, ẩm thấp. Thậm chí có nhiều cơ sở không biết đổ sập bất cứ lúc nào. Tình trạng xuống cấp, bất ổn về cơ sở vật chất “rải” đều ở các bậc học, ngành học. Hàng năm, ngành giáo dục quận Cái Răng đều phải gia cố, sửa chữa những phòng học này. Hiện nay, chỉ mới có 4/7 phường của quận có trường THCS. Các trường đều xuống cấp, nhỏ hẹp, quá tải, thiếu hàng rào, không có nhà vệ sinh, không có hệ thống nước sạch cho giáo viên và học sinh sử dụng… Còn ở quận Ninh Kiều, mặc dù thời gian qua có nhiều trường lớp được đầu tư xây mới như: Tiểu học Lê Quý Đôn, Tiểu học Võ Trường Toản, Tiểu học Mạc Đĩnh Chi… nhưng toàn quận vẫn còn khoảng 50% phòng lớp xuống cấp, nhỏ hẹp cần được sửa chữa và đầu tư xây mới.
Tình trạng trường lớp xuống cấp đang làm đau đầu những nhà quản lý giáo dục. Năm học 2008-2009 đã trôi qua hơn một tháng, việc thực hiện nội dung chương trình sách giáo khoa mới đòi hỏi phải bảo đảm những yêu cầu nhất định về cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị. Bên cạnh đó, theo tiến độ đã đề ra, một số quận phải đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học trong năm 2009. Với điều kiện cơ sở vật chất như hiện nay, để hoàn thành những mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học, đạt chuẩn phổ cập trung học là thách thức rất lớn đối với ngành giáo dục TP. Cần Thơ.
Thái Hải
Bình luận (0)