Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần Thơ: Vay 250 triệu USD để chống chịu BĐKH

Tạp Chí Giáo Dục

Theo đó, 100 thành phố thành viên của chương trình thuộc 49 quốc gia với 27 ngôn ngữ khác nhau, trải dài khắp các châu lục. Tại Việt Nam, hai thành phố được chọn là Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại hội thảo, PGS.TS KTS Lưu Đức Cường, Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch (Bộ Xây dựng), nêu ra những thách thức đối với Cần Thơ. Đó là sự mâu thuẫn giữa tính biến động của biến đổi khí hậu (BĐKH) với sự cố định của các công trình, do vậy thành phố phải có kế hoạch đối phó với những diễn biến không lường trước được xảy ra trong tương lai.

PGS.TS Trần Kim Chung, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng: Trước đây Cần Thơ rất thịnh vượng, nhưng sau 10 năm tốc độ phát triển chững lại do ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó là mặt tiêu cực của đô thị hóa khiến ô nhiễm môi trường, làm biến dạng đời sống kinh tế xã hội, tạo ra lớp người bị tổn thương. Cùng với đó là ô nhiễm môi trường và hạn nặng.

GS.TS Lê Quang Trí, Trường ĐH Cần Thơ, lưu ý: “Để chống lại những thách thức từ biến đổi khí hậu như hiện tượng El Nino gây nhiều hậu quả, điển hình như hạn mặn nặng trong mùa khô. Sau El Nino là Le Nina, khiến lũ về khu vực không lớn. Tới mùa mưa nếu thượng nguồn xả đập thì gây lũ lớn cho khu vực. BĐKH còn làm thay đổi nhiệt độ, nếu vượt hơn mức trung bình sẽ tác động rất lớn đến nuôi trồng thủy sản và sức khỏe con người, tác động đến an ninh nguồn nước trong tương lai. Về vấn đề môi trường, ĐBSCL sản xuất chính là nông nghiệp, việc sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón đã ảnh hưởng đến nguồn nước. Tương lai, những khu công nghiệp sẽ làm tăng tình trạng ô nhiễm nguồn nước do chất thải. Cần Thơ và khu vực phải có thêm biện pháp đối phó với quá trình đô thị hóa này”.

Ông Huỳnh Thanh Sử, Giám đốc Ban quản lý Dự án ODA thành phố Cần Thơ, bổ sung: Về tổng thể, những nguy cơ đối với Cần Thơ là tình trạng ngập lụt và phát triển đô thị thiếu kiểm soát. Do Cần Thơ là trung tâm khu vực nên đông dân nhập cư đã tạo áp lực cho phát triển hạ tầng cơ sở. Việc phát triển đô thị thiếu kiểm soát, lấp đi những kênh rạch, lấn chiếm sông, khiến tình trạng ngập nghẹt của Cần Thơ ngày càng tăng. Tình trạng xử lý rác thải chưa ổn. Thời gian qua có rất nhiều nghiên cứu khoa học về khả năng chống chịu của Cần Thơ nhưng chưa có sự tương tác, bổ sung cho nhau. Công tác duy tu bảo dưỡng các công trình đô thị chưa tốt…

Để giải quyết các vấn đề, theo PGS. Lưu Đức Cường, vấn đề chính sách mà Cần Thơ cần chú ý trong quy hoạch phát triển là phải có một khung tổng thể, bao trùm tất cả các ngành, để xây dựng chiến lược chống chịu. Những tác động của BĐKH với Cần Thơ và khu vực rất rõ nét, cần xây dựng nghị quyết của thành phố yêu cầu tất cả các ngành, các địa phương phải xây dựng kế hoạch phát triển lồng ghép với yêu cầu thích ứng với BĐKH. Sau chiến lược chung đó các sở ngành phải xây dựng chi tiết để thực hiện. Vấn đề giải quyết ngập úng tại cộng đồng, khu dân cư sẽ được giải quyết qua những thực hiện chi tiết này. Thành phố sẽ thẩm định các đồ án quy hoạch của các sở ngành; trong đó quan trọng nhất là phải quản lý việc thực hiện các đồ án vì đã có những đơn vị phá vỡ quy hoạch…

Dịp này, ông Huỳnh Thanh Sử cho biết: “Ngân hàng Thế giới (WB) cho Cần Thơ vay 250 triệu USD để thực hiện dự án chống chịu BĐKH.

Đan Phượng

Bình luận (0)