Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần Thơ: Xã hội hóa giáo dục ì ạch, chạy trường tràn lan

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chuyện xã hội hóa giáo dục Trường Tiểu học Ngô Quyền, quận Ninh Kiều như là “điểm hẹn” của các sở, ban ngành, bởi 3 năm qua, cứ đến mùa tuyển sinh là: họp, bàn, hội thảo chuyện nên hay không nên khi thực hiện xã hội hóa trường tiểu học được xem là dạy có chất lượng này… Buổi hội thảo đầu tháng 4-2009 vừa qua cũng như những lần trước, nghĩa là vẫn chưa quyết định được khi nào thì xã hội hóa Trường Tiểu học Ngô Quyền?
Nếu Trường Tiểu học Ngô Quyền chỉ nhận học sinh trong địa bàn phường Tân An, mỗi năm học sinh 6 tuổi vào lớp 1 chỉ khoảng 110 học sinh. Trong khi, khả năng của trường nhận được khoảng 350 học sinh. Khoảng trống này được nhanh chóng lấp đầy bằng các lớp tiếng Pháp và các lớp chạy trường… Chuyện chạy trường cũng có nhiều lẽ và một trong những cách chạy trường thông dụng nhất là chạy hộ khẩu. Bà Lê Thị Thảnh, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ninh Kiều cho rằng: “Chuyện chạy hộ khẩu cũng không khó khăn lắm! Bằng chứng là năm học vừa qua, học sinh 6 tuổi vào lớp 1 của Trường Tiểu học Lê Quí Đôn tăng khoảng 1,5 lần so với số lượng điều tra dự kiến trong địa bàn”. Một số đại biểu lại tỏ ra băn khoăn: “Nếu thực hiện xã hội hóa Trường Tiểu học Ngô Quyền thì tình trạng chạy hộ khẩu lại ào vào địa bàn của Trường Tiểu học Lê Quí Đôn hay Mạc Đỉnh Chi (đóng tiền học bình thường) lại tăng đột biến thì chuyện xã hội hóa Tiểu học Ngô Quyền coi như phá sản”. Ngược lại, không thực hiện xã hội hóa Trường Tiểu học Ngô Quyền, các lớp học vẫn đầy, trong khi Nhà nước lại thất thu một khoản không nhỏ và việc thực hiện xã hội hóa giáo dục theo Nghị quyết 05 của Chính phủ vẫn giậm chân tại chỗ trên địa bàn TP Cần Thơ.
Chủ tịch UBND quận Ninh Kiều Bùi Hữu Nhơn, nói: “Cứ đến mùa tuyển sinh là chúng tôi lại tắt điện thoại và làm việc ở phòng khác”. Không riêng gì ông Nhơn mà hầu như những người có khả năng “gửi” học sinh vào các trường trọng điểm đều được tranh thủ nhờ cậy. Chuyện chạy trường, chạy lớp nói theo nhiều người không hẳn là chuyện tiêu cực về tiền bạc mà còn do quen biết, nể nang… Vậy tại sao không từ “cái nể nang” đó mà xóa tận gốc tình trạng tiêu cực này? Xét ở khía cạnh nào đó, nếu các sở, ban ngành phối hợp chặt chẽ hơn trong việc chạy hộ khẩu, không nể nang do quen biết chắc chắn việc khắc phục tình trạng chạy trường chạy lớp sẽ không quá khó khăn. Đã hơn 3 năm nhưng việc xã hội hóa Trường Tiểu học Ngô Quyền vẫn chỉ là một đề án, mỗi khi đến mùa tuyển sinh lại đem ra chỉnh sửa cho phù hợp với tình hình thực tế để bàn luận rồi cất vào sau khi mùa tuyển sinh đã qua. Vì vậy mà câu hỏi vì sao những thành phố khác có thể thực hiện xã hội hóa một cách ồ ạt, trong khi TP Cần Thơ lại không thể dù với chỉ một trường tiểu học vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.
Thái Hải

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)