Sở Khoa học và Công nghệ (KH-CN) TP.Cần Thơ vừa làm việc với Viện Lúa ĐBSCL và lãnh đạo các sở ngành cùng UBND huyện Cờ Đỏ về thực hiện chủ trương xây dựng thương hiệu giống lúa đặc sản của TP.
Theo mục tiêu Nghị quyết số 08-NQ/TU (ngày 7-4-2017) của Thành ủy Cần Thơ: TP đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm hàng hóa giá trị lớn, an toàn, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao.
Thực hiện nghị quyết, đến nay Cần Thơ đã xây dựng 183 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo các tiêu chí của Bộ NN-PTNT. Và định hướng phát triển 6 vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực, phát triển sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Hiện Cần Thơ có tổng diện tích sản xuất lúa 214.000ha, sản lượng lúa đạt trên 1,3 triệu tấn. Việc ứng dụng công nghệ tiên tiến đã giúp tăng năng suất lúa hàng năm. Đặc biệt năm 2020 được đánh giá là năm thắng lợi trong sản xuất do trúng mùa được giá, trong đó vụ đông xuân, người nông dân lãi bình quân 35 triệu/ha.
Bên cạnh đó, Cần Thơ đã xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn để sản xuất lúa sạch với 30.000ha/vụ. Trong số này có 10.000ha sản xuất theo tiêu chuẩn lúa sạch, 100ha sản xuất theo tiêu chuẩn lúa GlobalGAP, 335ha theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản lượng lúa từ mô hình cánh đồng mẫu lớn chủ yếu để xuất khẩu, giúp tăng thu nhập cho nông dân và góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới…
Mặc dù vậy Cần Thơ vẫn chưa có giống lúa thương hiệu đặc sản và chưa trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao của khu vực. Theo đó, tại buổi làm việc, sau khi trao đổi, phân tích những yếu tố thuận lợi và khó khăn, các đại biểu thống nhất với phương án, giao Viện Lúa ĐBSCL làm đầu mối, chủ trì, phối hợp Sở NN-PTNT xây dựng Dự án sản xuất giống lúa thương hiệu cho Cần Thơ. Cụ thể Viện Lúa ĐBSCL chọn các giống lúa chất lượng đang được thị trường đánh giá cao để tiếp tục nghiên cứu, tạo ra một số giống mới phù hợp điều kiện thổ nhưỡng của Cần Thơ với chất lượng sản phẩm vượt trội. Sau đó chọn các hợp tác xã nông nghiệp có uy tín ở huyện Cờ Đỏ, tập huấn cho các xã viên quy trình sản xuất với ứng dụng công nghệ mới. Sau đó cùng Bộ NN-PTNT và các ngành chức năng khảo nghiệm, đánh giá chất lượng từng loại giống lúa và hiệu quả kinh tế. Ngoài phần đầu tư kinh phí của Cần Thơ (thông qua Sở KH-CN), Viện Lúa ĐBSCL sẽ liên kết các doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, tăng cường thiết bị phục vụ sản xuất, đặc biệt quan tâm khâu bảo quản, chế biến và tiêu thụ. Sau khi chọn được những giống lúa đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng phù hợp thổ nhưỡng của Cần Thơ, ĐBSCL; TP sẽ tiến hành các thủ tục bảo vệ thương hiệu và từng bước mở rộng sản xuất đưa Cần Thơ trở thành trung tâm sản xuất và cung ứng lúa giống chất lượng cao cho toàn khu vực.
TS. Trần Ngọc Thạch – Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL – cho biết: “Dự án kỳ vọng sẽ giúp nông dân đồng bằng từng bước xây dựng nền nông nghiệp xanh và phát triển bền vững thông qua sản xuất lúa chất lượng cao với quy trình sản xuất tiên tiến, sử dụng vật tư nông nghiệp hợp lý, bảo vệ môi trường và đảm bảo an toàn thực phẩm. Từ đó nâng cao thu nhập và mức sống cho người trồng lúa”.
Đan Phượng
Bình luận (0)