Bằng nhiều giải pháp, kết hợp đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa để xóa mù bơi cho học sinh (HS) là một trong những điểm sáng của ngành giáo dục TP.Cần Thơ trong năm học 2016-2017.
Huấn luyện viên hướng dẫn HS tập bơi tại hồ bơi Công an TP.Cần Thơ |
1. Từ đầu năm học 2016-2017, Trường TH Lê Quý Đôn (Q.Ninh Kiều) đã tổ chức cho HS lớp bán trú được học bơi vào giờ chính khóa, từ 15 đến 17 giờ ngày thứ hai đến thứ sáu tại hồ bơi Công an TP; thứ bảy và chủ nhật học buổi sáng. Nhà trường hợp đồng xe đưa rước HS nếu phụ huynh không có điều kiện đưa rước. Để tổ chức hoạt động này, thầy Trương Hoài Phong (Hiệu trưởng nhà trường) đã lên kế hoạch, xin ý kiến phụ huynh và được mọi người ủng hộ. Trước đó UBND Q.Ninh Kiều và Phòng GD-ĐT đã làm việc và đề nghị sự hỗ trợ của các chủ hồ bơi trên địa bàn quận, do vậy học phí học bơi chỉ từ 200 đến 250 ngàn đồng/HS/khóa, thấp hơn 50% so với giá thực tế. Cách làm này khắc phục được một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác xóa mù bơi của TP.Cần Thơ là bảo đảm an toàn và đưa rước các em. Thầy Phong cho biết: “Trường chọn hồ bơi Công an TP vì điểm này rộng rãi, gần trường. Những HS hộ nghèo được Ban đại diện cha mẹ HS hỗ trợ học phí. Mỗi buổi học trường phân công 2 hoặc 3 giáo viên bộ môn giáo dục thể chất đi theo để quản lý HS và hỗ trợ huấn luyện viên hồ bơi trong hướng dẫn kỹ thuật bơi cho các em. Mỗi giáo viên phụ trách tối đa 25 HS”. Rất nhiều phụ huynh đồng thuận với cách làm này, góp phần để hơn 1.000 HS của trường được xóa mù bơi. Chị Nguyễn Thị Mai Thy (mẹ của em Chế Lạc Thiên) chia sẻ: “Mỗi khi nghe báo đài đưa tin trẻ bị đuối nước gia đình tôi rất lo sợ, nhưng vì công việc chúng tôi không thể đưa rước cháu đi học bơi. Nhà trường có mô hình này chúng tôi rất yên tâm. Biết bơi là một trong những kỹ năng sống quan trọng giúp các cháu tăng cường sức khỏe, nhất là bảo vệ các cháu không bị đuối nước”. Em Trần Vũ Tiến (học lớp 5E) vui vẻ nói: “Em rất thích học bơi nhưng cha mẹ đi làm không đưa rước được. Hồi trước, mỗi khi về thăm quê nội ở huyện Phong Điền, hoặc đi chơi biển, nhìn các bạn tắm em thích lắm nhưng không dám làm theo. Muốn xuống biển thì cha phải ẵm. Nhờ học ở trường, em đã biết bơi ếch và đang học bơi sải. Em bơi được hơn 100m rồi”…
2. Mô hình xóa mù bơi của Trường TH Lê Quý Đôn đã thu hút thêm 6/18 trường TH trên địa bàn quận tham gia xóa mù bơi cho HS. Cụ thể, Trường TH An Bình 1 vận động xã hội hóa, xây dựng hồ bơi trong trường, trang bị đầy đủ các công trình phụ trợ như phòng tắm, phòng thay đồ… với tổng kinh phí 250 triệu đồng. Có hồ, trường tổ chức dạy bơi vào tất cả buổi chiều trong tuần, từ 16 giờ 30. Học phí 250 ngàn đồng/HS/khóa. Chương trình dạy gồm xóa mù bơi và dạy cứu hộ. Với số tiền thu được từ dạy bơi, trường hợp đồng thêm huấn luyện viên và các nhân viên cứu hộ, nhân viên làm vệ sinh. Thầy Huỳnh Hữu Phước (Hiệu trưởng nhà trường) phấn khởi cho biết: “Do học tại trường, bảo đảm an toàn, giờ giấc chủ động nên đông đảo phụ huynh đăng ký cho con học. Cuối năm học, gần 80% HS khối 5 của trường được xóa mù bơi. Một số trường lân cận cũng xin cho HS tham gia học, trong đó có những trường thuộc Q.Bình Thủy”. Với nhiều giải pháp, kết thúc năm học, toàn Q.Ninh Kiều đã xóa mù bơi cho hàng ngàn HS. Riêng các trường: TH An Bình 1, TH Võ Trường Toản và TH Lê Quý Đôn, hơn 65% HS biết bơi.
Trong công văn hướng dẫn kế hoạch công tác hè, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ đặc biệt lưu ý các trường quan tâm kết hợp phụ huynh đẩy mạnh chương trình xóa mù bơi cho HS trong dịp hè, bên cạnh việc trang bị các kỹ năng sinh tồn khác. |
Tương tự, Phòng GD-ĐT Q.Bình Thủy cũng vận động xã hội hóa từ các chủ hồ bơi trên địa bàn, đồng thời khuyến khích các trường cố gắng tổ chức cho HS học bơi vào các buổi chiều trong tuần. Điều khó khăn nhất của quận là trên địa bàn chỉ có hồ bơi Ánh Viên (Quân khu 9) và hồ bơi nhà máy Nhiệt điện Trà Nóc nên các trường gặp khó trong đưa rước cũng như bố trí giờ học để không quá tải. Trường TH An Thới 2 tổ chức cho HS học ở hồ bơi Ánh Viên vào buổi chiều thứ hai, thứ tư và thứ sáu, giúp hàng trăm HS biết bơi các kiểu. Em Nguyễn Khánh Băng (HS Trường TH An Thới 2) nói: “Sau hơn 2 tháng học bơi em đã biết bơi ếch. Bây giờ em thoải mái tắm sông sau nhà mà không sợ nữa”. Lãnh đạo Trường TH An Thới 2 thường xuyên thống kê số HS chưa biết bơi, qua đó vận động phụ huynh đăng ký cho con học bơi. Những trường khác của quận cũng vận động phụ huynh tranh thủ dạy con tập bơi trên các sông gần nhà. Tại Trường TH Long Hòa 1, thầy Lê Trung Sứng – người đã xóa mù bơi cho hàng ngàn thanh thiếu niên – cho biết hè này UBND phường Long Hòa chấp thuận để thầy tổ chức dạy bơi cho 80 HS và trẻ em trong phường. Điểm “thực tập” là khúc sông trước chùa Long Quang, vào lúc nước lớn. UBND phường hỗ trợ thầy một số phương tiện như áo phao và nước uống…
3. Ông Nguyễn Hữu Nhân (Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TP.Cần Thơ) băn khoăn: “Đa số trường cho rằng khó xóa mù bơi cho HS vì không có hồ bơi. Nhưng tôi cho rằng, vấn đề cơ bản là phụ huynh chưa thật sự quan tâm đến việc giúp con học bơi. Trong khi đó bơi lội chưa phải là môn học chính thức, bắt buộc trong chương trình, nên chúng tôi và các trường gặp khó trong việc đề xuất xây dựng cơ sở vật chất, hoặc bắt buộc 100% HS tham gia. Do vậy không thể làm tốt công tác xóa mù bơi cho HS nếu không có sự chung tay, hỗ trợ của xã hội”.
Được biết, TP.Cần Thơ chỉ có Q.Ninh Kiều và Q.Bình Thủy có hồ bơi lớn. Những quận/huyện còn lại không có hồ bơi, do đó, Phòng GD-ĐT chỉ đạo nhà trường tổ chức dạy HS kỹ thuật bơi trên cạn và vận động phụ huynh giúp con “thực tập” dưới nước. Với những cách làm trên, nếu đầu năm học, TP.Cần Thơ có khoảng 150.500 HS các cấp biết bơi, chiếm 66% trên tổng số HS (còn khoảng 85.000 HS chưa biết bơi). Đến cuối năm học, hơn 170.000 HS đã xóa mù bơi, trong đó Q.Thốt Nốt và huyện Thới Lai đạt gần 70% HS biết bơi. Đây là năm học có số HS biết bơi tăng nhiều nhất kể từ trước đến nay. Đặc biệt, năm học vừa qua toàn TP không có HS nào bị đuối nước.
Đan Đan
Bình luận (0)