Mới đây, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo về chính tả trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. GS. Nguyễn Minh Thuyết (Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới) cho rằng cần thiết phải có một số thay đổi về chuẩn chính tả để phù hợp với thời kỳ hiện nay – thời kỳ hội nhập quốc tế hơn.
Giáo viên hướng dẫn học sinh tiểu học đọc chính tả. Ảnh: N.Trinh |
Tuy nhiên, nếu vấn đề chính tả được bàn thảo, thống nhất và thực hiện chỉ trong phạm vi biên soạn sách giáo khoa hay trong nhà trường, trong ngành giáo dục như suốt thời gian qua, mà không được lan tỏa rộng rãi ra phạm vi toàn xã hội, thì vấn đề cải cách chính tả sẽ không bao giờ đạt cứu cánh như mong muốn. Ai cũng biết, bàn đến ngôn ngữ nói chung và tiếng Việt nói riêng là phải kể đến hai lĩnh vực là tiếng nói và chữ viết. Tiếng nói là cái có trước và chữ viết là cái có sau. Tiếng nói đúng thì gọi là chính âm, chữ viết đúng thì gọi là chính tả.
Về chính âm, cộng đồng các dân tộc Việt Nam có nhiều ngôn ngữ, bên cạnh đó, các vùng – miền lại có phương ngữ riêng. Cách đây vài mươi năm đã có ý kiến cho rằng nước ta nên lấy tiếng Hà Nội làm chuẩn, sau đó sửa các lỗi phát âm đặc thù của phương ngữ Bắc bộ rồi lấy tiếng Hà Nội (đã chỉnh sửa) làm chính âm cho tiếng Việt. Thực ra, cái gọi là chính âm đó chỉ là một chuẩn mực để đối chiếu, phân định đúng/ sai về mặt lý thuyết, chỉ vận dụng trong lớp dạy đánh vần, chứ khó lòng có thể áp dụng cho toàn cộng đồng trong đời sống hằng ngày được. Sẽ rất bất khả thi và bất hợp lý khi buộc cả cư dân vùng phương ngữ Trung bộ, Nam bộ phải bỏ đi tiếng nói thân thương của làng quê mình để tập phát âm theo phương ngữ Bắc bộ – tiếng Hà Nội. Do đó chắc chắn sẽ rất khó (hoặc không thể) thống nhất một thứ tiếng nói chung cho cả cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Về chính tả, từ năm 1984, chúng ta đã có một quy định về chính tả trong sách giáo khoa cải cách giáo dục do liên bộ Bộ Giáo dục và Ủy ban KHXH Việt Nam (do Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình và Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHXH Việt Nam Phạm Huy Thông ký) ban hành. Từ đó đến nay, Bộ GD-ĐT đã ban hành những quy định về nhiều vấn đề có liên quan tới chính tả trong nhà trường. Đặc biệt, cuốn “Sổ tay biên tập sách giáo dục” (NXB Giáo dục, Hà Nội) có nhiều quy định về chính tả rất cụ thể. Ở đây, chúng tôi chỉ xin đơn cử một trường hợp chính tả còn nhiều ý kiến tranh cãi, là viết chữ i/y: Khi nào ta viết “i ngắn”, khi nào thì viết “y dài”?
“- Nguyên âm [i] trong các âm tiết mở, theo quy định là phải viết i ngắn: kĩ (thuật), lí (thuyết), mĩ (thuật), hi (vọng), (nghệ) sĩ… Nguyên âm [i] đứng một mình (âm tiết độc lập) thì sẽ viết i ngắn nếu là từ thuần Việt : ỉ (eo), ì (à) ì (ạch), (béo) ị, (ầm) ĩ… và y dài, nếu là từ Hán Việt: ý (kiến), (lưu) ý, y (sĩ), (chuẩn) y… Nguyên âm [i] đứng đầu âm tiết, có tổ hợp nguyên âm hoặc nguyên âm đôi, viết y dài: yêu (quý), yểu (điệu), yến (tiệc), yêng (hùng), huỳnh huỵch… Trong các âm tiết nửa mở, có nhiều trường hợp thể hiện bằng hai con chữ i, y nhưng thực chất có sự khác biệt (do sự nhầm lẫn chính tả). Nếu là tổ hợp nguyên âm [wi], như trong các từ quy (tắc), (thâm) thúy, (ma) túy, (xương) tủy, quỵ lụy… thì viết y dài. Nếu là tổ hợp nguyên âm [uj], như trong các từ cúi (đầu), túi (quần), tủi (hổ), xúi (bẩy), (tàn) lụi… thì viết i ngắn…”.
Nhưng tiếc thay, những quy định trên hình như chỉ dành cho các cán bộ biên tập của ngành giáo dục và chuyên ngành ngôn ngữ. Trong lúc tất cả các sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục, tạp chí Ngôn ngữ (Viện Ngôn ngữ học), tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống (Hội Ngôn ngữ học) được biên tập theo quy định trên thì hầu hết báo chí (kể cả báo dành cho thiếu niên, nhi đồng) đều viết “i ngắn, y dài” tùy tiện theo cảm tính.
Do đó, trong hoàn cảnh hiện tại, việc thống nhất chính tả tiếng Việt là một việc bức thiết, cần làm ngay. Các cơ quan truyền thông và ngành giáo dục cần phải thống nhất quan điểm với nhau về chính tả tiếng Việt, tránh tình trạng như hiện nay là việc chuẩn chính tả chỉ là việc trong phạm vi nhà trường chứ chưa phải là của toàn xã hội.
ThS. Đỗ Thành Dương
(Trưởng bộ môn ngữ văn, Trường Dự bị
ĐH dân tộc TW Nha Trang)
Bình luận (0)