Ngày 27/8, Bộ GD-ĐT đã tổ chức Hội nghị Tổng kết năm học 2007-2008 và Triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2008-2009 khối các trường ĐH và CĐ tại 5 điểm cầu truyền hình: Hà Nội, TPHCM, Vinh, Đà Nẵng và Cần Thơ. Hội nghị có sự tham gia của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân và các trường ĐH, CĐ trong cả nước.
Đội ngũ giảng viên ngoài công lập còn yếu kém
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm 2008-2009 tổng số giảng viên của các trường ĐH-CĐ là trên 56.000 người, tăng gần 6.000 người so với năm học trước. Tuy nhiên, theo phản ánh từ các trường, tuy “lượng” có tăng nhưng “chất” vẫn không thay đổi, mà nguyên nhân chủ yếu là do Bộ chưa đưa ra được một “chuẩn” nào ràng buộc giảng viên tự nâng chất trong quá trình giảng dạy mà yêu cầu tối thiều là phải nghiên cứu khoa học.
Những vấn đề liên quan đến chủ trương xây dựng đội ngũ giảng viên đạt “chuẩn” được các trường quan tâm thảo luận nhiều nhất. Theo bà Bùi Trân Phượng, hiệu trưởng Trường ĐH Hoa Sen thì bên cạnh việc cho ra những chuẩn quy định đối với giảng viên ĐH thì cũng cần tạo một cơ chế trong việc quốc tế hóa đội ngũ giảng viên.
Một thực tế gây không ít khó khăn trong công tác quản lý là có nhiều giảng viên yếu kém, không tham gia nghiên cứu khoa học nhưng các các trường cũng không biết dựa vào đâu để buộc giảng viên nâng cao năng lực của mình.
Đào tạo theo tín chỉ cần một phần mềm thống nhất
Đặc trưng của hệ thống tín chỉ là kiến thức được cấu trúc thành các học phần. Do đó, đầu mỗi học kỳ, sinh viên được đăng ký các môn học thích hợp với năng lực và hoàn cảnh của họ và phù hợp với quy định chung. Sự lựa chọn các môn học rất rộng rãi, sinh viên có thể ghi tên học các môn liên ngành nếu họ thích.
Đào tạo theo hệ thống tín chỉ là tôn trọng người học, xem người học là trung tâm của quá trình đào tạo. Tuy nhiên, việc triển khai học theo hệ thống tín chỉ đại trà trong năm học 2008-2009 cũng là một trong những khó khăn của các trường, nhất là các trường ĐH-CĐ địa phương và ngoài công lập.
Vấn đề cơ sở vật chất cũng phần nào gây khó khăn cho việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ. Theo ông Hoàng Văn Cẩn, Trường ĐH Sư Phạm TPHCM thì, cơ sở vật chất hết sức quan trọng trong đào tạo tín chỉ, ngay cả trường sư phạm cũng trả lời ngay là không thể thực hiện được vì cơ sở xuống cấp trầm trọng.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, trưởng phòng đào tạo trường CĐ Sư Phạm Bình Dương đặt câu hỏi: Việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ trong 3 năm gần đây không chỉ trường tôi mà nhiều trường đang gặp nhiều khó khăn. Có phải ngành giáo dục “chạy theo” thành tích hay không trong khi phần lớn các trường đều chưa đáp ứng được!
Nhiều trường ĐH, CĐ cho rằng, để chuyển qua đào tạo theo hệ thống tín chỉ thì trường phải chuẩn bị thật kỹ trong việc chuẩn bị sang hệ thống tín chỉ. Năm học vừa qua nhiều trường đã bắt đầu triển khai việc đào tạo theo hệ thống tín chỉ nhưng vẫn còn rất mờ nhạt. Tại sao cái gì cũng chung nhưng không có một phần mềm tín chỉ chung.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân chia sẻ: Vấn đề đào tạo theo hệ thống tín chỉ, Bộ GD-ĐT sẽ chỉ đạo Cục Công nghệ thông tin rà soát lại xem các trường ĐH lớn đang dùng loại phần mềm nào. Bộ cũng yêu cầu Cục Công nghệ thông tin đến tháng 10/2008 phải báo cáo lại và đưa ra một một phần mềm quản lý đào tạo bằng hệ thống tín chỉ chung thống nhất.
Còn nhiều vi phạm trong công tác tuyển sinh Năm học vừa qua, đoàn kiểm tra Bộ GD-ĐT đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại nhiều trường ĐH, CĐ và phát hiện có đến 17 trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu trên 20% trong 2 năm liên tục. Bên cạnh đó, công tác thanh tra còn phát hiện một số trường tiến hành đào tạo và cấp bằng cho những ngành nghề mà chưa được phép đào tạo. Hay là đào tạo và cấp bằng cho những ngành chưa được giao nhiệm vụ đào tạo hoặc cấp bằng khác với quyết định mở ngành ban đầu. Để chấn chỉnh những sai sót này, dự kiến tháng 12/2008 Bộ sẽ hoàn thành danh mục phân loại ngành đào tạo ĐH, CĐ trên toàn quốc. Các trường phải căn cứ vào danh mục này để sử dụng, gọi đúng và chính xác tên ngành đào tạo trong mọi giao dịch, thông báo tuyển sinh và trên văn bằng tốt nghiệp. Cũng trong năm học này, Bộ quy định đối với hệ không chính quy (vừa học vừa làm), các trường chỉ được tổ chức 2 đợt vào tháng 10/2008 và tháng 4/2009. Đề thi của hệ này phải sử dụng từ ngân hàng đề thi của Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục. |
Đoàn Quý (dantri.com.vn)
Bình luận (0)