Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Cần tiêm vaccine sởi đầy đủ ở trẻ nhỏ và người lớn

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 24-4, trước tính hình dịch sởi vẫn diễn biến căng thẳng, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tới đây, chiến dịch tiêm chủng vaccine phối hợp sởi – rubella với quy mô lớn cho khoảng 23 triệu trẻ em từ 1-14 tuổi trên toàn quốc sẽ được tổ chức trong thời gian từ quý IV/2014 – quý II/2015.

Chiến dịch nhằm giúp Việt Nam khống chế bền vững bệnh sởi, cắt đứt sự lây truyền của vi rút sởi để tiến gần hơn tới mục tiêu loại trừ bệnh sởi, khống chế bệnh rubella và hội chứng rubella bẩm sinh.

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện Trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia, cho biết, bệnh sởi là bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi rút sởi gây ra. Bệnh sởi chỉ xuất hiện trên người và rất dễ lây. Mặc dù sởi thường là một bệnh nhẹ hoặc vừa phải, nhưng có thể có các biến chứng như: viêm tai giữa, viêm phổi, viêm não và tử vong.

Nguy hiểm hơn, biến chứng sau mắc sởi có thể dẫn đến tàn phế, tử vong, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, người nhiễm HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc sởi khi mang thai có thể gây ra sảy thai, đẻ non. Thống kê cho thấy cả nước có 20,4% số mắc sởi có biến chứng viêm phổi, 19,6% bị tiêu chảy, 1,1% viêm não màng não và 0,85% viêm tai giữa.

Trước những nguy cơ trên, GS.TS Nguyễn Trần Hiển nêu rõ, cách phòng ngừa bệnh sởi tốt nhất là tiêm vaccine. Vaccine sởi là vaccine sống giảm độc lực được sản xuất dưới dạng vaccine đơn giá hoặc phối hợp với vaccine quai bị, hoặc Rubella. Vaccine sởi khi tiêm chủng sẽ tạo ra đáp ứng miễn dịch dịch thể và tế bào như sau khi nhiễm sởi tự nhiên. Tuy nhiên tiêm vaccine sởi cho trẻ từ 6 tháng tuổi trở xuống thường không tạo được đáp ứng miễn dịch do hệ thống miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện và do vẫn còn tồn tại kháng thể trung hòa từ mẹ truyền sang.

Theo nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới, trẻ được tiêm 1 liều vaccine vào lúc 8 – 9 tháng tuổi thì tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh kháng thể trung bình là 89,6%, tiêm vào lúc 11 – 12 tháng tuổi thì tỷ lệ chuyển đổi huyết thanh là 99%.

Tiêm vaccin sởi đủ 2 mũi giúp ngăn ngừa bệnh sởi ở trẻ nhỏ

GS.TS Nguyễn Trần Hiển cũng cho biết, từ năm 2008, 192 trong số 193 quốc gia thành viên của Tổ chức Y tế thế giới đã áp dụng tiêm 2 mũi vaccine sởi để tạo ra miễn dịch bảo vệ lên trên 95%. Đặc biệt, khi có dịch, việc tiêm vaccine chống dịch có thể làm giảm số mắc và giảm sự lan truyền của dịch. Trước những nghi ngại của người dân về chất lượng vaccine, Viện trưởng Nguyễn Trần Hiển khẳng định, vaccine sởi ở Việt Nam rất an toàn, hiệu quả và được đánh giá là một trong những vaccine tốt nhất mặc dù giá thành chỉ 6.000 đồng/liều.

Vaccine cũng thể hiện hiệu quả cao khi mới đây, sau khi triển khai chiến dịch tiêm chủng và tiêm vét thì tại các tỉnh xuất hiện nhiều ổ dịch sởi như: Lào Cai, Hà Giang, Tuyên Quang, Sơn La số mắc sởi đã giảm. Do vậy những trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng, thậm chí cả trẻ lớn hơn, người lớn, phụ nữ trước khi có thai hoặc những trường hợp chưa từng mắc sởi nên tiêm vaccine sởi.

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, tính hết ngày 23-4, cả nước ghi nhận 3.569 trường hợp mắc sởi xác định trong số 9.932 trường hợp sốt phát ban dạng sởi tại 61/63 tỉnh, thành phố. Toàn quốc cũng đã ghi nhận có 25 trường hợp tử vong do sởi trong số 119 trường hợp nặng xin về và tử vong có liên quan đến sởi.

Đáng chú ý, qua phân tích hầu hết ca mắc sởi là không được tiêm chủng hoặc không rõ tình trạng tiêm chủng vaccine sởi chiếm tới 86,4%. Chỉ có 9,9% ca mắc sởi đã tiêm chủng 1 mũi vaccine sởi. Điều này cho thấy tính cần thiết của việc tiêm chủng đủ 2 mũi vaccine sởi trong tiêm chủng thường xuyên.

Trong khi đó, thực hiện chiến dịch tiêm vét vaccine phòng dịch sởi từ tháng 3/2014 đến nay, cả nước mới đạt tỷ lệ 65,3%. Chỉ có 5 tỉnh thành có tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi đạt trên 90% gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Phú Yên, Hậu Giang. Đáng lưu ý còn tới 11 tỉnh có tỷ lệ tiêm vét vaccine sởi đạt dưới 50% gồm: Lâm Đồng, Hòa Bình, An Giang, Tiền Giang, Lai Châu, Đồng Nai, Bình Dương, Cà Mau, Đồng Tháp, Bình Phước, Long An.

NGUYỄN QUỐC (SGGP)

Bình luận (0)