Hướng nghiệp - Tuyển sinhThông tin hướng nghiệp

Cần tìm hiểu về cơ hội việc làm khi chọn ngành học

Tạp Chí Giáo Dục

Bên cạnh sự yêu thích và phù hợp, khi chọn ngành học, thí sinh cần chú ý đến cơ hội tìm được việc làm sau khi ra trường.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực hành	 /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực hành. ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
Điều này càng đúng khi nhìn vào công bố của Bộ LĐ-TB-XH trên bản tin thị trường lao động việc làm quý 2/2017: cả nước có trên 183.000 người tốt nghiệp ĐH rơi vào tình trạng thất nghiệp (tăng 44.200 người so với quý trước).
Theo dõi thị trường lao động
Có những ngành cần nhiều nhân lực, sinh viên ra trường có việc ngay. Nhưng ngành không “nóng” mà sinh viên có năng lực thì cơ hội việc làm vẫn cao
Tiến sĩ PHẠM TẤN HẠ

Theo tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, một yếu tố quan trọng không kém khi chọn ngành học chính là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. Đây là yếu tố mang tính chất lý thuyết và hơi khó dự đoán nhưng là một yêu cầu thực tế, vì mục đích cuối cùng của việc học là việc làm. Do vậy, ngay khi chọn ngành, thí sinh nên chú ý đến xu hướng phát triển của các ngành nghề được dự báo có nhu cầu trong tương lai, đặc biệt là sự ra đời của các ngành nghề mới.

Đồng quan điểm này, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng việc tham khảo số liệu dự báo về nhu cầu thị trường lao động là cần thiết trong trường hợp này. Những số liệu dự báo được đưa ra đều căn cứ trên tình hình thực tế. “Do vậy, nếu xã hội đã có những cảnh báo về một số ngành nghề có tỷ lệ thất nghiệp cao thì không nên lựa chọn, trừ khi đó là một ngành thực sự đam mê”, ông Hồng nói.
Cũng theo ông Hồng, bên cạnh thông tin từ các trung tâm dự báo thị trường lao động, người học nên tham khảo chính kết quả khảo sát tình hình việc làm các ngành nghề của từng trường. Đặc biệt là của những ngành học, trường mình muốn nộp hồ sơ để qua đó thấy được khả năng tiếp nhận của xã hội về nhân lực trong lĩnh vực và trường đào tạo.
Người giỏi không thiếu việc
Ngành nào tỷ lệ sinh viên có việc làm cao?

Kết quả khảo sát tình hình việc làm của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM năm 2017 cho thấy, ngành có tỷ lệ việc làm cao nhất là công nghệ kỹ thuật hóa học, tiếp đến là công nghệ kỹ thuật điện – điện tử, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm…
Kết quả khảo sát năm 2016 Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM đưa ra một số ngành có việc làm cao như: ngôn ngữ học, Hàn Quốc học, báo chí, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, ngôn ngữ Anh…
Trường ĐH Bách khoa TP.HCM các ngành có kết quả khảo sát việc làm cao gồm: khoa học máy tính, kỹ thuật điện – điện tử, kỹ thuật chế tạo, xây dựng cầu đường, vật lý kỹ thuật…

Tuy nhiên, các chuyên gia đều khẳng định, năng lực thực sự mới chính là yếu tố chủ quan quyết định cơ hội việc làm của sinh viên sau khi ra trường.

“Mỗi ngành nghề được đào tạo trong các trường ĐH đều nhằm mục tiêu cung cấp nhân lực cho xã hội. Dù đó là ngành mà cơ hội việc làm đang trong phạm vi “khung cửa hẹp” thì vẫn luôn có cơ hội cho người năng lực tốt. Ngược lại, nếu là một chuyên gia tồi trong lĩnh vực đó thì nhu cầu xã hội có lớn cũng chưa chắc có cơ hội. Vì vậy, không nên nghĩ rằng một ngành nghề bị cảnh báo tỷ lệ thất nghiệp cao là hoàn toàn không có việc làm”, PGS-TS Nguyễn Kim Hồng chia sẻ.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng nói: “Việc làm phụ thuộc vào thị trường lao động nhưng quan trọng hơn là năng lực bản thân. Ngành học nào cũng có cơ hội việc làm miễn là giỏi. Giỏi ở đây là năng lực thực sự chứ không chỉ bằng cấp, ngoài kiến thức chuyên môn còn phải hội đủ các kỹ năng cho từng vị trí công việc cụ thể”. Tuy nhiên thạc sĩ Vũ lưu ý, vẫn cần cân nhắc một chút về nhu cầu xã hội ở những ngành nghề đặc thù.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, phân tích: “Công nghệ thông tin là ngành đang rất thiếu nhân lực nhưng bao nhiêu người có thể đáp ứng được các vị trí việc làm đòi hỏi nhiều ý tưởng như thiết kế phần mềm?”.
Từ đó, tiến sĩ Hạ cho rằng: “Có những ngành cần nhiều nhân lực, sinh viên ra trường có việc ngay. Nhưng ngành không “nóng” mà sinh viên có năng lực thì cơ hội việc làm vẫn cao. Do vậy, sau khi trúng tuyển, sinh viên phải nỗ lực rất nhiều ngay từ năm đầu tiên để chủ động trang bị “hồ sơ đẹp” theo đúng yêu cầu nhà tuyển dụng”.
“Vấn đề là người học phải chủ động khẳng định bản thân để doanh nghiệp tự tìm đến mình. Thực sự chỉ nhìn sự thụ động và không có trách nhiệm với việc học của sinh viên trên giảng đường cũng có thể đoán trước về khả năng thất nghiệp trong tương lai”, tiến sĩ Hạ nhấn mạnh.
Sinh viên tư vấn chọn nghề cho học sinh

Tô Thành Nghĩa, sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, hằng ngày nhận được rất nhiều thư từ học sinh (HS) nhờ tư vấn chọn ngành nghề phù hợp.
Theo Nghĩa, sau nhiều lần tiếp xúc với HS THPT ở nhiều trường tại TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận, nhận thấy đa phần HS đều không biết chọn ngành nào, bản thân thích học ngành gì.
Nghĩa tìm hiểu và nhận ra, với những ai đã từng gặp thất bại trong việc lựa chọn con đường đi cho mình đều có một điểm chung, đó là không có sự chuẩn bị từ trước, chọn đại ngành nào đó để học, sau khi học được một thời gian thì phát hiện không hợp với bản thân, rồi dẫn đến việc bỏ hết để thi lại. Việc này gây ra sự tổn thất không nhỏ cho gia đình và xã hội.
"Muốn góp phần giúp đỡ các HS có được sự chuẩn bị tốt nhất trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia, có thể đưa ra những quyết định đúng đắn cho tương lai của mình, nên mình quyết định phát triển dự án tư vấn chọn nghề cho HS qua email, có tên ProjectX 2017", Nghĩa nói.
Tuyết Linh, HS lớp 12 Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Q.6, TP.HCM), cho biết: "Đã từng gửi email nhờ tư vấn. Nhờ vậy mà tháo gỡ được nhiều vướng mắc về chuyện học, thi và chọn trường".
Xuân Phương
Hà Ánh/TNO

 

Bình luận (0)