Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Cần tôn trọng tư duy phản biện

Tạp Chí Giáo Dục

Trong cuộc sống, con người phải dần làm quen với việc người khác có ý kiến về cùng một vấn đề có thể không giống với mình. Thậm chí cả ý kiến khác với số đông. Việc tồn tại những ý kiến riêng rẽ trong xã hội là một điều hết sức bình thường và lành mạnh, miễn là ý kiến đó không phải là hành vi vi phạm pháp luật hay vi phạm nghiêm trọng đạo đức. Dưới đây, tôi xin nói về tư duy phản biện ở hai môi trường – hai cái nôi khởi đầu và vô cùng quan trọng của cuộc đời mỗi con người.

Ở gia đình, không phải lúc nào cha mẹ cũng dạy con áp đặt theo kiểu: “Cá không ăn muối cá ươn. Con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Con cái – dù là một đứa trẻ – vẫn có quyền góp ý khi cha mẹ có những lời nói, hành động không phù hợp. Cha mẹ cần lắng nghe quan điểm của con chứ không nên dạy con theo lối mòn: “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. Điều này mở rộng ra thì nhiều lắm. Nhưng chỉ bấy nhiêu cũng đủ cho người lớn hiểu rằng, cần công bằng, dân chủ ngay từ mọi thành viên trong gia đình, môi trường giáo dục của gia đình.

Ở trường học, thầy cô không nên áp đặt học sinh “tư duy một chiều”. Thật đáng xấu hổ khi một người thầy có những lời nói hoặc hành động sai với học sinh mà không dám nhận lỗi, tệ hơn nữa là đổ lỗi cho học sinh. Thật đáng buồn khi những người thầy dạy học sinh theo kiểu “tư duy theo thầy”, nhất là đối với bộ môn ngữ văn. Văn chương cần lắm tư duy phản biện nhưng một số thầy cô lại dạy theo kiểu “tư duy áp đặt”. Làm bài theo “mẫu” thì đạt điểm cao, trình bày theo quan điểm cá nhân dễ bị phê bình. Tôi xin đưa ra một ví dụ, trong đề kiểm tra có một câu hỏi: “Nếu đặt trường hợp mình là Tấm, kết thúc câu chuyện em có hành động như Tấm không?”. Những học sinh trả lời “không làm như Tấm” thì câu trả lời này các em đều có điểm. Còn một học sinh trả lời sẽ hành động như Tấm và đưa ra lí lẽ “ác giả ác báo” vì mẹ con Cám quá ác độc, biết bao lần hãm hại Tấm dù Tấm biến thành chim Vàng Anh, cây xoan đào, khung cửi… thì lại bị điểm 0. Không những ở câu hỏi này em bị “ăn” điểm 0 mà còn bị phê bình không hiểu bài. Áp đặt thế này thì hệ lụy của nền giáo dục như thế nào? Học sinh làm sao dám nói lên chính kiến của mình khi “thầy cô luôn luôn đúng”. Hãy trân trọng những ý kiến trái chiều. Hãy đề cao tư duy phản biện. Không nên áp đặt theo kiểu “đường xưa lối cũ mà đi”.

Thái Hoàng

Bình luận (0)