Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Cần trả lại giá trị thực cho điểm thi

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Sau khi các trường đại học (ĐH) công bố điểm chuẩn hoàn tất, bức tranh chung của tuyển sinh năm nay có thể nhận thấy điều bất thường là điểm chuẩn một số ngành ở một số trường tăng – giảm theo chiều thẳng đứng. Có ngành tăng tới 9,5 điểm nhưng có ngành giảm tới 10,9 điểm so với năm ngoái.

Tăng giảm bất thường

Ghi nhận cho thấy, trong mùa tuyển sinh đợt 1 năm nay, có khoảng 30 ngành học có điểm chuẩn tăng – giảm bất thường tại các trường ĐH. Trong đó, điểm chuẩn tăng phi mã rơi vào các ngành Sư phạm, đặc biệt là Sư phạm Lịch sử hoặc các ngành thuộc nhóm Khoa học Xã hội ở tổ hợp C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý). Tổ hợp này vốn có các môn khó đạt điểm cao nhưng năm nay, điểm chuẩn đã có cuộc lội dòng gây sốc. Trường ĐH Quy Nhơn có 3 ngành điểm chuẩn tăng 9,5/30 điểm so với năm 2021 là Sư phạm Địa lý, Sư phạm Ngữ văn, Sư phạm Lịch sử. Đây là mức tăng cao nhất trong số các ngành xét kết quả thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc. Tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội 2, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử xét tổ hợp C00 cũng tăng 13,17/40 điểm.

Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội cũng có hàng loạt ngành có điểm chuẩn trên 29,90 điểm/tổ hợp C00 (đối với thang điểm 30).

Cần trả lại giá trị thực cho điểm thi ảnh 1

Nếu cứ chạy theo chỉ tiêu, thí sinh sẽ vẫn còn chóng mặt vì các thay đổi trong chính sách tuyển sinh. Ảnh: P.V

Lý giải nguyên nhân điểm chuẩn cao bất thường ở nhóm ngành Khoa học Xã hội đối với tổ hợp C00, các trường đều khẳng định có 2 nguyên nhân chính là chỉ tiêu ít và phổ điểm môn Lịch sử, môn Ngữ văn cao hơn hẳn so với năm 2021.

Ở khía cạnh khác, nhiều ngành điểm chuẩn giảm. Nhưng giảm điểm sốc nhất phải kể đến một số ngành kỹ thuật của Trường ĐH Giao thông Vận tải TPHCM. Trong số 31 ngành đào tạo đại trà của trường có 14 ngành điểm chuẩn giảm từ 6,4/30 điểm trở lên. Đặc biệt, ngành Khai thác vận tải (chuyên ngành Kinh tế vận tải biển) giảm sốc tới 10,9 điểm, ngành Kỹ thuật Điều khiển và Tự động hóa (chuyên ngành Tự động hóa Công nghiệp) giảm 10,4 điểm; ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng (chuyên ngành Xây dựng và Quản lý chuỗi cung ứng) giảm 10,1 điểm; nhiều ngành khác giảm trên 9 điểm. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM năm nay cũng có số lượng ngành học điểm chuẩn giảm khá nhiều. Trường có 9 ngành điểm chuẩn giảm từ 6,75 đến 8,25 điểm.

“Nếu không học thật, thi thật, nhân tài thật; không đổi mới một cách bài bản, căn cốt để tuyển đầu vào có chất lượng, thực chất; cứ nhắm mắt buông xuôi chạy theo số lượng (dễ dãi đầu vào, tăng quy mô – để đủ kinh phí trang trải cho tự chủ), giáo dục ĐH Việt Nam sẽ còn nhiều truân chuyên”. GS Nguyễn Đình Đức

Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, ai cũng thấy điểm cao cũng trượt là bất bình thường. Điều khó thấy là cách thức giải quyết gốc rễ của sự bất bình thường này như thế nào. Và lo ngại nhất là điều bất bình thường trở nên bình thường. Điểm trúng tuyển chạm trần làm cho việc tuyển sinh ĐH của Việt Nam trở thành kỳ dị trên bản đồ tuyển sinh ĐH thế giới và gây hoang mang, làm rối loạn định hướng của thí sinh, phụ huynh cho mùa tuyển sinh những năm tới. Thực ra, ở góc độ giáo dục, điểm xoay quanh mốc 9 là như nhau. Nhưng việc tuyển sinh mà dịch chuyển được theo hướng từ “vị chỉ tiêu” sang “vị chất lượng” thì sẽ có nhiều cái khác. Trong tuyển sinh, định hướng “Chỉ tiêu” và “Chất lượng” không đơn thuần là quan điểm “9 bỏ làm 10”.

Định hướng chỉ tiêu là theo cách thức đưa ra một thước đo (ví dụ tổng điểm thi 3 môn Toán, Lý, Hóa), rồi ấn định mức đo (điểm chuẩn) để tuyển cho đủ chỉ tiêu kế hoạch. Thế nên có tình trạng mới đặt ngưỡng 29,0 đã dư thừa, nên phải nâng lên 29,5 để không vượt chỉ tiêu. Hoặc ngược lại hạ mãi mà vẫn thiếu. Hiện nay đa số các trường ĐH của Việt Nam theo định hướng này.

Theo TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT, ai cũng thấy điểm cao cũng trượt là bất bình thường. Điều khó thấy là cách thức giải quyết gốc rễ của sự bất bình thường này như thế nào. Và lo ngại nhất là điều bất bình thường trở nên bình thường. Điểm trúng tuyển chạm trần làm cho việc tuyển sinh ĐH của Việt Nam trở thành kỳ dị trên bản đồ tuyển sinh ĐH thế giới và gây hoang mang, làm rối loạn định hướng của thí sinh, phụ huynh cho mùa tuyển sinh những năm tới.

Định hướng chất lượng là bản thân các trường quy định “sàn chất lượng” cho trường độc lập với chỉ tiêu, chấp nhận ngay cả khi tuyển không đủ chỉ tiêu hoặc vượt chỉ tiêu kế hoạch và sẽ bị phạt vào năm sau. “Không thỏa hiệp với chất lượng, nhưng mềm dẻo với chỉ tiêu kế hoạch cũng là nội dung tự chủ trong việc tuyển sinh của nhà trường. Hiện chỉ rất ít trường ĐH của Việt Nam theo định hướng này. Trong khi Quản lý nhà nước đang theo phương thức tăng tự chủ cho các trường kết hợp kiểm soát chỉ tiêu (kế hoạch hóa). Các quy định nhà nước nói chung chưa ủng hộ áp dụng cách tiếp cận trên. Vì theo Nghị định 04/2021 của Chính phủ về xử phạt, nhóm ngành tuyển vượt 3% trở lên là phạt và ngay cả khi trường ĐH chấp nhận tuyển ít hơn để đảm bảo chất lượng cũng có nguy cơ bị phạt 30-40 triệu đồng theo lỗi “Thực hiện tuyển sinh không đúng đề án tuyển sinh đã công bố”, TS Lê Trường Tùng nêu thực tế.

Bộ GD&ĐT không thể đứng ngoài

GS. TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết ở thời điểm thực hiện 3 chung trong tuyển sinh ĐH, chênh nhau nửa điểm trong kỳ thi 3 chung, đã là tự hào, là một trời một vực.

“Năm nay, điểm trúng tuyển vào những ngành hot lại tiếp tục cận ngưỡng gần như tuyệt đối. Trong đó ngành có Công nghệ Thông tin của Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội; ngành Quốc tế học, Quan hệ công chúng, Hàn Quốc học, Báo chí ở tổ hợp C00 của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Mừng không, nói thẳng là không. Điểm cao mà vẫn nóng hết cả mặt”, GS Nguyễn Đình Đức chia sẻ.

GS Đức cho rằng, với điểm thi THPT như vậy, từ năm ngoái cho đến năm nay, việc nhiều trường ĐH, nhất là các ĐH lớn, uy tín, chỉ sử dụng một tỷ lệ nhất định chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi THPT, và buộc phải sử dụng nhiều phương thức khác nhau để tuyển sinh, trong đó có các kỳ thi riêng, đánh giá năng lực là để tuyển các thí sinh có chất lượng vào ĐH – vì sự phát triển sống còn của chính trường ĐH. GS Nguyễn Đình Đức nhận định đề thi tốt nghiệp THPT đang chạy theo dư luận. Điển hình là môn Lịch sử đã đẩy điểm chuẩn tổ hợp C00 lên cao ngất, hay môn tiếng Anh đã kéo điểm chuẩn các tổ hợp có môn này xuống thấp. “Cứ thất thường và thiếu bản lĩnh như thế, thật khó lường cho thí sinh”, GS Nguyễn Đình Đức nói.

Với việc sử dụng kết quả thi THPT để tuyển vào ĐH khi đề thi cực dễ như những năm qua, cộng thêm việc coi thi, chấm thi ở các địa phương khác nhau, có thể rất khác nhau, thậm chí là có vấn đề, là hết sức nguy hiểm và có thể để lại những hệ lụy lâu dài với giáo dục Việt Nam.

Theo định hướng của Bộ, việc tuyển sinh dùng kết quả THPT như hiện nay cơ bản ổn định, kéo dài đến 2025. Còn theo Luật giáo dục ĐH mới sửa đổi, tuyển sinh ĐH là việc của các trường, Bộ GD&ĐT vô can. Nhưng trên thực tế hiện nay lại không phải như vậy. Vì nếu hiểu tuyển sinh trường nào, trường nấy tự lo mà không có sự cầm cân nảy mực về chất lượng chung là thiếu thực tế và không khả thi ở Việt Nam. Một lần nữa, vấn đề đổi mới tuyển sinh ĐH lại gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh. Bộ GD&ĐT không thể đứng ngoài cuộc. Các cơ quan nhà nước, Quốc hội không thể đứng ngoài cuộc.

Theo Nghiêm Huê/TPO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)